Đặt hàng đào tạo

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hiện trực tiếp quản lý 16 cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, bao gồm: hai học viện, bảy trường đại học, bốn trường cao đẳng, hai trường trung cấp và một viện nghiên cứu. Các chuyên ngành đào tạo khá đa dạng, nhưng có đặc thù là tuyển chọn năng khiếu khắt khe, quy mô đào tạo thấp, đầu tư cơ sở vật chất đắt đỏ, chi phí đào tạo cao, yêu cầu dạy và học khác biệt, quá trình đào tạo kéo dài... Trong khi đó, các cơ chế chính sách ưu đãi cho học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật truyền thống, dân tộc thiểu số vẫn chưa đủ để khuyến khích người học, nhất là ở một số ngành có tuổi nghề ngắn, lương thấp, khó xin việc. Hệ quả là công tác tuyển sinh ở một số ngành, chuyên ngành rơi vào tình cảnh đặc biệt khó khăn, có ngành suốt ba, bốn năm không tuyển được một sinh viên nào.

Xuất phát từ những bất cập và từ báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tại cuộc làm việc với Bộ cùng một số ban, ngành liên quan, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ xây dựng đề án đặt hàng đào tạo sinh viên của các ngành, chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật đặc thù, đang trong tình trạng thiếu nhân lực và khó tuyển sinh. Trước mắt, Nhà nước sẽ cấp kinh phí để đào tạo khoảng 300 sinh viên thuộc các ngành, chuyên ngành: sáng tác âm nhạc, lý thuyết âm nhạc, chỉ huy hợp xướng, hội họa, điêu khắc, biểu diễn kịch múa, biểu diễn múa dân gian, biểu diễn chèo, tuồng, cải lương, ca kịch Huế, kịch nói, xiếc và tạp kỹ... Việc đặt hàng đào tạo đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ các nhà quản lý, chuyên gia trong ngành văn hóa, nghệ thuật, cũng như đông đảo sinh viên có tài năng và đam mê với nghệ thuật.

Năm 2014, Chính phủ thông qua đề án cho phép Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam và Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội đào tạo diễn viên và nhạc công kịch hát truyền thống với mức giảm 70% học phí. Năm 2016, đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; theo đó, các sinh viên được tuyển chọn sẽ được đào tạo tập trung ở trong nước hoặc liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo, đơn vị nghệ thuật quốc tế có uy tín, tham gia các cuộc thi, hội diễn, triển lãm, trại sáng tác theo ngành, chuyên ngành…

Với việc đồng ý đặt hàng đào tạo 300 sinh viên nêu trên, tất cả các chi phí đào tạo sẽ do Nhà nước chi trả. Bên cạnh đó, sinh viên tốt nghiệp với trình độ cao còn có cơ hội được tuyển về các nhà hát, đơn vị nghệ thuật trung ương và địa phương. Con số chỉ tiêu 300 sinh viên là bước khởi đầu, bởi theo ý kiến của các nhà chuyên môn, mỗi chuyên ngành chỉ có thể nhận 15 đến 20 học viên thì mới bảo đảm được chất lượng dạy và học.

Chính sách này cùng các đề án về văn hóa nghệ thuật nếu được triển khai đồng đều, hiệu quả, sẽ giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đào tạo văn hóa nghệ thuật, tạo điều kiện cho các tài năng cống hiến, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành.

MỸ HẠNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/34112302-dat-hang-dao-tao.html