Đào tạo CNTT cho cán bộ xã, phường: Còn nhiều khó khăn

Đến cuối năm 2016 Hà Nội đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trong lĩnh vực tư pháp đến các xã, phường trên địa bàn. Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) được giao đào tạo chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) cơ bản cho công chức địa phương. Tuy nhiên, công việc này còn nhiều khó khăn, tỷ lệ học viên được cấp chứng chỉ đạt thấp, có những nơi chỉ đạt trên 50%...

Hướng dẫn công nghệ thông tin cho nhân viên bộ phận “một cửa” phường Văn Quán (quận Hà Đông). Ảnh: Bá Hoạt

Chưa làm tốt quy định

Năm 2016, Sở TT-TT được UBND thành phố giao chủ trì đào tạo chuẩn kỹ năng CNTT cho 7 chức danh công chức xã, phường, thị trấn và các chủ tịch, phó chủ tịch xã, phường, thị trấn. Kết quả, Sở đã đào tạo cho 8.966 học viên, gồm khối công chức và lãnh đạo xã, phường, thị trấn là 6.787 học viên; khối công chức, viên chức Ngành Giáo dục là 2.179 học viên. Trong tổng số 488 học viên không tham gia khóa học đó thuộc khối xã, phường, thị trấn, thì có tới 431 người thuộc các huyện và 17% số người không tham gia là các chức danh lãnh đạo. Hai huyện có học viên không tham gia đào tạo nhiều nhất là Đông Anh (66 người), Thạch Thất (55 người). Số học viên không tham gia của Ngành Giáo dục là 16 người.

Nhưng, đó mới là chuyện của “bỏ học”. Con số học viên không đủ điều kiện dự thi ở khối xã, phường, thị trấn là 423 người thì các huyện chiếm 359 học viên, trong đó hai huyện Chương Mỹ (73 người), Thanh Oai (74 người) có số lượng học viên không đủ điều kiện dự thi nhiều nhất. Con số này ở Ngành Giáo dục là 94 người; nhưng khác với khối quận, huyện, số bỏ học hoặc không đạt thường rơi vào các huyện thì trong Ngành Giáo dục, số không đủ điều kiện dự thi ở cấp quận (64 người) cao gấp 2 lần cấp huyện (32 người). Đáng lưu ý, lượng học viên không đủ điều kiện dự thi của Ngành Giáo dục lại rơi nhiều nhất ở quận Long Biên (21 người) - được đánh giá là địa phương ứng dụng CNTT tốt nhất thành phố.

Một con số không thể không nhắc đến đó là tỷ lệ học viên được cấp chứng chỉ sau đào tạo. Nếu như 12 quận nội thành đạt tỷ lệ cao khoảng 90% (trừ quận Ba Đình thấp nhất chỉ đạt 79%); thì 18 huyện, thị xã, con số này thấp hơn nhiều khi chủ yếu ở mức 60% - 70%. Chỉ có 2 đơn vị có tỷ lệ học viên được cấp chứng chỉ cao là thị xã Sơn Tây với 85%, Đông Anh 84%; các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, Hoài Đức đạt tỷ lệ trên 70%, một số ít đạt hơn 60%. Có tới 4 đơn vị đạt kết quả được cấp chứng chỉ trên 50% gồm: Chương Mỹ (51%), Thạch Thất (53%), Mê Linh (55%), Phú Xuyên (56%) và cá biệt huyện Thanh Oai chỉ đạt 38% người được cấp chứng chỉ. Có nghĩa là 4 đơn vị và huyện Thanh Oai có số học viên đáp ứng yêu cầu chỉ bằng 1/2 so với quy định hoặc không đạt yêu cầu.

Vai trò của người đứng đầu

Đâu là nguyên nhân mà khối cán bộ, công chức, lãnh đạo xã, thị trấn bỏ học và không đủ điều kiện thi cao? Ông Vũ Lộc An, Giám đốc Trung tâm Đào tạo CNTT - truyền thông (thuộc Sở TT-TT) Hà Nội cho rằng, một phần do điều kiện và công việc nên khối các quận được tiếp cận, sử dụng máy tính, phần mềm sớm và thành thạo nên có lợi thế hơn. Trong khi đó, ở không ít xã, việc sử dụng, ứng dụng CNTT mới ở giai đoạn đầu, nên có lẽ tâm lý này khiến đội ngũ cán bộ, công chức còn e ngại, dẫn đến chưa nhận thức được đầy đủ.

Nói về kinh nghiệm triển khai ứng dụng CNTT đạt hiệu quả, tại hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo ứng dụng CNTT Hà Nội mới đây, lãnh đạo hai quận Đống Đa, Bắc Từ Liêm, là đơn vị có tỷ lệ học viên được cấp chứng chỉ cao đã nhấn mạnh đến vai trò của các cấp lãnh đạo đơn vị trong việc quán triệt, nâng cao nhận thức về ứng dụng CNTT cho đơn vị. Trong đó, lãnh đạo quận Bắc Từ Liêm cho biết, việc 7 chức danh công chức được đào tạo bài bản về chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT không những sử dụng thành thạo các ứng dụng CNTT tại đơn vị mà từ đó còn trực tiếp hướng dẫn người dân khi đến các bộ phận một cửa thực hiện các thủ tục hành chính hoặc giao dịch. Đó cũng là lý do mà Bắc Từ Liêm là đơn vị có tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến cao. Tương tự như vậy, các đơn vị thị xã Sơn Tây, huyện Quốc Oai cũng nhấn mạnh đến vai trò của đội ngũ công chức xã thành thạo CNTT sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT của đơn vị.

Theo Sở TT-TT Hà Nội, thành phố đã có văn bản yêu cầu nếu các học viên thuộc diện được đào tạo mà không tham gia thì trong lần học bổ sung sau sẽ phải tự bỏ kinh phí học. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã quy định, việc đánh giá khen thưởng, thi đua của các sở, ban, ngành, quận, huyện có xét đến tỷ lệ cán bộ, công chức chấp hành đào tạo và ứng dụng CNTT của đơn vị. Do vậy, các địa phương không bảo đảm, sẽ bị hạ thi đua.

Tại buổi họp Ban Chỉ đạo ứng dụng CNTT thành phố mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng một lần nữa nhấn mạnh đến vai trò của lãnh đạo sở, ngành, quận, huyện, thị xã trong việc thúc đẩy ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành và chỉ khi làm tốt tại đơn vị mình thì từ đó mới phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp.

Việt Nga

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/862110/dao-tao-cntt-cho-can-bo-xa-phuong-con-nhieu-kho-khan