Dấu hỏi với VAMC

SGTT.VN - Một tuần trôi qua kể từ khi chính thức hoạt động (26.7), chưa một khoản nợ nào được công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua lại từ các ngân hàng.

Sổ tay

Theo quy định hiện tại, VAMC sẽ chỉ mua một số nợ như: tổ chức tín dụng có nợ xấu từ 3% trở lên, 60% bảo đảm bằng tài sản bất động sản, người đi vay có khả năng phục hồi… những quy định này quá chặt chẽ khiến các ngân hàng thương mại ngần ngại bán nợ cho VAMC.

Do đó, nhận định về nhiệm vụ nặng nề dọn sạch “cục máu đông” nợ xấu mà VAMC phải gánh vác, chuyên gia tài chính – TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, với vốn điều lệ 500 tỉ đồng để giải quyết 100.000 tỉ đồng, đòn bẩy tài chính lên tới 1/200 lần thì chắc chắn không đủ khả năng tài chính để giải quyết. Giả sử nếu mua nợ của ngân hàng thương mại thì chỉ cần 10 món nợ, mỗi món 50 tỉ đồng mà không thu hồi được thì hầu như toàn bộ vốn của VAMC bị thu hồi. Do đó, Chính phủ phải có cam kết với nền kinh tế, luôn luôn bổ sung vốn cho VAMC, lỗ hay khó khăn trong bất cứ trường hợp nào thì đều được bổ sung. Kế đến, để thỏa mãn được hệ thống tài chính, Chính phủ phải đứng ra bảo lãnh tất cả trái phiếu đặc biệt hay không đặc biệt mà VAMC phát hành ra, hoặc là Chính phủ và ngân hàng Nhà nước bảo lãnh 100% trái phiếu của VAMC. Đó là cách hay nhất nhưng vấn đề là ngân sách. Nếu phát hành 100.000 tỉ đồng trái phiếu thì Chính phủ có bảo lãnh hay không? Đây là bài toán phải suy xét.

Trong báo cáo mới đưa ra về kinh tế Việt Nam của khối nghiên cứu ngân hàng HSBC, các chuyên gia của ngân hàng này cho rằng VAMC đã đi vào hoạt động nhưng chỉ mang tính tượng trưng, khi hai yếu tố góp phần cho thành công của công ty này là sự nhận thức rõ về mức độ nợ xấu và nguồn vốn đủ, lại chưa thực sự thể hiện một cách thỏa đáng.

Theo khối nghiên cứu của HSBC, vốn điều lệ cho công ty VAMC chỉ là 500 tỉ đồng, ít hơn nhiều tổng số nợ xấu mà công ty này cần phải mua. Nhưng cơ bản hơn, việc lùi thời hạn có hiệu lực của thông tư 02 (quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) từ 1.6.2013 cho đến ngày 1.6.2014, có nghĩa là công ty VAMC sẽ không có đầy đủ thông tin để thực hiện công việc của mình. Các chuyên gia của HSBC nhận định để thúc đẩy các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả đòi hỏi một hệ thống tài chính có tính kỷ luật cao. Do vậy, việc trì hoãn thông tư 02 cho đến tháng 6.2014, cũng như vốn điều lệ hạn chế của VAMC cho thấy nền kinh tế sẽ tiếp tục bị cản trở bởi hệ thống tài chính đang phải chịu gánh nặng nợ xấu.

Trước áp lực đưa vốn vào nền kinh tế và nỗi ám ảnh nợ xấu, nhiều ngân hàng thương mại băn khoăn khó đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay nếu Chính phủ không hỗ trợ kịp thời các giải pháp thiết thực.

Hồng Ân

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/kinh-te/182105/dau-hoi-voi-vamc.html