Đâu mới là sự thật của trái cây xịn dán tem 'hàng hiệu'?

Trái cây ‘sang chảnh’ nhờ tem ngoại nhập từ Mỹ, Úc...nhưng lại bán đầy rẫy tại các quầy hàng hoa quả. Trong khi, cơ quan chức năng cảnh báo trái cây Trung Quốc ồ ạt tuồn về nước chiếm tới 50% hàng nhập khẩu.

Trong lúc hàng loạt trái cây bị nghi hoặc là hàng Trung Quốc ‘tẩm’ hóa chất, chứa nhiều chất bảo quản độc hại, người tiêu dùng lại đang đặt niềm tin ở trái cây được dán tem như Gala, HACCP, GolbalGAP, Ecofood, Goodfood, Zonefood, Euroecofood…vì lý do mà theo các chủ hàng quảng cáo là hàng nhập khẩu, chất lượng đảm bảo 100%.

Trái cây được dán các loại tem nhập khẩu có mặt ở hầu hết các cửa hàng hoa quả, thậm chí ngay cả chợ cũng nhan nhản. Tại một cửa hàng hoa quả quy mô nhỏ gần chợ Vân Trì (quận Bắc Từ Liêm), loại táo đỏ trở nên ‘sang chảnh’ nhờ tem ngoại. Chủ hàng đon đả là táo nhập khẩu từ Mỹ, hàng sạch giá 100.000 đồng/1kg. Tuy nhiên, táo có màu sắc không đồng đều, khi cầm cảm giác nhẹ, không chắc tay.

Trái cây trở nên 'sang chảnh' nhờ dán tem ngoại. Ảnh Cẩm Cù

Tại một số cửa hàng khác gần chợ, loại nho đỏ Mỹ dán tem “Eurogoodfood” giá chỉ 50.000 đồng/kg; dưa lưới nhập từ Thái Lan dán tem “Qecofood” giá chỉ 30.000 đồng/kg…Trong khi đó, tại các cửa hàng chuyên nhập khẩu trái cây, giá cả lại chênh lệch một trời một vực, chẳng hạn mận đỏ Mỹ từ 500.000-600.000 đồng/kg, mận xanh Mỹ khoảng 500.000 đồng/kg, một số nơi khác giá chỉ hơn 200.000 đồng/kg.

Chị Đào, nhân viên kế toán tại Hà Nội vẫn thường mua trái cây dán tem để đảm bảo an toàn cho cả gia đình. Tuy nhiên, việc truy xuất nguồn gốc cũng rất khó vì người tiêu dùng nên không thể tự mình phân biệt được tem thật hay giả.

“Giờ mua trái cây dán tem ngoại cũng không khó, hầu như quầy hàng hoa quả nào cũng bán. Các chủ hàng đều nói là táo Mỹ, dưa Thái,...còn nguyên tem, giá cả cũng vừa túi tiền nên cũng an tâm. Ngay cả khi là hàng Trung Quốc dán tem ngoại thì cũng rất khó để phân biệt”, chị Đào chia sẻ.

Trong khi hầu hết các chủ hàng đều khẳng định trái cây nhập khẩu, còn nguyên tem, còn theo các chuyên gia, rất dễ bị nhầm lẫn khi trên thị trường trái cây trong nước đang tràn ngập trái cây xuất xứ từ Trung Quốc được nhập qua đường tiểu ngạch ở Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh…Đã có tình trạng một số điểm kinh doanh lợi dụng tem mác ngoại để đánh lừa người tiêu dùng.

Nhiều loại táo xuất xứ Trung Quốc cũng 'lên đời' nhờ tem ngoại.

Bên cạnh đó, tâm lý sính hàng ngoại có quy trình sản xuất an toàn, không hóa chất, hệ thống kiểm soát chất lượng chặt chẽ…cũng là lý do khiến người tiêu dùng biến mình trở thành khách hàng ruột của những loại trái cây Trung Quốc ‘lên đời’ nhờ tem ngoại.

Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, trái cây Trung Quốc chiếm hơn 50% trái cây nhập khẩu vào Việt Nam trong thời gian qua và được tuồn vào nước qua đường tiểu ngạch ở Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh…

Cẩm Cù

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/dau-moi-la-su-that-cua-trai-cay-xin-dan-tem-hang-hieu-191961/