Dấu hiệu nhận diện căn bệnh kinh dị “mất” dần nội tạng

Bệnh truyền nhiễm Whitmore do vi khuẩn gây nên và vô cùng nguy hiểm. Bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị tích cực, tránh tình trạng diễn biến xấu.

Bệnh truyền nhiễm Whitmore (hay còn gọi là melioidosis) có thể gây nhiễm trùng máu hoặc nhiễm trùng khu trú, nhưng thường gặp nhất vẫn là nhiễm trùng máu do trực khuẩn whitmore gây ra. Bệnh nhân rất dễ rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn gây suy nhiều cơ quan, nhiều tạng và có thể tử vong sau 48 giờ nếu bệnh diễn biến tối cấp. Tuy nhiên người bệnh thường được phát hiện bệnh muộn do có nhiều biểu hiện tương đồng với một số bệnh khác, gây nên tình trạng nhầm lẫn.

Để phát hiện một người có nhiễm trùng trực khuẩn Whitmore hay không thì bắt buộc phải dùng biện pháp kỹ thuật về mặt vi sinh vật học để phân lập vi khuẩn. Hiện nay các bệnh viện thường sử dụng kỹ thuật nuôi cấy máu để xác định bệnh nhân dương tính hay âm tính với vi khuẩn whitmore.

Vi khuẩn B. pseudomallei gây nên bệnh Whitmore vô cùng nguy hiểm

Tuy nhiên người bệnh có thể căn cứ vào những dấu hiệu bệnh sau đây giúp cho việc suy đoán đúng để tiến hành những xét nghiệm vi sinh học cần thiết và kịp thời.

Triệu chứng phổ biến nhất khi mắc whitmore là nhiễm khuẩn phổi, cũng có thể biểu hiện khu trú bằng các ổ nhiễm khuẩn trên da. Bệnh nhân thường có biểu hiện cấp tính như sốt cao, nhức đầu, chán ăn, ho, đau ngực và đau nhức các cơ bắp. Diễn biến nặng có thể gây nhiễm khuẩn máu.

Mời độc giả xem thêm tin liên quan:

Bệnh truyền nhiễm Whitmore hiếm cực nguy hiểm

Cảnh báo loại vi khuẩn có thể gây chết người trong 48 giờ

Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua da hoặc được hít vào qua đường hô hấp gây viêm nhiễm ở thần kinh trung ương, tuyến mang tai, xương khớp, tạo áp xe ở gan và lách, viêm nhiễm đường sinh dục, nhiễm trùng da, cơ vân. Bệnh có thể lan tỏa từ da vào máu gây nhiễm khuẩn huyết, gây thương tổn đến tim, động mạch chủ bụng, não, gan, thận, khớp, và mắt.

Đặc biệt, ở trẻ nhỏ, biểu hiện điển hình của bệnh là: sưng mủ tuyến nước bọt mang tai (có biểu hiện giống bệnh quai bị), nhiễm khuẩn huyết, chỉ một số ít bị nặng với biểu hiện viêm màng não, viêm phổi, áp xe gan. Còn ở người lớn, bệnh cảnh lâm sàng phức tạp hơn, có thể gặp ở phổi, cơ, bàng quang.

Vi khuẩn B. pseudomallei gây nên bệnh Whitmore thường được tìm thấy chủ yếu ở những nơi ao tù nước đọng, lây lan sang người và động vật qua tiếp xúc trực tiếp với các nguồn ô nhiễm. Trẻ em, những người có sức đề kháng kém nên tránh tiếp xúc với đất và nước bị ô nhiễm, đặc biệt là ở các khu vực trang trại... Khi có những triệu chứng trên cần đi khám ngay, tránh chủ quan, tự ý điều trị khiến bệnh chuyển biến nặng.

Anh Cúc

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/tin-tuc/dau-hieu-nhan-dien-can-benh-kinh-di-mat-dan-noi-tang-739322.html