Đảo ngược thái độ, Pháp thành 'kẻ bên lề' trong làn sóng hạt nhân mới

Tổng thống Macron đang đi ngược lại xu thế chung của châu Âu, cũng như chính những gì mình từng tuyên bố trước đây.

Trong cuộc trưng cầu dân ý hôm Chủ Nhật (21/5), người dân Thụy Sỹ đã bỏ phiếu ủng hộ cho kế hoạch của chính phủ, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của nước này vào năng lượng hạt nhân. Đây là sáng kiến được chính phủ Thụy Sỹ khởi xướng sau vụ rò rỉ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011. 58% dân số Thụy Sỹ thể hiện sự đồng ý với lựa chọn đầu tư vào năng lượng tái tạo – một xu thế mới hiện nay tại châu Âu. Áo từ lâu đã từ bỏ chương trình năng lượng hạt nhân của mình, trong khi Đức cam kết sẽ thực hiện điều này vào năm 2022.

Tuy nhiên, nước Pháp dưới thời của tân Tổng thống Emmanuel Macron dường như đang thể hiện sự do dự trước xu thế trên. Từng tuyên bố sẽ tiếp tục chương trình của chính phủ trước - với mục tiêu giảm tỷ lệ năng lượng hạt nhân trong ngành công nghiệp năng lượng của Pháp, từ 75% xuống còn 50% vào năm 2025, nhưng gần đây ông Macron lại cho rằng kế hoạch này là phi thực tế, và thời điểm cho mục tiêu cuối cùng có thể sẽ được gia hạn thêm 5 năm hoặc nhiều hơn nữa. Sự trì hoãn này được cho là sẽ có lợi cho EDF – tập đoàn cung cấp điện do Nhà nước sở hữu, hiện đang phải “vật lộn” với một khoản nợ khổng lồ.

“Chính phủ của Macron không hoàn toàn chống lại hạt nhân. Khi còn là Bộ trưởng Kinh tế, ông Macron từng thúc đẩy kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại vùng Great Britain của EDF. Và Thủ tướng Edouard Philippe từng giữ vị trí Giám đốc quan hệ công chúng tại Avera (công ty Pháp chuyên về năng lượng hạt nhân). Vì thế, chúng ta không thể kỳ vọng họ ủng hộ hoàn toàn cho việc chuyển đổi năng lượng,” Charlotte Mijeon từ Sortir de Nucleaire – một liên đoàn bao gồm khoảng 800 tổ chức chống hạt nhân, cho biết.

Tổng thống Pháp Macron không ủng hộ chuyển đổi năng lượng tái tạo? (ảnh: sputnik)

Tuần trước, giá cổ phiếu của EDF đã giảm ngay sau khi nhà sinh thái học nổi tiếng, người ủng hộ cho năng lượng tái tạo Nicolas Hulot trở thành Bộ trưởng Sinh thái của Pháp. Theo Mijeon, khoảng ¾ dân số Pháp ủng hộ ý tưởng chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, nước Pháp hiện không muốn tự bỏ tiền túi chi trả cho khoản kinh phí xóa bỏ các thiết bị hạ tầng năng lượng hạt nhân.

“Người Pháp muốn phát triển năng lượng tái tạo bởi nó rất phổ biến hiện nay… Họ muốn có các nguồn năng lượng đa dạng hơn nữa. Tuy nhiên, cùng lúc, họ chưa sẵn sàng để bỏ nhiều tiền hơn cho hóa đơn điện,” Valerie Faudon – Giám đốc tổ chức năng lượng hạt nhân Pháp (SFEN) nhận xét.

“Chi phí đóng cửa một nhà máy điện hạt nhân trước khi vòng đời sử dụng của nó kết thúc, rất đắt đỏ. Và việc không ảnh hưởng đến điều gì, bởi nó không giúp làm giảm lượng khí thải CO2. Tôi nghĩ rằng ông Nicolas Hulot – người rất nhiệt thành trong cuộc chiến chống lại hiện tượng nóng lên toàn cầu, biết điều này. Kế hoạch 5 năm giảm lượng khí thải hiệu ứng nhà kính của Pháp hướng tới mức chi phí thấp nhất. Ý tưởng là điện hóa giao thông công cộng, và mở rộng việc sử dụng điện – điều này cho phép thực hiện cả mục tiêu giảm lượng khí CO2 và chống lại ô nhiễm,” bà Faudon giải thích.

Theo các nguồn tin chính thức từ chính phủ Pháp, tốc độ cho quá trình từ bỏ năng lượng hạt nhân còn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, hãng tin Sputnik nhận định, phương thức tiếp cận thị trường năng lượng của Tổng thống Macron và chính quyền Pháp sẽ khá “thực dụng”.

(Theo Sputnik)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/dao-nguoc-thai-do-phap-thanh-ke-ben-le-trong-lan-song-hat-nhan-moi-239588.html