Đâu là đích cuối của đường sắt Cát Linh - Hà Đông?

Cuối năm 2016, theo kiến nghị của Bộ GTVT, Chính phủ đã cho lùi thời hạn đưa vào vận hành thương mại tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh - Hà Đông đến quý I/2018.

Nhưng mới đây, Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6, Đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC) lại tiếp tục kiến nghị lùi tiến độ hoàn thành tuyến ĐSĐT này đến 30/6/2018.

Người dân tham quan mô hình tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tại nhà ga La Khê. Ảnh: Phạm Hùng

Sáng 20/5, Ban QLDA Đường sắt, Bộ GTVT đã chính thức mở cửa nhà ga mẫu La Khê (Hà Đông) và đoàn tàu HN001 để người dân vào tham quan. Tín hiệu tích cực đó đã thu hút được sự ủng hộ của đông đảo người dân đang mong mỏi tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của Hà Nội sớm đi vào vận hành.
Tại buổi lễ mở bạt đoàn tàu, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đánh giá, sau nhiều nỗ lực trong thời gian qua, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của các bộ ngành, đến giờ phút này dự án đã cơ bản hoàn thành được 12 nhà ga, hoàn thành khu Deport, từng bước đưa vào lắp đặt thiết bị của các đoạn tuyến còn lại. “Về cơ bản, trong thời gian vừa qua, Tổng thầu EPC cũng như Ban QLDA Đường sắt phải tập trung mọi nguồn lực, đưa ra nhiều sáng kiến để thúc đẩy, đảm bảo tiến độ” - ông Trường chia sẻ.
Thế nhưng, cùng với sự hào hứng đó, người dân lại một lần nữa hụt hẫng khi biết tin, tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông sẽ tiếp tục thất hẹn, phải lùi thời hạn khai thác đến tháng 6/2018 thay vì tháng 3/2018 như đã cam kết.
Một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ là do thiếu 250,62 triệu USD (đầu tư phát sinh). Vấn đề này đã được giải quyết trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Chủ tịch nước Trần Đại Quang ngày 11/5 vừa qua. Khoản vay đã được China Eximbank thông qua và ký kết Hiệp định với Bộ Tài chính; nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số vấn đề kỹ thuật đang cản trở tiến độ tuyến ĐSĐT này.
Mới đây, Tổng thầu EPC đã có văn bản gửi Bộ GTVT và Ban QLDA Đường sắt cho biết, thời gian phê duyệt kết quả mời thầu các chuyên ngành gói thầu bị chậm trễ nghiêm trọng. Phía Tổng thầu EPC cho hay, từ ngày 4/1 đơn vị đã có văn bản gửi Ban QLDA Đường sắt về việc danh mục đăng ký và đề nghị miễn thuế nhập khẩu thiết bị vật tư chuyên ngành nêu trên. Hơn nữa, liên quan đến danh mục miễn thuế chuyên ngành thông tin tín hiệu, Tổng thầu đã 3 lần gửi văn bản đến Ban QLDA Đường sắt để giải quyết sớm vấn đề. Nhưng phải đến ngày 4/5 vừa qua, Tổng cục Hải quan mới phê duyệt danh mục miễn thuế chuyên ngành thông tin và tín hiệu. Bởi vậy, việc lắp đặt tại dự án đã bị chậm rất nhiều. Đại diện Tổng thầu EPC thông tin: “Do thời gian đưa cáp quang/cáp điện và lô thiết bị đầu tiên vào hiện trường bị chậm trễ, Tổng thầu yêu cầu điều chỉnh kéo dài tương ứng thời gian hoàn thành lắp đặt và căn chỉnh thiết bị chuyên ngành thông tin, tín hiệu”. Theo đó, một số hạng mục thuộc chuyên ngành thông tin và tín hiệu phải đến ngày 29/12 mới hoàn thành, và thời gian đưa đoàn tàu vào vận hành thử không tải sẽ từ 30/12 thay vì từ 1/10 như dự kiến.
Tổng hợp những nguyên nhân trên, thời gian đưa dự án vào vận hành khai thác thương mại sẽ lùi lại, điều chỉnh thành ngày 30/6/2018 thay vì 31/3/2018. Ngoài ra, hiện một số hạng mục khác cũng đang bị lụt tiến độ vì thiếu vốn. Nhiều hạng mục, công đoạn nhà thầu phụ đang thi công cầm chừng vì không có tiền. Mặc dù khoản vay bổ sung 250,62 triệu USD đã được ký kết nhưng đến thời điểm nào China Eximbank rót vốn xuống đến dự án thì vẫn chưa thể chắc chắn. Bởi vậy, một lần nữa dư luận lại phải đặt câu hỏi, liệu cái đích 30/6/2018 đã là hạn cuối hay sẽ còn tiếp tục phải lùi tiến độ?.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/dau-la-dich-cuoi-cua-duong-sat-cat-linh-ha-dong-288795.html