Dấu chấm hết cho 'Điều kỳ diệu kinh tế' ở châu Á? (Phần 1)

Đối mặt với những bất ổn về kinh tế, chính trị và an ninh, châu Á ngày nay nhiều khả năng sẽ trở thành khu vực nảy sinh bất ổn, xung đột, thay vì tự do và thịnh vượng như từng được kỳ vọng.

Còn đâu “điều kỳ diệu" kinh tế châu Á? Ảnh minh họa: Reuters

Theo nhận định của Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), tại thời điểm Nhật Bản nổi lên thành một thế lực kinh tế trong những năm 1970, nhiều chuyên gia đã dự báo về sự xuất hiện của “Thế kỷ châu Á”. Thế nhưng sự trỗi dậy ấn tượng này chưa được thể hiện trong các vấn đề quốc tế và dường như sẽ không thành hiện thực.

Khi vai trò của châu Á ngày một lớn trên trường quốc tế, người ta lại càng thấy được những hạn chế của nó. Khu vực này hiện bị chia rẽ sâu sắc, bị đe dọa bởi tình trạng đình trệ kinh tế, bất ổn chính trị, nhiều điểm nóng có thể kích hoạt các cuộc chiến tranh mới.

Từ Nhật Bản cho tới Ấn Độ, các nước châu Á đang phải vật lộn để duy trì tăng trưởng, cân bằng kinh tế, chống suy thoái. Những lo ngại hiện hữu gồm có phát triển không đồng đều, bong bóng tài sản, thách thức về lao động và sự kiểm soát của nhà nước đối với các thị trường.

Mối nguy lớn nhất có lẽ là đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc. Khi sàn giao dịch mở cửa hôm 12/6/2015, giá trị vốn hóa thị trường trên sàn chứng khoán Thượng Hải đã tăng tới 100% so với thời điểm mùa Hè năm 2014. Từ đây bong bóng xuất hiện. Lo ngại về kinh tế suy yếu, phá giá tiền tệ cùng với trái bom nợ thiếu bền vững trị giá tới 30.000 tỷ USD khiến các thị trường tại Trung Quốc rơi tự do.

Trong vài tuần, thế giới bắt đầu đặt câu hỏi liệu có phải thời kỳ hoàng kim của Trung Quốc đã chấm dứt? Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy quốc gia đông dân nhất thế giới có thể bước vào thời kỳ trì trệ kéo dài, được đánh dấu bởi làn sóng rút vốn khỏi Đại lục, ở mức 725 tỷ USD trong năm 2016. Lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải đề ra các chương trình cải cách thực chất để duy trì tăng trưởng dù chỉ ở mức khiêm tốn trong những năm tới đây.

Các nền kinh tế phát triển khác ở châu Á cũng gặp phải những vấn đề riêng. Nhật Bản tiếp tục loay hoay tìm cách thoát khỏi tình trạng kinh tế đình trệ trong suốt 25 năm qua. Đa phần người dân Nhật Bản có mức sống cao, nhưng việc duy trì các gói kích thích kinh tế kéo dài hàng thập kỷ cũng như quá chú trọng vào xuất khẩu đã khiến Nhật Bản thậm chí không thể đạt mục tiêu tăng trưởng hàng năm là 1%.

Các công ty, tập đoàn lớn của Nhật Bản từng thống trị thế giới nay phải vật lộn với thị phần suy giảm, hoạt động kém hiệu quả, thiếu cải tiến. Chương trình cải cách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe không giúp thay đổi văn hóa kinh doanh ngại rủi ro của các công ty hay xóa bỏ những rào cản không cần thiết để khởi động cải tiến và khởi nghiệp.

Ấn Độ được dự báo sẽ vượt Trung Quốc trở thành nước đông dân nhất thế giới vào năm 2022. Ảnh: Reuters

Một nguy cơ nữa liên quan đến nhân chủng học. Suy giảm dân số chính thức diễn ra ở Nhật Bản vào năm 2011, do tỷ lệ sinh giảm trong hàng thập kỷ. Bộ Y tế nước này cùng nhiều chuyên gia lo ngại dân số Nhật Bản (127 triệu người theo thống kê tại thời điểm năm 2014) có thể sẽ giảm 1/3 vào năm 2060.

Thất bại trong việc nâng mức sinh đẻ dẫn tới hệ quả Nhật Bản là nước có tỷ lệ dân số già lớn nhất thế giới, với 33% dân số trên độ tuổi 60 vào năm 2015. Quốc gia này hiện có tới hơn 58.000 người thọ trên 100 tuổi và không một xã hội phát triển nào lại phải đối mặt với thách thức lớn đến vậy như Nhật Bản.

Vấn đề dân số của Nhật Bản ngày nay sẽ là câu chuyện của Hàn Quốc, Đặc khu Hành chính Hong Kong, Vùng lãnh thổ Đài Loan và Singapore nay mai. Ví dụ như ở Hàn Quốc, dự báo kịch bản tồi tệ nhất sẽ là quy mô dân số tụt xuống 10 triệu người vào năm 2036 so với mức 50 triệu người hiện nay, do tỷ lệ sinh thấp, trung bình 1,19 trẻ/bà mẹ.

Dân số giảm sẽ khiến các nước này gặp khó trong việc duy trì nguồn lực lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh, buộc phải cải cách thiết chế xã hội khi đối mặt với tình trạng già hóa dân số.

Với Trung Quốc, vấn đề nhân chủng học bắt nguồn từ chính sách một con được thực thi từ năm 1979. Từ năm 2012-2014, lực lượng lao động Trung Quốc giảm 9,5 triệu người, cùng với đó là xu thế di dân lao động ra các trung tâm sản xuất ở vùng duyên hải.

Dân số Trung Quốc sẽ bắt đầu suy giảm từ năm 2030, dù Bắc Kinh đã nới lỏng một số quy định về sinh con vào năm 2015. Nó đặt ra những áp lực không nhỏ trong việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội cho người già.

Đối lập với xu thế già hóa, bùng nổ dân số có thể xảy ra ở Ấn Độ và Indonesia. Hầu hết các nước Nam Á và Đông Nam Á phải đối mặt với nguy cơ gia tăng dân số, với Ấn Độ được dự báo sẽ vượt Trung Quốc trở thành nước đông dân nhất thế giới vào năm 2022.

Dân số trẻ đồng nghĩa với các áp lực về giáo dục, việc làm, cơ sở hạ tầng, nâng cao mức sống. Hầu hết các nước nghèo đều thất bại trong việc chuyển nguồn lực lao động dồi dào thành tài sản kinh tế để hướng tới thịnh vượng bền vững.

Xem thêm:

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/dau-cham-het-cho-dieu-ky-dieu-kinh-te-o-chau-a-phan-1-/43115.html