Đấu giá tiêu thụ nội địa thuốc lá lậu - 'bịt lỗ hà, ra lỗ hổng'?

Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam: Từ 2016 đến nay, thuốc lá lậu đã tiếp tục gia tăng trở lại, diễn biến phức tạp. Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 30 còn nhiều bất cập, nhất là tại các địa bàn trọng điểm về buôn lậu thuốc lá. Hiện hàng trăm vụ buôn lậu thuốc lá nằm chờ vì luật không đồng bộ, không xử được.

Thuốc lá lậu vận chuyển công khai vào nội địa tiêu thụ. Ảnh: P.V

Chỉ 1-2% thuốc lá lậu bị xử lý

Trong 6 tháng đầu năm 2017, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra trên 4.196 lượt, xử lý 2.388 vụ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 10,8 tỉ đồng, tịch thu hơn 1 triệu bao thuốc lá các loại, thu giữ 10 ôtô, 187 xe máy, 5 phương tiện khác và chuyển cơ quan công an 21 vụ. Tuy nhiên, số lượng bắt giữ trên mới chỉ chiếm 1-2% số lượng thuốc lá nhập lậu thực tế vào nội địa tiêu thụ.

Ban chỉ đạo 389 Quốc gia phản ánh, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu rất tinh vi, chúng thường lợi dụng địa hình đường biên kéo dài, hiểm trở, nhiều khu vực xa xôi, hẻo lánh khó tiếp cận, quản lý để tổ chức tập kết hàng hóa tại các điểm giáp ranh biên giới, sau đó tìm thời cơ thuận lợi chia nhỏ, vận chuyển lén lút qua các đường mòn, lối mở, kênh, rạch, sông…

Trước thực trạng này, ngày 19.6, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng ban chỉ đạo 389 quốc gia - đã có văn bản 6326/VPCP-VI đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng bộ đội biên phòng, lực lượng công an mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu đối với mặt hàng thuốc lá và đường cát; tăng cường kiểm tra, phối hợp công tác, quyết liệt triệt phá các đường dây, ổ nhóm, các đầu nậu lớn… tại các địa bàn trọng điểm: An Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng tháp, Quảng Trị và TP.Hồ Chí Minh.

Tại kỳ họp vừa rồi, Quốc hội đã thông qua sửa đổi Bộ Luật hình sự năm 2015, theo đó sửa đổi điều 190, 191 theo hướng thuốc lá lậu là hàng cấm, truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù từ 1-5 năm đối với các trường hợp vận chuyển từ 1.500 bao đến 3.000 bao; phạt tù từ 5-10 năm đối với các trường hợp vận chuyển từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao; và phạt tù tới 15 năm khi buôn bán, vận chuyển 4.500 bao thuốc lá điếu nhập lậu trở lên… Việc sửa đổi bộ luật hình sự cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ và các bộ ngành trong công tác đấu tranh chống thuốc lá nhập lậu. Tuy nhiên, Bộ Luật Hình sự Sửa đổi chính thức có hiệu lực từ 1.8.2018, trong khoảng thời gian này, thuốc lá nhập lậu là “thời gian vàng” thuốc lá nhập lậu lộng hàng, đặc biệt là cuối năm nhu cầu tiêu thụ tăng cao?

Đấu giá tiêu thụ nội địa: Nhiều phức tạp!

Ngày 18.4, Chính phủ ban hành văn bản 3825/VPCP-V.I cho thí điểm tái xuất, bán đấu giá thuốc lá nhập lậu còn chất lượng và đề nghị Bộ Tài chính trủ trì soạn thảo quyết định. Sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Quyết định đề xuất thí điểm bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu ra nước ngoài đối với mặt hàng thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng. Theo đó, Dự thảo nêu rõ đối với thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu trước khi chuyển tiêu thụ nội địa phải đáp ứng nhiều quy định ngặt nghèo. Cũng theo dự thảo, thủ tục xuất khẩu thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng sau khi trúng đấu giá thực hiện theo quy định về pháp luật hải quan. Việc xuất khẩu chỉ cho phép thực hiện qua các cửa khẩu quốc tế (bao gồm cửa khẩu đường sắt, đường thủy, đường biển và đường hàng không) và cửa khẩu chính; không cho phép xuất khẩu bằng đường bộ và đến các nước có chung đường biên giới đất liền.

Giá bán thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu ra thị trường thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ hoạt động đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu để phục phục vụ công tác giám sát, quản lý, chống buôn lậu thuốc lá thực hiện theo quy định hiện hành.

Tuy nhiên, trả lời báo giới, ThS-BS Nguyễn Tuấn Lâm - Chuyên gia phòng chống tác hại thuốc lá (Văn Phòng WHO tại Việt Nam) cho rằng, việc đấu giá tiêu thụ trong nước không khả thi bởi nếu cho đấu giá cho bán trong nước, phải thực hiện chính sách thuế: thuế nhập khẩu, thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt… như vậy, giá thuốc nhập lậu sẽ rất cao và không thể cạnh tranh được, ngược lại nếu không áp thuế gây ra việc cạnh tranh không lành mạnh, làm thiệt hại tới các sản phẩm trong nước và thiệt hại cho Chính phủ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cũng đặt câu hỏi: Khi đấu giá để tiêu thụ trong nước, thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu có được tính giá khởi điểm bao gồm các loại thuế, quỹ rất cao (thuế nhập khẩu 135%, thuế TTĐB 70%, khoản đóng góp bắt buộc vào Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá 1,5%) như thuốc lá trong nước và thuốc lá nhập khẩu hợp pháp không. Nếu không, sẽ có sự bất cập về mặt pháp lý và độ chênh lệch rất lớn giữa thuốc lá nhập lậu và thuốc lá hợp pháp trong nước. Chưa kể ngân sách Nhà nước cũng sẽ bị thất thu đáng kể (khoảng 10.000 tỉ đồng/năm) và sẽ còn tăng thêm nhiều lần nếu thuốc lá nhập lậu bị tịch thu được bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất.

Hà Anh

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/doanh-nghiep/dau-gia-tieu-thu-noi-dia-thuoc-la-lau-bit-lo-ha-ra-lo-hong-686630.bld