Đất đai và tham nhũng

SGTT.VN - Tham nhũng trong quản lý đất đai ở Việt Nam luôn được đánh giá ở mức độ cao nhất trong tất cả các lĩnh vực quản lý. Kết quả phòng, chống tham nhũng trong quản lý đất đai luôn phụ thuộc vào quyết tâm, thực lòng của bộ máy hành chính nói chung và của bộ máy quản lý đất đai nói riêng.

tham nhũng về đất đai là một trong những nguyên nhân chính đẩy giá đất tăng cao

Tham nhũng luôn gắn liền với sự thiếu minh bạch trong giải quyết các thủ tục hành chính, thiếu minh bạch về thông tin, thiếu minh bạch về trách nhiệm, thiếu minh bạch về quy hoạch, thiếu minh bạch về giá trị, thiếu minh bạch về pháp luật. Có thể thấy một chu trình khép kín ở Việt Nam đó là: (1) nghèo đói và dân trí thấp tạo ra tham nhũng; (2) tham nhũng cần có môi trường thiếu minh bạch trong quản lý đất đai; (3) thiếu minh bạch trong quản lý đất đai tạo ra tình trạng đất đai và bất động sản không được pháp luật công nhận và bảo vệ; (4) đất đai và bất động sản không được pháp luật công nhận và bảo vệ tạo ra thiếu vốn để đầu tư phát triển; (4) thiếu vốn để đầu tư phát triển lại tạo ra nghèo đói và dân trí thấp.

– Cấp có thẩm quyền thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai thường kéo dài nhằm nhận hối lộ của người có nhu cầu thực hiện, bao gồm cả quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu và quy trình đăng ký biến động về sử dụng đất;

– UBND cấp xã bán đất thuộc phạm vi mình quản lý để thu lợi sử dụng một phần cho mục đích riêng tư;

– Cấp có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất trái quy hoạch, không đúng đối tượng, tính giá đất thấp hơn giá thị trường nhằm nhận hối lộ của nhà đầu tư;

– Cấp có thẩm quyền thu hồi đất với diện tích rộng hơn diện tích sẽ giao cho nhà đầu tư, phần chênh lệch được sử dụng để giao cho người trong gia đình, người thân quen;

– Tính toán bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhiều hơn mức cần thực hiện, phần chênh lệch được sử dụng cho mục đích riêng tư.

Trước hết, tham nhũng về đất đai là một trong những nguyên nhân chính đẩy giá đất tăng cao, dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng cho nền kinh tế. Đất đắt cũng có thể ví như một thứ thuế mà toàn dân phải trả cho một nhóm người có quyền, có đất trong tay. Loại thuế này rất cao nếu so với các loại thuế khác, lại phải trả cho tư nhân, một nhóm người rất ít.

Thứ hai, dẫn tới một xã hội trong đó người nghèo không sở hữu đất sẽ không đoàn kết với người nắm đất trong tay. Về lâu về dài, mầm mống chia rẽ sẽ xuất hiện, gây ra những mâu thuẫn trong xã hội.

Thứ ba, dẫn tới tình trạng một số người sẽ thao túng quyền thế để tước đất. Dần dần một số cơ quan sẽ bị tha hóa trong nhiệm vụ chính của họ mà trở thành một công cụ dung dưỡng tham nhũng.

Thứ tư, đây là loại tham nhũng dễ thực hiện. Những người làm giàu bằng tham nhũng đất đai, do đó, hay phè phỡn và coi rẻ đồng tiền. Đây là một thảm trạng xã hội.

Thứ năm, tham nhũng đất đai thường chỉ nuôi thêm tham nhũng đất đai chứ không đầu tư vào các lĩnh vực khác. Có nghĩa đồng tiền trong nước cứ nằm nguyên trong cơ sở địa ốc, mà không giúp cho các khu vực khác phát triển, hoặc nếu có, chỉ gián tiếp.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/goc-nhin/165079/dat-dai-va-tham-nhung.html