Đào tạo nghề cho lao động nông thôn: Vì sao hiệu quả vẫn thấp?

Mục tiêu của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) là phải gắn với xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, sau 6 năm (2010 - 2015) triển khai đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kết quả mới đạt trên 90% kế hoạch, riêng năm 2016 chỉ đạt trên 83% kế hoạch đề ra, trong khu hiệu quả còn thấp!.

Chưa đạt mục tiêu đề ra

Tại Hội nghị toàn quốc công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa tổ chức, ông Nguyễn Hồng Minh- Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH) cho biết: Trong 7 năm (2010-2016) các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, tổ chức thực hiện có kết quả Đề án đào tạo nghề cho LĐNT.

Đào tạo nghề cho LĐNT cần gắn với giảm nghèo bền vững.

Đến nay, đã có trên 5 triệu LĐNT được học nghề, trong đó có gần 3,5 triệu LĐNT được hỗ trợ đào tạo theo chính sách của Quyết định số 1956/QĐ-TTg, với trên 40% học nghề nông nghiệp, gần 60% học nghề phi nông nghiệp. Sau học nghề, số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn đạt gần 80%.

Kết quả đáng ghi nhận là nhận thức của người dân về học nghề có sự chuyển biến căn bản, từ chỗ tham gia học nghề để được hỗ trợ tiền ăn, học cho biết đã chuyển sang học nghề để nắm bắt khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, để có kiến thức, kỹ năng tìm được việc làm có thu nhập cao, làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, nội dung đào tạo nghề đã tập trung vào đào tạo nông dân nòng cốt để thực hiện các dự án trong chương trình xây dựng nông thôn mới, nông dân làm dịch vụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như: Thú y viên; dẫn tinh viên; phòng trừ dịch bệnh cây trồng, vật nuôi; dịch vụ thủy nông; thuyền trưởng, máy trưởng... đào tạo cho nông dân ở các vùng khó khăn, vùng nghèo về kỹ thuật sản xuất các loại cây trồng vật nuôi để nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội.

Mặc dù đã đạt được kết quả quan trọng, tuy nhiên báo cáo của Bộ NNPTNT cũng chỉ rõ: Số lượng đào tạo nghề nông nghiệp không đạt mục tiêu đề ra, sau đào tạo nghề có 80% LĐ có việc làm mới là chỉ tiêu không phù hợp với thực tế; phương pháp đào tạo chủ yếu là đào tạo tập trung ở trên lớp, do đó nhiều nông dân không có điều kiện để tham gia với thời gian 3 tháng; một số nội dung đào tạo theo yêu cầu của sản xuất nông nghiệp hiện nay như: Sản xuất công nghệ cao, vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu không có trong chương trình đào tạo; nguồn kinh phí dựa chủ yếu vào ngân sách của Trung ương hỗ trợ, mặt khác kinh phí hàng năm bố trí hạn chế nên các mục tiêu về số lượng đặt ra đạt thấp (khoảng 75%)...

Để khắc phục những hạn chế trong đào tạo nghề cho LĐNT theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg, tháng 7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 971/QĐ-TTg với mục tiêu: Ít nhất 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Về nội dung đào tạo: Chuyển đổi sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, tổ chức sản xuất những sản phẩm chủ lực để thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp ở địa phương, đào tạo nghề sản xuất công nghệ cao, đào tạo sản xuất sản phẩm vệ sinh an toàn thực phẩm, đào tạo sản xuất thực hiện an sinh xã hội vùng khó khăn.

Tuy nhiên, sau 1 năm thực hiện, chương trình chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra: Lao động được đào tạo nghề nông nghiệp năm 2016 đạt thấp (126.189/161.055 người so với kế hoạch đề ra), thấp hơn so với năm 2015 là 35%. Việc đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp còn yếu, số lượng đào tạo nghề trong các doanh nghiệp còn ít nên chưa hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp nâng cao tay nghề cho NLĐ, phần lớn các doanh nghiệp vẫn phải tự lo khâu đào tạo.

Có tình trạng: Ghi tên để lĩnh chế độ?

“Tôi đã nói nếu là đào tạo nghề thật, đi làm việc thật thì còn được, nhưng nếu chỉ là đánh trống ghi tên, một xã mà 600 người làm nghề hoạn lợn thì sao? Phải xem lại việc học nghề của LĐNT thời gian qua có thực chất, có sát với thực tế và nhu cầu của LĐNT hay chỉ là đánh trống ghi tên, để lĩnh tiền chế độ?”

- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị.

Giai đoạn 2016-2020, đào tạo nghề cho LĐNT được đưa vào là nội dung trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ, với mục tiêu: Đào tạo nghề cho 5,5 triệu LĐNT (1,4 triệu người học nghề nông nghiệp; 4,1 triệu người học nghề phi nông nghiệp); trong đó hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho khoản 3,84 triệu người và yêu cầu là nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT, sau đào tạo, ít nhất 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho LĐNT, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Quyết định 971/QĐ-TTg ngày 1/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ: “Không tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của việc làm sau học nghề”.

Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, khi thảo luận về công tác đào tạo nghề cho LĐNT, nhiều đại biểu đã từng đưa ra ý kiến: Thực tế có tình trạng LĐNT gặp gì đào tạo nấy, đánh trống ghi tên để chi tiền. Thậm chí, có những ý kiến cho rằng mục tiêu của Đề án 1956 đặt ra lớn nhưng tổ chức thực hiện còn nhiều chuyện đáng bàn. Đã có những đại biểu nói trong kỳ họp Quốc hội là có xã đào tạo tập trung khoảng 600 người chỉ chuyên một nghề, đó là nghề hoạn lợn.

“Tôi đã nói nếu là đào tạo nghề thật, đi làm việc thật thì còn được, nhưng nếu chỉ là đánh trống ghi tên, một xã mà 600 người làm nghề hoạn lợn thì sao? Phải xem lại việc học nghề của LĐNT thời gian qua có thực chất, có sát với thực tế và nhu cầu của LĐNT hay chỉ là đánh trống ghi tên, để lĩnh tiền chế độ?”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị.

Bày tỏ quan điểm cần xem lại “đầu ra” cho LĐNT sau đào tạo nghề, ông Trần Đức Quý- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Công tác đào tạo nghề cho LĐNT ở tỉnh miền núi biên giới còn gặp nhiều khó khăn, vốn phân bổ chậm và ít trong khi điều kiện Hà Giang địa bàn phân tán, việc mở lớp dạy nghề tập trung ở xã, huyện rất khó khăn, mà các cơ sở dạy nghề phải xuống tận thôn, bản để mở lớp.

Tuy nhiên, điều đáng nói là các lớp mở ra xong, địa phương cũng không có nhiều doanh nghiệp để tiếp nhận LĐ sau đào tạo nghề. Thế nên, có những huyện, mỗi năm có đến 4.000 - 5.000 LĐ bỏ sang biên giới để kiếm việc làm.

Bảo Duy

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-vi-sao-hieu-qua-van-thap-50981.html