Đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi cho TPHCM trong tương lai

Ở chương trình tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ đã có được 1.524 đồng chí và chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đã đào tạo được 87 tiến sĩ, 755 thạc sĩ. Dù có rơi rớt ít nhiều, nhưng cũng khẳng định một điều là những 'hạt giống' quý này đã bổ sung đáng kể cho đội ngũ cán bộ của TP...

Sáng 15-7, Thành ủy TPHCM tổ chức Hội thảo về nội dung chương trình và hình thức đào tạo cán bộ chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ và chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý trẻ của TP.

Tham gia hội thảo có các đồng chí Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM; Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM; cùng các đồng chí nguyên là lãnh đạo Thành ủy các thời kỳ, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện lãnh đạo các sở ngành, quận huyện, các cán bộ nguyên là học viên của chương trình đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ và chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý trẻ TP.

Phát biểu đề dẫn khai mạc hội thảo, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Nguyễn Hữu Hiệp nêu những kết quả nổi bật của 2 chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý trẻ hơn 10 năm qua khởi nguồn từ Chương trình quy hoạch cán bộ dài hạn và Chương trình đào tạo 300 và 500 thạc sĩ, tiến sĩ nhằm mục tiêu tuyển chọn, đào tạo sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức trẻ có triển vọng phát triển tốt, tạo nguồn quy hoạch, rèn luyện qua thực tiễn trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, cán bộ khoa học, công nghệ và khoa học - xã hội nhân văn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và bổ sung đội ngũ cán bộ chủ chốt cho các địa phương, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị TP…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang (bìa phải) trao đổi cùng các đại biểu tại Hội thảo về Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cho TP. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang (bìa phải) trao đổi cùng các đại biểu tại Hội thảo về Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cho TP. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thách thức nguồn lực cán bộ lãnh đạo chất lượng cao

Được mời phát biểu đầu tiên, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua, người từ nhiều năm trước đã cùng Ban Thường vụ Thành ủy các khóa trực tiếp lãnh đạo, tổ chức thực hiện 2 chương trình quy hoạch, đào tạo này đã đi ngay vào các giải pháp triển khai thời gian tới.

Đồng chí nói: “Ở chương trình tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ chúng ta đã có được 1.524 đồng chí và chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đã đào tạo được 87 tiến sĩ, 755 thạc sĩ. Dù có rơi rớt ít nhiều, nhưng cũng khẳng định một điều là những “hạt giống” quý này đã bổ sung đáng kể cho đội ngũ cán bộ của TP. Vậy đội ngũ này và cả sắp được đào tạo thời gian tới có sẵn sàng để đáp ứng các đòi hỏi, vượt qua các thách thức và vận dụng được sức mạnh mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong thực thi nhiệm vụ hay không? Hay chương trình chỉ tiếp tục bổ sung vào đội ngũ đang có với mức độ tiệm tiến về trình độ, tư duy như hiện có?”

Các giải pháp mà đồng chí Nguyễn Văn Đua đưa ra, bao gồm, việc phát hiện, tiến cử vào chương trình đào tạo, tạo nhận thức sâu sắc, đúng đắn của các cấp ủy Đảng, bồi dưỡng động cơ đúng đắn cho ứng viên tham gia chương trình và đổi mới nội dung, phương thức tổ chức thực hiện cho sát với yêu cầu và đòi hỏi phát triển nguồn lực đội ngũ cán bộ lãnh đạo của nhiều năm tới…, đã nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu.

Trong đó, GS-TS Nguyễn Ngọc Giao, cho rằng không nên “tuyệt đối hóa” 2 chương trình này. Nếu không sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng "công thần" và xác định quan điểm không đào tạo cán bộ lãnh đạo có kiến thức chuyên sâu của các ngành khoa học.

“Việc đào tạo các ngành khoa học, công nghệ hay khoa học xã hội - nhân văn nên để các viện, trường đại học tự đề xuất và triển khai. TP chỉ nên tập trung vào các ngành mà các đơn vị trên không đào tạo, hay đào tạo không đủ nhưng cần thiết cho sự phát triển, chẳng hạn như quy hoạch đô thị, quản lý môi trường, hành chính công…”, GS-TS Nguyễn Ngọc Giao kiến nghị.

Quan điểm trên được nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo và PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM ủng hộ.

Trong đó, theo mô hình của PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa phải bắt đầu từ nhu cầu của các tổ chức, cá nhân liên quan được xác định qua các chính sách, chiến lược, kế hoạch, dự báo nguồn lực dài hạn.

Về giải pháp, đồng chí Phạm Phương Thảo đề nghị: “Giảm tối đa, tiến tới không đào tạo thạc sĩ, chỉ đào tạo tiến sĩ là những chuyên gia đầu ngành; có chính sách khuyến khích, thu hút người giỏi mà xã hội tự đào tạo đối với những ngành mà TP đang cần”.

Nguyên Phó Ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Thị Lan cho rằng, trước yêu cầu và thách thức của nguồn lực cán bộ chất lượng cao của TP những năm tới và thực tế những khiếm khuyết, hạn chế của Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ thời gian qua, chỉ nên đầu tư, mở rộng Chương trình tạo nguồn, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ theo phương thức tuyển chọn trong đội ngũ cán bộ công chức và sinh viên giỏi tốt nghiệp ở các trường đại học đưa ra nước ngoài đào tạo ngắn hạn theo yêu cầu một số ngành, lĩnh vực cần thiết cho sự phát triển lâu dài của TP.

Chăm chút xây dựng nguồn lực cho tương lai

Sau phát biểu của Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường 6, quận 6 Nguyễn Huy Thắng, một cán bộ được đào tạo trong chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ nói lên những hiệu quả đạt được của chương trình, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải, khẳng định: “Đây là chủ trương đúng đắn, sáng tạo, đi đầu cả nước của Đảng bộ TPHCM nhiều nhiệm kỳ. Nhưng cũng khẳng định, ngoài kết quả tích cực về nhiều mặt, cũng bộc lộ nhiều khuyết điểm, tồn tại cần có giải pháp khắc phục thời gian tới để đưa ra được một chương trình mang tầm chiến lược xây dựng nguồn nhân lực cán bộ lãnh đạo, quản lý cho TP trong tương lai. Trong điều kiện khó khăn về ngân sách, có thể huy động nguồn lực tài chính qua xã hội hóa và chọn lọc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cho phù hợp với yêu cầu sử dụng trước mắt và lâu dài”.

Nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải phát biểu về công tác đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cho TP. Ảnh: VIỆT DŨNG

"Từ yêu cầu của sự phát triển TP trong tương lai, chúng ta cần có chiến lược cụ thể trong đào tạo đội ngũ cán bộ theo hướng vừa đào tạo trong nước, vừa gửi ra nước ngoài đào tạo. Trong đó, đặc biệt chú trọng đào tạo đội ngũ khoa học, công nghệ. Có thể tính đến chuyện cử những người đã được đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài ở lại làm việc một thời gian trong các ngành, lĩnh vực khoa học, công nghệ cao mà đất nước cần đến trong tương lai. Đây là sự chuẩn bị cho đội ngũ cán bộ có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của TP và đất nước mà chúng ta cần phải tính đến từ bây giờ…" - Đồng chí LÊ THANH HẢI, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang phát biểu về việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cho TP tại hội thảo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang khẳng định, trong hơn 20.000 cán bộ, công chức của TP hiện nay có gần 10% từ 2 chương trình đào tạo mà TP đầu tư, xây dựng được từ các nhiệm kỳ qua. Hiện nhiều đồng chí nắm giữ các vị trí lãnh đạo từ phường/xã đến quận/huyện và TP. Đây là vốn quý, là nguồn lực cán bộ lãnh đạo, quản lý có chất lượng cho hệ thống chính trị của TP những năm qua và những năm tới. Có được đội ngũ này là cả một quá trình TP chúng ta chăm chút, vun bồi, xây dựng và kỳ vọng trao giữ những trọng trách để thử thách, rèn luyện, phấn đấu trở thành những cán bộ lãnh đạo, quản lý cho TP sau này.

Từ kết quả và cách làm của 2 chương trình đào tạo, Thường trực Thành ủy sẽ kiểm điểm, đánh giá một cách toàn diện để đề ra một chương trình mang tính chiến lược, thiết thực và hiệu quả hơn, nhằm đáp ứng với yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cho TP trong nhiều năm tới.

HOÀI NAM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nguồn SGGP: http://www.sggp.org.vn/dao-tao-doi-ngu-can-bo-lanh-dao-quan-ly-gioi-cho-tphcm-trong-tuong-lai-455733.html