Đào tạo nghề vênh với nhu cầu doanh nghiệp

Ông Mạc Văn Tiến- Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học dạy nghề cho biết, trong thời gian rất dài, đào tạo nghề Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, chất lượng chưa đáp ứng sự đòi hỏi của doanh nghiệp, không tương tích với nhu cầu của thị trường.

CôngThương - Thiếu kết nối với doanh nghiệp

Theo đánh giá của ông Mặc Văn Tiến, hiện đào tạo nghề của Việt Nam vẫn theo lối dạy cái mình có chứ không dạy cái doanh nghiệp cần, không có sự thiết lập chặt chẽ giữa doanh nghiệp, nhà trường nên dẫn đến sự gia tăng mất cân đối trình độ, ngành đào tạo và tình trạng thất nghiệp sau khi ra trường, trung bình mỗi sinh viên sau 6 năm mới tìm được công việc ổn định. Nguyên nhân là chưa hình thành các chuẩn đào tạo, đầu ra, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Thực trạng này làm cho một lực lượng lao động bị lãng phí, năng suất lao động Việt Nam thấp hơn khu vực và thế giới.

Dẫn chứng về thực tế tuyển dụng của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thùy Dương- Phó Tổng giám đốc Công ty tài chính Ernst&Young Việt Nam cho hay, mỗi năm doanh nghiệp này tuyển dụng gần 100 nhân sự, trong đó có sự tham gia của sinh viên trong nước và du học sinh. Điểm yếu của sinh viên trong nước so với ứng viên du học sinh đó là kiến thức xã hội yếu kém, họ chủ yếu giỏi về lý thuyết học trong sách vở hơn là kỹ năng thực hành nghề, khả năng tạo sự tin cậy đối với nhà tuyển dụng cũng không có, trong khi với nhà tuyển dụng tố chất này là điều họ mong muốn nhất. "Chúng tôi cần nhân viên có kỹ năng toàn diện và khả năng thích ứng cao, chứ không cần một nhân viên xuất sắc chỉ biết đút chân vào gầm bàn”- bà Dương chia sẻ. Mặt khác, hiện các trường đào tạo từng có thương hiệu như Ngoại thương, Kinh tế do chạy theo số lượng, thành tích mà quên chất lượng, đào tạo kỹ năng cho sinh viên đã làm cho nhà tuyển dụng chuyển hướng sang các trường khác, điển hình như Đại học Quốc gia.

Còn ông David Priestley- Giám đốc điều hành Rolls-Royce International Ltd Việt Nam chia sẻ, đối với Rolls-Royce cách họ tuyển dụng nhân sự chính là thông qua kết hợp với trường đào tạo để sinh viên đến thực tập tại công ty. Quá trình thực tập là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp tìm được nhân tài và săn đón ngay khi sinh viên mới tốt nghiệp và biết sẽ tuyển dụng vào vị trí và bổ phận nào. Trong khi đó, các trường đào tạo của Việt Nam lại không chú trọng vấn đề hợp tác với nhà tuyển dụng, doanh nghiệp, để đào tạo đúng và phù hợp.

Sớm xây dựng khung trình độ quốc gia

Trước thực trạng trên, ông Mạc Văn Tiến nhấn mạnh, việc xây dựng Khung trình độ quốc gia là sự cần thiết để điều chỉnh độ vênh giữa đào tạo và nhu cầu của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay. Mục tiêu của khung trình độ quốc gia là thúc đẩy hợp tác giáo dục - việc làm giữa các quốc gia trên cơ sở công nhận văn bằng, chứng chỉ của nhau; hình thành cơ chế bảo đảm chất lượng gắn với công nhận văn bằng và trình độ tương ứng để có lòng tin vào giá trị của văn bằng. Mặt khác, đến năm 2015 hình thành cộng đồng ASEAN, các quốc gia sẽ công nhận trình độ lẫn nhau. Khi đó, không còn mười thị trường lao động mà sẽ có một thị trường lao động lớn. Lao động trong nước có thể làm việc tại Malaysia, Thái-lan… Nếu được công nhận về trình độ, lao động Việt Nam sẽ không bị thiệt thòi, đồng thời việc có khung trình độ quốc gia là cơ sở để các quốc gia có thể so sánh, công nhận văn bằng, chứng chỉ lao động Việt Nam.

Hiện trong cộng đồng ASEAN còn 4 quốc gia chưa xây dựng khung trình độ quốc gia là Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. 2 nước mới ban hành là Indonesia và Malaysia. ASEAN đã ký kết công nhận lẫn nhau trong bảy lĩnh vực. Đây mới là những việc làm ban đầu, nếu không có khung trình độ quốc gia, sẽ rất khó cho các nước trong khu vực công nhận lẫn nhau. Theo ông Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề, thách thức lớn nhất của Việt Nam là thời gian. Indonesia xây dựng khung trình độ quốc gia mất 15 năm, Thái Lan mất 10 năm, Áo mất 8 năm, Đức mất 5 năm… nhưng chúng ta chỉ còn hơn một năm để xây dựng, sau khi Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp xây dựng một khung trình độ chung bao gồm các trình độ đại học và trình độ nghề nhằm bảo đảm chất lượng, tính thống nhất và công nhận trình độ lẫn nhau giữa các nước. Khung trình độ quốc gia cũng sẽ giúp các sinh viên học liên thông từ các trình độ nghề chuyển học tiếp các bậc mang tính chuyên môn, hàn lâm. Dự kiến khung trình độ quốc gia Việt Nam sẽ được Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Lao động, Thương Binh, Xã hội trình Thủ tướng vào tháng 4/2014.

Tuy nhiên, để việc xây dựng khung trình độ quốc gia phù hợp với thị trường, theo kinh nghiệm từ nước Anh ông Mark Novels- Giám đốc Novels Consulting cho rằng, việc bằng cấp của Anh được công nhận về chất lượng trên phạm vi thế giới, là do họ có Cơ quan kiểm định và kiểm soát văn bằng và thi cử và Cơ quan tiêu chuẩn giáo dục, dịch vụ giáo dục trẻ em và kỹ năng nghề nghiệp. Đây là hai tổ chức giám sát về bằng cấp, và cấp bằng; thanh kiểm tra để đảm bảo môi trường giáo dục đảm bảo theo tiêu chuẩn của Khung tiêu chí thanh tra giáo dục cho các bậc học khác nhau. Mục tiêu của hai cơ quan này là bảo vệ người học một cách tốt nhất. “Và điều tiên quyết quan trọng của việc xây dựng khung trình độ quốc gia chính là nên thu hút, khuyến khích doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng, thông qua đó để doanh nghiệp định hướng chương trình, kỹ năng, thiết kế và thực hiện các giải pháp học tập phù hợp”- ông Mark Novels nói. Như nước Anh, họ có một hệ thống, tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường rất cụ thể, có gắn kết với nhu cầu của thị trường qua đó có sự đánh giá, kiểm định từ thực tiễn, đảm bảo nhân lực được đào tạo phù hợp, thích ứng với nhu cầu thị trường cũng như sự thay đổi trong tương lai. Đồng thời trên có sở đó doanh nghiệp có niềm tin lớn về tay nghề của người được tuyển dụng.

Hoa Quỳnh

PHẢN HỒI

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/40357/dao-tao-nghe-venh-voi-nhu-cau-doanh-nghiep.htm