Đầu năm Dậu bàn chuyện võ gà

Do Đông Định vương Nguyễn Lữ, người em út trong Tây Sơn Tam Kiệt (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ) sáng tạo ra - Hùng Kê Quyền, một bài quyền võ cổ truyền dân tộc bí ẩn đã mai một qua hàng trăm năm, với uy lực cực kì dũng mãnh và không phải ai cũng tập được.

Còn gọi với cái tên dân dã là Quyền gà chọi, đây là một bài quyền rất cổ của dân tộc Việt Nam. Tương truyền, Hùng Kê Quyền được sáng tạo bởi Đông Định vương Nguyễn Lữ dưới thời Tây Sơn khi ngài đang quan sát ngay trên sới gà chọi, từ đó trở thành bài quyền hội tụ đầy đủ tinh hoa võ thuật cổ truyền Việt Nam, đòi hỏi công phu, sự khổ luyện của những người đam mê võ đạo. Bài quyền này mô phỏng các kỹ thuật chiến đấu tinh túy nhất của loài gà, nhất là gà chọi, với đôi chân có cựa sắc bén thể hiện cho tướng võ, trên đầu lại có mào như tướng văn. Năm 1993, Hùng Kê Quyền được vinh dự công nhận là một trong 10 bài danh võ được Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam lựa chọn qua các kỳ hội nghị chuyên môn toàn quốc.

Nhưng ít ai biết rằng người có công lớn trong việc làm cho bài Hùng Kê quyền không bị mai một và được truyền bá rộng rãi cho đến ngày nay là cố lão võ sư Ngô Bông, quê tại thôn Điền Chánh, xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi). Năm1993, tại Đại hội liên hoan Võ thuật cổ truyền Việt Nam lần thứ 1, trước đông đảo các võ sư, võ phái cổ truyền lớn trên khắp các tỉnh thành, ông đã biểu diễn một bài quyền cổ đã lưu lạc trong nhân gian suốt hơn 200 năm và gây được tiếng vang lớn trong giới võ thuật cổ truyền lúc bấy giờ - đó chính là bài Hùng Kê Quyền.

Cố võ sư Ngô Bông – người có công lớn trong việc làm cho bài Hùng Kê quyền không bị mai một và được truyền bá rộng rãi.

Tại đó, suốt ba kỳ hội nghị chuyên môn của Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam kéo dài ròng rã hàng chục ngày, quy tụ hàng trăm võ sư và các huấn luyện viên đại diện cho các võ đường và tỉnh thành trong toàn quốc, 9 bài quyền đại diện cho tinh hoa võ học của dân tộc đã được lựa chọn ra. Và trong số đó, Hùng Kê Quyền được chọn ngay từ đầu Hội nghị cùng với ba bài khác là Lão hổ thượng sơn, Tứ linh đao và Roi Thái sơn, cho thấy giá trị đặc biệt. Đây đều là những bài danh võ thể hiện tính chuyên môn hóa, sự khe khắt cao độ khi nghiên cứu, thảo luận, bình chọn, hoàn chỉnh và đi đến thống nhất các bài quyền xứng đáng đại diện cho võ thuật dân tộc, có thể giới thiệu đến bạn bè năm châu.

Cũng từ hội nghị này, lão võ sư Ngô Bông, người tuy không sinh ra trên vùng địa linh nhân kiệt Tây Sơn Bình Định nhưng vẫn được thừa nhận là truyền nhân chính thức của Hùng Kê Quyền, được giao trách nhiệm truyền dạy, hướng dẫn và phát dương quang đại bài quyền này trong toàn quốc.

Võ sư Ngô Bông, trên Bình Định nguyệt san, đã nói về những điểm tinh túy của bài Hùng Kê Quyền: “Các đòn đánh của bài quyền Hùng Kê cực kỳ chuẩn xác và biến ảo. Cái thần thái của bài quyền là sử dụng sức mạnh của thủy (nước) để đánh đối phương. Mà... nước chảy là mạnh lắm và không thể nào tránh né cho khỏi. Các đòn đánh của bài quyền Hùng Kê cũng vậy. Nó đánh vây tứ bề, dùng ba đến bốn mũi giáp công chỉ nhằm đánh vào một điểm, đánh từ dưới thấp lên cao, từ trên cao phủ đầu xuống thấp.”

Môn võ cổ truyền đúc kết tinh túy của triều đại Tây Sơn

Lưỡng kê giao thủ thủy tranh hùng

Song túc tề phi trảo thượng xung

Trấn ải kim thương như Bạch Hổ

Thủ quan ngân kiếm tựa Thanh Long

Xuyên cung độc triểu tăng ư trác

Hồi thủ đơn câu thọ tứ hung

Thiểu, tẩu, vượt, trầm thiên sở tứ

Nhu, cương, cường, nhược tận kỳ trung.

Theo Võ nhân Bình Định của Quách Tấn - Quách Giao, “Nguyễn Lữ, em trai Nguyễn Huệ vốn người mảnh khảnh, tính nết hiền hòa, ưa thanh tịnh. Khác với hai anh, ông học văn nhiều hơn học võ. Tuy nhiên, Nguyễn Lữ đã được thầy Hiến chân truyền cho môn miên quyền”. Có lẽ vì thể trạng và khí chất như vậy, Nguyễn Lữ đã nghiền ngẫm và sáng tạo ra Hùng Kê Quyền, một bài võ phù hợp với mình cũng như phù hợp với thân hình bé nhỏ của người Việt.

Các chiêu thức của bài quyền Hùng Kê khi đánh ra lúc thì vây tứ phương tám hướng như trận đồ Bát quái ví như nước lũ tràn về, lúc thì như nước từ trên cao ập xuống bởi các đòn bay người lên cao, đánh ập xuống, sử dụng "nhất dương chỉ" đâm vào các tử huyệt trên cơ thể khiến đối phương khó lòng tránh né…

Hơn hết, bài quyền Hùng Kê rất tiêu biểu cho người Việt Nam với các đức tính sau: Con kê (gà) có dáng đi đẹp, đôi chân có cựa sắc bén thể hiện cho tướng võ, trên đầu lại có mào như tướng văn. Thấy kẻ thù dù to lớn nhưng không khiếp sợ đó là đức dũng, trong lúc chiến đấu luôn uyển chuyển, biến ảo đó là đức trí, khi gặp mồi (thức ăn) không ăn ngay mà gọi đàn cùng đến là đức nhân. Ngoài ra cái chủ ý trong bài thiệu đã lồng chứa tất cả cốt lõi của nền võ trận Việt Nam, nó mang một nguyên lý khoa học ở võ thuật, nghệ thuật chiến đấu mà nhà Tây Sơn đã có công sáng tạo dựa trên nguyên tắc: thấp có thể tranh cao; nhỏ có thể đánh lớn; yếu có thể đánh mạnh; gần có thể đánh xa mà vẫn có thể chiến thắng được đối thủ…

Một thế võ trong Hùng Kê Quyền

Như những động tác dũng mãnh của con gà chọi nhỏ bé mà nhanh nhạy trước đối thủ, bài Hùng Kê Qquyền sử dụng ngón tay trỏ để đâm (nhất dương chỉ) mô phỏng hình mỏ gà, và các ngón còn lại co vào như chiếc cựa gà. Thủ pháp độc đáo như vậy lại nhằm vào những mục tiêu hiểm của đối thủ, như các huyệt đạo, ngực, hầu v.v. Bộ pháp của bài hết sức linh hoạt, thần tốc, xoay chuyển một cách biến ảo đã hỗ trợ cho việc thi triển thủ pháp một cách kiến hiệu, khiến đối thủ luôn phải hứng chịu những đòn thế có tính sát thương cực cao.

Bài quyền này, theo thời gian và sự suy vi của triều đại Tây Sơn, đã ít nhiều bị mai một và ít khi được biết đến. Ngay thuở sinh thời của sư trưởng môn phái Sa Long Cương Trương Thanh Đăng, bài này cùng với bài Yến phi quyền do Nguyễn Huệ sáng tạo, vẫn chỉ được dạy riêng trong nội tộc chứ không truyền ra ngoài. Hiện nay, cùng với những bài đã được Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam thống nhất, lựa chọn, bài quyền được phổ biến rộng rãi trong các võ đường Võ cổ truyền Việt Nam.

Vì uy lực của bài quyền này, cùng với việc hội tụ đầy đủ tinh hoa của võ thuật, cốt cách của người luyện võ, Hùng Kê Quyền hiện nay thường chỉ được truyền dạy cho môn đồ đã có trình độ nhất định, chẳng hạn như cấp huấn luyện viên, võ sư.

Đỗ Bảo – Đăng Huy

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-thao/dau-nam-dau-ban-chuyen-vo-ga-227258.html