Dấu chân phóng viên báo ngành

Là phóng viên báo ngành thì công việc bám thực tế tại cửa khẩu bao giờ cũng cần thiết, có vai trò quyết định tới chất lượng, sức thuyết phục của những tác phẩm báo chí. Với tôi, mỗi lần đến cửa khẩu là một lần trải nghiệm để bản thân sớm trưởng thành với nghề.

Phóng viên Hồng Nụ cùng Đội Kiểm soát hải quan (Cục Hải quan Nghệ An) tuần tra trên biển.

Đi…

Đầu năm 2012, 3 tháng sau khi quyết định “đầu quân” về Báo Hải quan, tôi đã có chuyến đi dài ngày đầu tiên trong cuộc đời làm báo, đó là trải nghiệm không bao giờ quên. Chuyến đi ấy, tòa soạn xem như thử thách về khả năng viết lách về nghiệp vụ hải quan của tôi. Cũng “xách ba lô lên và đi”, nhưng hoang mang, bởi chưa bao giờ tôi đi cửa khẩu một mình, lại mới vào ngành nên còn hạn chế rất nhiều về kiến thức nghiệp vụ hải quan. Gạt những hoang mang, lo lắng tôi háo hức lên đường về với cửa khẩu.

Địa bàn Lạng Sơn, một trong những địa bàn sôi động về hoạt động XNK nhưng cũng nóng bỏng về hoạt động buôn lậu, thế nên tôi ấp ủ nhiều đề tài trong chuyến đi. Là “tân binh”, nên khi đến cửa khẩu, tôi phải mất khá nhiều thời gian để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức từ CBCC hải quan về nghiệp vụ hải quan, về công tác phòng chống buôn lậu, cũng như ghi nhận những vướng mắc của DN tại cửa khẩu. Chuyến đi đó tôi đã đến cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị, Cốc Nam, Chi Ma, ga đường sắt quốc tế Đồng Đăng, Đội Kiểm soát Hải quan... Đến cửa khẩu thấy tấp nập DN mở tờ khai, hàng hóa, CBCC bận rộn hướng dẫn DN, tôi lao vào tìm hiểu và viết.

Để có được bài viết đầu tiên về tình hình phòng, chống buôn lậu tại địa bàn Lạng Sơn khoảng 1.200 chữ, tôi đã mất hơn 3 ngày, viết đi viết lại rất nhiều lần. Bài báo được Ban biên tập đánh giá “đạt”. Và đó là động lực để tôi lần lượt cho “ra đời” thêm 3 bài phản ánh về tình hình thu ngân sách, cải cách hiện đại hóa, tạo điều kiện hỗ trợ DN… Từ sau chuyến đi ấy, tôi bắt đầu chuyển hẳn sang mảng nghiệp vụ, được Ban biên tập giao chuyên trách theo dõi hải quan tại 3 tỉnh Bắc miền Trung và Lạng Sơn. Cũng từ đây, những chuyến đi công tác của tôi thường xuyên hơn bởi tôi thấy mình gắn bó với cửa khẩu, coi những cửa khẩu đi qua như ngôi nhà của mình.

“Cuộc đời” phóng viên, sau những háo hức đi của thời gian đầu là áp lực của đề tài. Và mỗi khi cảm thấy áp lực ngày một lớn, tôi thường chọn đi đến các cửa khẩu để khám phá, tìm hiểu quy trình nghiệp vụ, đời sống thường ngày của CBCC hải quan nơi biên giới. Và thật lạ, sau mỗi chuyến đi không những áp lực biến mất mà tôi như được làm mới , như được hâm nóng nhiệt huyết, tình yêu nghề.

CBCC Hải quan- Biên phòng Lạng Sơn làm công tác kiểm soát chống buôn lậu

… và thêm gắn bó

Thấm thoát đã hơn 5 năm, tôi không nhớ nổi đã thực hiện bao nhiêu chuyến đi về cửa khẩu, nhưng những nơi tôi đã đi qua từ Lao Bảo, La Lay (Quảng Trị), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Nậm Cắn (Nghệ An), Na Mèo (Thanh Hóa)… đến tận Na Hình (Lạng Sơn) nơi nghiêng người là có thể sang địa phận nước khác đều luôn in đậm những hình ảnh đẹp mà tôi không bao giờ quên.

Dù ở cửa khẩu lớn hay cửa khẩu nhỏ, địa bàn tấp nập DN làm thủ tục và phát sinh thuế lớn hay những địa bàn nhỏ mỗi năm chỉ 2-3 tờ khai và số thuế thu nộp vào ngân sách nhà nước chỉ vài chục tỷ đồng, thế nhưng trong tôi luôn đọng lại hình ảnh những CBCC Hải quan cần mẫn tạo thuận lợi cho hoạt động XNK của DN, đưa những chuyến hàng được thông quan nhanh nhất.

Việc đi tác nghiệp địa bàn cửa khẩu xa xôi cũng có lúc đối mặt với rủi ro, nguy hiểm. Theo dõi một địa bàn “nóng” như Lạng Sơn, sau nhiều lần nỉ non “đặt hàng”, tôi mới có dịp được cùng với CBCC Hải quan Lạng Sơn thực hiện chuyến đi thực tế “săn” hàng lậu từ cửa ngõ biên giới. 2 đêm liên tiếp tôi cùng CBCC Hải quan tập kích khu tập kết hàng có xuất xứ Quảng Châu (Trung Quốc) trên đường mòn 386 (Đồng Đăng-Lạng Sơn) và truy bắt xe chở gà lậu tại đỉnh 820 thuộc xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc. Có cùng CBCC Hải quan đi bắt hàng lậu tôi mới thấy công tác chống buôn lậu vất vả là thế, khó khăn là thế, nhưng các cán bộ Hải quan luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó.

Với một phóng viên thì sự dấn thân, trải nghiệm nào cũng để lại những kỷ niệm khó quên. Theo sự phân công của tòa soạn, cuối tháng 8, đầu tháng 9/2016, tôi có mặt tại biên giới Lạng Sơn để xác minh một thông tin do bạn đọc của Báo Hải quan phản ánh qua đường dây nóng: “Buôn lậu tại biên giới Lạng Sơn đang diễn ra ngang nhiên...”. Để có được cái nhìn và những thông tin xác thực một cách khách quan nhất, tôi quyết định cải trang và một mình thâm nhập sâu vào các tổng kho chứa hàng lậu tại các địa điểm giáp biên giới Trung Quốc. Trước khi quyết định thâm nhập những điểm nóng về buôn lậu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, tôi được rất nhiều “thổ dân” cảnh báo: Không nên vào sâu hang ổ, chỉ nên đứng xa nắm tình hình, bởi “cửu vạn” ở đây rất manh động, thấy người lạ trà trộn họ sẽ phát hiện ra ngay và có thể cô lập không cho mình thoát thân.

Nhưng với quyết tâm mang câu trả lời chính xác nhất gửi tới bạn đọc, tôi vẫn quyết định ” lọt" bằng được vào hang ổ để ghi lại hình ảnh và có cái nhìn chân thực nhất. Bài viết của tôi sau đó, đã tác động mạnh mẽ đến công tác chống buôn lậu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và được Ban biên tập đánh giá cao.

Mới đây, tôi có chuyến công tác tại Hà Tĩnh và đã có những trải nghiệm cùng chuyên án CA/HQHT-CSB 001 do Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy (Cục Hải quan Hà Tĩnh) và Cụm đặc nhiệm phòng, chống ma túy số 2 (Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển) xác lập. Để kết thúc có hậu cho chuyên án, lực lượng Hải quan và Cảnh sát Biển đã mất nhiều tháng ròng rã thâm nhập địa bàn, thu thập thông tin và cán bộ, chiến sỹ trong chuyên án mất 3 ngày dầm mình trong giá rét, để bắt được đối tượng đầu sỏ khi y đang vận chuyển, mua bán 2.198 viên ma túy tổng hợp. Đối tượng bị bắt giữ là Lê Chung Dũng, sinh năm 1992, trú tại xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, chính là kẻ cầm đầu mà chuyên án CA/HQHT-CSB 001 xác định. Khép lại chuyên án, phần thưởng có giá trị lớn nhất đối với CBCC nơi cửa khẩu là đã góp phần tạo điều kiện thông thoáng cho hàng hóa XNK, bình ổn thị trường và giữ vững an ninh chính trị biên giới.

Hơn 5 năm, gắn bó với công tác hải quan nơi cửa khẩu bằng các chuyến đi về cơ sở, được trải nghiệm, tôi thấy mình có cảm xúc hơn đối với các bài viết về biên giới, cửa khẩu. Đơn giản, bởi nơi đó có các CBCC Hải quan đang phải xa nhà, đang phải sinh hoạt trong điều kiện khó khăn về cơ sở vật chất... nhưng vẫn bám trụ để hoàn thành nhiệm vụ, chắp cánh cho những chuyến hàng XNK được thông quan thông suốt.

Đảo Lê

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/phong-vien-hong-nu-cung-doi-kiem-soat-hai-quan-cuc-hai-quan-nghe-an-tuan-tra-tren-bien.aspx