Đất hoang hóa trở nên trù phú

Đác Hà là một huyện miền núi của tỉnh Kon Tum có hơn 53% là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ một vùng đất hoang hóa, nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và sự cần cù lao động sáng tạo của người dân nơi đây, Đác Hà đã trở thành một vùng đất trù phú với bạt ngàn cây cà-phê, cao-su, lúa nước.

Người dân xã Đác Mar đóng góp tiền của và công sức bê-tông hóa 100% đường giao thông nông thôn.

Đến nay, Đác Hà không chỉ vươn lên thoát nghèo mà còn trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh Kon Tum.

Sau thành công xây dựng xã Hà Mòn đạt xã NTM đầu tiên của khu vực Tây Nguyên vào năm 2012, năm 2013, huyện Đác Hà đã có thêm một xã mới đạt 19 tiêu chí NTM đó là xã Đác Mar với hơn 42% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Bí thư Đảng ủy xã Đác Mar Nguyễn Thế Quyền cho biết, đến cuối năm 2013, xã đã hoàn thành 19 tiêu chí NTM với một số tiêu chí đạt cao hơn quy định từ 10 đến 20%, trong đó thu nhập bình quân đầu người đạt 32 triệu đồng/người/năm; 100% số đường liên thôn đều được bê-tông hóa; 100% số hộ gia đình được sử dụng nước sạch, bảo đảm vệ sinh môi trường; hơn 80% số khu dân cư trên địa bàn đạt chuẩn của Bộ Xây dựng về nhà ở, không còn nhà tạm, đường vào các khu dân cư, khu sản xuất vùng đồng bào DTTS đều được cứng hóa, xe công nông, xe ô-tô đều có thể vào ra, giúp cho việc vận chuyển hàng hóa, nông sản dễ dàng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Là xã có hơn 42% số đồng bào DTTS, Đác Mar xác định không phải bằng mọi cách để đạt được các tiêu chí về xây dựng NTM khi đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhất là đồng bào DTTS trên địa bàn. Từ đó, xã Đác Mar đã có những cách làm hay, hợp lý được đông đảo người dân ủng hộ. Chủ tịch UBND xã Đác Mar Nguyễn Chí Ánh cho biết, nhiều năm trước đây, xã đã có chủ trương gắn hộ gia đình đồng bào DTTS với các công ty cà-phê, cao-su trên địa bàn, để thay đổi cung cách làm ăn và nhận thức của bà con. Bằng cách tạo điều kiện cho các hộ nhận khoán chăm sóc cà-phê, cao-su để ổn định đời sống, đồng thời từng bước vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ các diện tích đất trồng sắn kém năng suất chuyển đổi dần sang trồng cà-phê, cao-su..., chính quyền huyện, xã hỗ trợ cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc... Nhờ vậy, đến nay hầu hết các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn đều đã trồng cà-phê, cao-su. Bình quân tại các làng đồng bào DTTS Kon Gung, Đác Mút mỗi hộ có một phần hai ha cà-phê, hộ ít có khoảng vài sào đến một ha cao su; từ một đến ba sào lúa nước...

Thu nhập trung bình của người dân đạt 17 triệu đồng/người/năm; đã có nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS ở đây thu nhập hằng năm đạt hàng trăm triệu đồng.

Trưởng thôn Kon Cơ Lốc A Thim cho biết, kinh tế phát triển, bà con trong thôn phấn khởi, tự nguyện hiến đất làm đường xây dựng NTM; mỗi gia đình tự nguyện góp tiền mua dây điện, bóng đèn thắp sáng các đường trong thôn, mua lưới B40 rào vườn, trồng rau, chăn nuôi...

Hầu hết các hộ gia đình đã biết tăng gia, thâm canh sản xuất, sử dụng chế phẩm sinh học để chăm sóc cây cà-phê, cây lúa, tạo ra năng suất cao hơn gấp hai, ba lần so với trước đây.

Theo báo cáo của xã Đác Mar, tổng huy động nguồn vốn để xây dựng NTM trên địa bàn hơn ba năm qua là gần 152 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước gần 25 tỷ đồng; các doanh nghiệp hỗ trợ hơn ba tỷ đồng, nhân dân đóng góp gần 56 tỷ đồng còn lại là nguồn vốn vay tín dụng.

Chung quanh câu chuyện xây dựng NTM ở xã Đác Mar, nhiều người dân ở đây cho rằng, nhờ sự công tâm, minh bạch của cán bộ lãnh đạo xã, Ban Chỉ đạo cho nên nhiều người dân đã không tiếc công, tiếc của đóng góp cho phong trào chung. Như trường hợp gia đình ông Thường ở thôn 2, khi có chủ trương làm đường nội thôn, gia đình đã tự nguyện chặt bỏ 60 cây cà-phê, 240 cây bời lời, hiến hơn 540 m 2 đất vườn trị giá hơn 130 triệu đồng. Gia đình ông Đỗ Đức Bài, thôn 1, tự nguyện hiến ba cây nhãn, ba cây bơ và 25 m tường rào trị giá gần 50 triệu đồng. Nhiều gia đình khác như ông Phạm, thôn 3 hay ông Khương, thôn 1, đã tự nguyện hiến đất, đóng tiền để làm đường, xây tường rào trường tiểu học, trạm y tế xã trị giá hàng chục triệu đồng...

Theo Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Thế Quyền, để có sự thành công trong xây dựng NTM ở xã Đác Mar, chính là nhờ sự đoàn kết một lòng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Mọi người sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia cho nhau kinh nghiệm làm ăn, giúp nhau từ những cây, con giống và cơ bản mỗi người dân đều có nhận thức đúng đắn về việc xây dựng NTM, đó là xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Theo kế hoạch của huyện Đác Hà, sau khi xây dựng thành công NTM ở xã Đác Mar, huyện đang đặt mục tiêu xây dựng NTM ở xã Đác La với 72% số đồng bào DTTS; phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM trên địa bàn 11 xã, thị trấn trong toàn huyện.

Bí thư Huyện ủy Đác Hà Phạm Đức Hạnh chia sẻ: Qua hơn ba năm thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn, đặc biệt là qua thực tế xây dựng NTM tại xã Hà Mòn và Đác Mar, huyện Đác Hà đã rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc về xây dựng NTM tại các xã vùng đồng bào DTTS. Đó là, các cấp lãnh đạo phải chỉ ra được khó khăn của bà con là gì và tìm cách tháo gỡ những khó khăn cho họ thì sẽ đạt được sự đồng thuận cao của người dân.

Trao nhà bán trú cho em tại Hà Giang

Ngày 25-4, T.Ư Hội LHTN Việt Nam, Báo Thanh Niênđã khánh thành Nhà bán trú cho em tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Khâu Vai, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Căn nhà trị giá 250 triệu đồng, có diện tích sử dụng 100 m 2 gồm hai phòng là nơi ở của hơn 60 học sinh.

Đây là Nhà bán trú cho em thứ ba được khánh thành tại các tỉnh miền núi phía bắc. Dịp này, T.Ư Hội LHTN Việt Nam cùng các đơn vị, doanh nghiệp đã trao 20 suất học bổng Vừ A Dính, mỗi suất học bổng trị giá 500.000 đồng, tặng 20 cặp sách và 100 suất quà tổng trị giá 5 triệu đồng cho các em học sinh vượt khó, học giỏi. Chi đoàn Ban Dân vận T.Ư Đảng tặng một bộ trống và 1.275 quyển vở trị giá chín triệu đồng.

N.K

Làm giàu từ nghề làm giấy bản

Làng nghề sản xuất giấy bản thôn Thanh Sơn, thị trấn Việt Quang, huyện Bắc Quang (Hà Giang) là một trong số 18 làng nghề trên địa bàn tỉnh được công nhận thời gian qua. Đây là làng nghề làm giấy bản truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc Dao.

Việc phát triển làng nghề làm giấy bản không chỉ góp phần lưu giữ nghề truyền thống mà còn đem lại nguồn thu đáng kể cho bà con. Nguồn nguyên liệu làm giấy bản có sẵn từ thiên nhiên (cây vầu non và dây leo) và có khả năng tái tạo hằng năm, không gây ô nhiễm môi trường. Sản phẩm giấy bản sử dụng chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt tâm linh của nhiều dân tộc (xem ảnh).Hiện cả thôn có gần 100 hộ duy trì thường xuyên nghề sản xuất giấy bản. Trung bình mỗi hộ sản xuất hơn 80 buộc giấy/năm; mỗi năm bà con trong thôn thu về gần hai tỷ đồng từ nghề này.

T.H

ĐINH SỸ TẠO

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/dan-toc-mien-nui/item/23094402-dat-hoang-hoa-tro-nen-tru-phu.html