Dấu hiệu nhận biết trẻ bị bệnh tay - chân - miệng

Con cháu 4 tuổi, mấy hôm nay cháu kêu đau miệng không chịu ăn uống gì cả, niêm mạc miệng thì đỏ rực, da bàn chân, tay, đùi lác đác nổi mụn nước.

Xin hỏi bác sĩ đó có phải biểu hiện bị bệnh tay - chân - miệng? Cần dùng thuốc gì?

Trần Thị Thúy Liên (thuylien@gmail.com)

Theo mô tả trong thư thì đó là những biểu hiện điển hình của bệnh tay - chân - miệng. Triệu chứng đầu tiên là sốt nhẹ và đau miệng. Khám họng trẻ có thể phát hiện các chấm đỏ nhỏ sau đó biến thành các bọng nước, các tổn thương này có thể thấy ở lưỡi, nướu và bên trong má. Đồng thời xuất hiện các phỏng nước ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân (ban này không ngứa, đây là đặc điểm khác với sởi và thủy đậu).

Vì xuất hiện tổn thương phỏng nước ở miệng, ở tay, chân nên có tên gọi bệnh tay - chân - miệng. Bệnh thường do enterovirut 71 hoặc 16 gây ra. Tuy nhiên, một số trường hợp ban có thể xuất hiện ở mông hoặc ban chỉ xuất hiện ở miệng mà không thấy xuất hiện ở các vị trí khác. Vì vậy, nếu thấy các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh tay - chân - miệng, bạn nên đưa con đi khám, xét nghiệm máu nếu virut này (dương tính) là yếu tố khẳng định chính xác bị bệnh.

Về điều trị: Vì bệnh do virut gây ra nên hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, việc chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ và theo dõi diễn biến của bệnh là rất quan trọng. Các bậc cha mẹ có thể chăm sóc theo dõi trẻ tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.

Cụ thể dùng các thuốc hạ sốt, giảm đau nếu sốt cao; cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, lỏng, dễ tiêu; vệ sinh đồ dùng sinh hoạt và đồ chơi của trẻ thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn.

Dùng nước muối loãng vệ sinh răng miệng cho trẻ. Nên nhớ miệng trẻ đau nên cho ăn loãng và nguội, tránh làm đau tổn thương trong miệng.

Tại các vị trí tổn thương ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm. Nếu bé sốt cao, li bì, mệt lả hoặc co giật phải đưa nhập viện điều trị ngay.

BS. Vũ Hồng Ngọc

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/dau-hieu-nhan-biet-tre-bi-benh-tay-chan-mieng-n135998.html