Đào tạo nghề cho 27,5 triệu người

TP - Đó là mục tiêu đề ra trong dự thảo Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020 đang được Bộ LĐ - TB&XH lấy ý kiến doanh nghiệp và chuyên gia trước khi trình cấp trên xem xét.

Theo dự thảo này, từ năm 2011 đến 2020, mỗi năm đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 55 phần trăm; 90 phần trăm lao động qua đào tạo có việc làm phù hợp nghề và trình độ. Ông Dương Đức Lân - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, cả nước hiện có 367 trường cao đẳng và trung cấp nghề, 864 trung tâm dạy nghề và trên 1.000 cơ sở dạy nghề khác. Theo 11 tập đoàn và tổng Cty lớn, từ năm 2020, bình quân mỗi năm, các đơn vị này cần 60 - 70 ngàn lao động; trong đó 80 phần trăm có trình độ trung cấp trở lên. Nhu cầu nhân lực trình độ cao cho một số tập đoàn kinh tế khi mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài sẽ gia tăng. Dự kiến, từ 2009 đến 2020, sẽ đưa khoảng 800 ngàn người ra nước ngoài làm việc; mỗi lao động xuất khẩu đều phải qua đào tạo nghề. Những năm gần đây, quy mô dạy nghề luôn đạt và vượt chỉ tiêu hằng năm; trong đó, 1,5 triệu lượt người được đào tạo nghề, nâng lao động qua đào tạo nghề lên 26 phần trăm và có tới 70 phần trăm học sinh ra trường có việc làm ổn định. Ông Đàm Hữu Đắc - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, Luật Giáo dục (năm 2005) và Luật Dạy nghề (2006) đã tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành hệ thống đào tạo kỹ thuật thực hành trong hệ thống giáo dục quốc dân; hình thành dạy nghề chính quy với ba cấp (sơ, trung, cao đẳng) và dạy nghề thường xuyên thay thế dạy nghề trước đây chỉ gồm dạy nghề ngắn và dài hạn. Việc tổ chức dạy trung cấp nghề và cao đẳng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nhân lực có tay nghề cao của thị trường lao động trong quá trình CNH - HĐH. Dạy nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề thường xuyên góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng lao động nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn theo hướng hiện đại. Ngoài ra, Bộ LĐ - TB&XH đã triển khai dạy nghề theo nhu cầu tại doanh nghiệp; dạy nghề cho nông dân gắn với giải quyết việc làm và tự tạo việc làm; thí điểm đặt hàng đào tạo với các tập đoàn kinh tế; đào tạo nghề cho lao động vùng chuyên canh cây công nghiệp. Sau khi lấy ý kiến doanh nghiệp và chuyên gia, Dự thảo sẽ được Bộ LĐ - TB&XH trình cấp trên xem xét; thời gian ban hành dự kiến cuối năm 2009.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/tianyon/index.aspx?articleid=174683&channelid=2