Đào tạo giáo viên theo định hướng và phương thức mới

GD&TĐ - Đó là chia sẻ của PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Bộ phận Thường trực đổi mới chương trình, Sách giáo khoa Giáo dục phổ thông.

Sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh trong giờ thực hành Hóa học.

Đào tạo giáo viên theo định hướng mới

Theo quan điểm cá nhân thấy: Để làm tròn sứ mệnh của một nhà trường sư phạm, chương trình đào tạo giáo viên của mỗi cơ sở cần chú ý cả tầm gần lẫn tầm xa; cả trước mắt lẫn lâu dài.

Theo PGS, cần nhanh chóng chuyển đổi đào tạo giáo viên dạy theo định hướng nội dung sang đào tạo giáo viên dạy theo định hướng hình thành và phát triển năng lực.

Đây là một yêu cầu đổi mới hàng đầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới, vì thế các cơ sở đào tạo giáo viên không thể không xem xét để đổi mới quy trình đào tạo của nhà trường, từ mục tiêu, nội dung, phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức dạy học đến kiểm tra đánh giá, quản lý việc dạy và học…

Trong các phương diện ấy, cần tập trung nhiều cho công tác nâng cao năng lực nghiệp vụ sư phạm của sinh viên. Vì yêu cầu về nội dung kiến thức khoa học sẽ không thay đổi nhiều trong khi cách tiếp cận, cách dạy, cách học đòi hỏi phải thay đổi mạnh mẽ.

Để có cách dạy thay đổi, sinh viên cần vừa nắm vững tri thức khoa học, vừa tinh thông nghiệp vụ sư phạm. Tuy nhiên theo PGS, lâu nay việc đào tạo quá nghiêng về phần trang bị kiến thức cơ bản, ít chú trọng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, chưa chú trọng các kỹ năng mềm cho sinh viên.

Trong nghiệp vụ sư phạm, chủ yếu tập trung rèn luyện cho sinh viên cách dạy nhằm trang bị kiến thức, nhồi nhét kiến thức, ít chú trọng vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thiết thực.

Do đó, PGS cho rằng, dạy theo yêu cầu phát triển năng lực đòi hỏi người giáo viên biết cách tổ chức cho học sinh thông qua các tình huống thực tiễn, nhận biết các vấn đề cần giải quyết; từ đó huy động, tìm tòi, cộng tác, chia sẻ với bạn bè, thầy cô và những người xung quanh để tìm ra giải pháp phù hợp, thực hiện có hiệu quả, qua đó mà hình thành kiến thức, kĩ năng, thái độ, tình cảm… chính là để phát triển năng lực.

“Như thế một trong các vấn đề đặt ra đối với việc đào tạo, bồi dưỡng là: Bằng cách nào để trang bị cho sinh viên cách dạy theo yêu cầu phát triển năng lực?” – PGS đặt vấn đề.

Xác định phương thức đào tạo phù hợp

Cũng theo PGS, các trường/khoa sư phạm cần chú ý đặc điểm và yêu cầu của 2 giai đoạn trong giáo dục phổ thông để xác định được nội dung, phương thức đào tạo cho phù hợp.

Lâu nay việc đào tạo giáo viên tách riêng từng cấp: Mầm non, tiểu học, THCS và THPT. Đã đến lúc cần xem xét lại toàn bộ chương trình đào tạo các cấp bậc học này để tạo sự liên thông, thống nhất và đảm bảo tính khoa học, tính sư phạm.

Với chương trình giáo dục phổ thông mới cần chú ý yêu cầu và tính chất của 2 giai đoạn: Giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp.

“Tuy nhiên, vấn đề đặt ra với các nhà trường sư phạm là: Với yêu cầu tạo cho học sinh những tri thức nền tảng vừa có thể ra đời, vừa học tiếp lên cao, chương trình đào tạo giáo viên cho giai đoạn giáo dục cơ bản cần thay đổi như thế nào? Hai cấp này liên thông và kết nối ra sao về chương trình đào tạo?

Tương tự như vậy với yêu cầu định hướng nghề nghiệp cũng vừa giúp học sinh ra đời lao động và vừa học tiếp lên cao, chương trình đào tạo giáo viên THPT cần thay đổi như thế nào?

Phương thức đào tạo giáo viên của 2 giai đoạn này giống và khác nhau ra sao? Có cần tách rời mỗi bậc học hay kết hợp đào tạo giáo viên cho cả hai giai đoạn trong một cơ sở đào tạo?” – PGS nêu vấn đề.

Các cơ sở cần đào tạo ra người giáo viên có những phẩm chất và năng lực nghề nghiệp, vừa đáp ứng được các yêu cầu của chương trình mới sắp thay đổi, vừa có thể ứng phó linh hoạt trước sự chuyển đổi nhanh chóng của đời sống, của khoa học kỹ thuật, công nghệ và yêu cầu phát triển chương trình của các giai đoạn với các cấp độ khác nhau.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/dao-tao-giao-vien-theo-dinh-huong-va-phuong-thuc-moi-1681345-v.html