Đạo tranh nhìn từ góc độ xã hội

(TBKTSG) - Tháng 7 năm ngoái, hai bài báo đăng trên tờ Người Lao động và báo điện tử daibieunhandan.vn gây ngỡ ngàng cho độc giả về thực trạng của nạn “tranh giả, tranh nhái, tranh chép” (trong phạm vi bài báo này, xin tạm gọi là “đạo tranh”) trong mỹ thuật Việt Nam hiện nay. Giữa tuần rồi báo chí lại tiếp tục lên tiếng về nạn đạo ý tưởng trong làng mỹ thuật Việt Nam khi ban tổ chức Triển lãm sáng tác mới 2017 ở TPHCM đã phải gỡ một bức tranh ra khỏi triển lãm vì sao chép một tác phẩm từng đoạt huy chương vàng Triển lãm mỹ thuật Việt Nam 2015.

Một tiệm bán tranh chép ở TPHCM. Ảnh: TL

Điều đáng suy ngẫm là hiện tượng này đã tồn tại dai dẳng dù tác hại của nó lên nền mỹ thuật nước nhà nói chung và hội họa nói riêng đã được phân tích thấu đáo. Thậm chí, có người nói một cách chua chát rằng nếu muốn mỗi năm nhà báo đều có thể viết một bài cùng đề tài này.

Bài viết của báo Người Lao động đã gióng tiếng chuông cảnh báo về vấn nạn vốn đã làm “suy thoái nhận thức thẩm mỹ về mỹ thuật của người Việt”. Còn bài đăng trên daibieunhandan.vn cho thấy mức độ trầm trọng nhìn từ cuộc triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” ở Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM hồi năm ngoái. Thật khó tưởng tượng rằng trong 17 bức tranh được trưng bày, “15 bức tranh không phải bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện, hai bức tranh mạo danh chữ ký tác giả”; nghĩa là không có “tác phẩm” nào là nguyên gốc!

Thực ra, trên thế giới hầu như nước nào cũng có tình trạng đạo tranh. Tuy nhiên, theo nguoidaibieunhandan.vn, “tranh giả hoành hành như ở Việt Nam thì ít nơi nào có”. Vì sao như vậy? Đây cũng chính là câu hỏi họa sĩ Nguyễn Đức Hòa đặt ra và trả lời trong một bài viết (*) trên nghethuatxua.com, một trang mạng chuyên về mỹ thuật. Theo họa sĩ Nguyễn Đức Hòa, trong những năm 1960-1970, trong nước không hề có khái niệm bản quyền tác phẩm hội họa. Nhiều họa sĩ được cơ quan nhà nước yêu cầu chép tranh của người khác hay chính tranh của mình. Người ta lập luận đơn giản rằng, suy cho cùng đều nhằm “phục vụ nhân dân” cả. Cũng dễ hiểu trong chiến tranh, điều này được chấp nhận và xem như một “chuyện hiển nhiên”. Thậm chí, bài báo viết, nhiều họa sĩ tỏ ra vui mừng khi tranh mình được sao chép (vì chứng tỏ được người khác ưa thích).

Rất nhiều điều đã thay đổi từ khi Việt Nam mở cửa hội nhập vào sân chơi chung của thế giới. Tuy nhiên, não trạng đạo tranh vẫn chẳng thay đổi là bao. Thị trường tranh chép được hình thành và - khi thiếu sự kiểm soát cả về phía chính quyền cũng như đạo đức của những người trong cuộc - đạo tranh đã phát triển như loài cỏ dại. Nguy hiểm hơn, nạn đạo tranh đã khiến mọi người liên quan - từ người mua tranh đến giới sáng tác - buông xuôi chấp nhận.

Bằng chứng cho nhận định trên là thái độ của chính người trong cuộc với đạo tranh. Chỉ trừ vài họa sĩ là nạn nhân trực tiếp, sự phản kháng của giới hội họa đối với vấn nạn này vẫn quá yếu ớt. Cho đến nay, hầu như họ chỉ trông chờ vào các cơ quan quản lý nhà nước - như kêu gọi thành lập tổ chức giám định, chứng nhận. Lẽ ra, chính giới mỹ thuật phải tự cứu lấy mình bằng cách đồng thanh lên án mạnh mẽ hiện tượng này. Cần có những hành động cụ thể, chẳng hạn nếu một đồng nghiệp phạm lỗi, anh ta sẽ bị phê phán nghiêm khắc và loại khỏi cộng đồng nghệ thuật vĩnh viễn nếu tái phạm. Thái độ dứt khoát với đạo tranh từ chính giới hội họa như vậy chắc chắn sẽ làm giảm vấn nạn này.

Ở đây, ngoài vấn đề nội thân trong giới mỹ thuật cũng cần phải đề cập đến những hiện tượng tương tự trong xã hội mà nếu thiếu quyết tâm giải quyết thấu đáo, e rằng không thể loại bỏ căn bản được nạn đạo tranh. Cũng như tranh giả, nhiều điều giả khác đang tác động xấu đến xã hội. Một học sinh từ mùa tựu trường đầu tiên đã phải tiếp xúc với cách đánh giá không thật và điểm giả, lớn hơn sẽ chấp nhận dễ dàng những cái bằng thật mà giả (vì được mua bằng học phí cao). Khi vào đời, đối với em này, chuyện “chức giả” (do mua được bằng tiền hay quan hệ) cũng là chuyện bình thường. Và cũng như nạn tranh giả đang kéo lùi sự phát triển của nền hội họa Việt Nam, nhiều điều giả dối khác, nếu không được khắc phục, đang gây thiệt hại lớn cho cả xã hội và sẽ tác động tiêu cực lên các thế hệ tương lai.

Quỳnh Thư

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/164581/dao-tranh-nhin-tu-goc-do-xa-hoi.html