Đầu năm đi coi buôn lậu

Tranh thủ lúc các cơ quan chức năng còn “vương vấn” không khí Tết, dân buôn lậu hoạt động tấp nập trên sông Sêpôn nằm giữa 2 nước Việt - Lào, đoạn thuộc địa phận tỉnh Quảng Trị. Từ cuối 2009, hoạt động buôn lậu ở đây tỏ ra chuyên nghiệp và có nhiều thủ đoạn mới.

Bến đò Tân Kim, Tân Thành, Duy Tân... trong những ngày này trở thành bãi tập kết, vận chuyển hàng lậu. Các năm trước, nạn buôn lậu thường “nóng” ở dịp cận Tết hoặc các tháng mùa mưa. Nhưng, những ngày đầu năm mới 2010, buôn lậu ở khu vực này “đông như trẩy hội”. Theo giải thích của một thanh niên tại đây, do các cơ quan chức năng còn “say” trong không khí Tết nên chưa ra quân bắt hàng lậu, nên dân buôn lậu tha hồ “đánh quả”. Đâu cũng có hàng lậu Sáng tinh mơ ngày 24/2, chúng tôi vượt qua nhiều tai mắt, vệ tinh của các “trùm” hàng lậu để đến bến Ngô Đồng, thuộc thôn Duy Tân, thị trấn Lao Bảo (Quảng Trị) để “mục sở thị” cảnh buôn lâu đến 19g cùng ngày. Trong thời gian đó, từ bên kia sông Sê Pôn (phía Lào) xuất hiện nhiều chiếc thuyền nhiều chất hàng, rồi ra giữa sông. Hàng chục “cua rạm” (người vác hàng thuê) ngồi trên bờ Sê Pôn phía Việt Nam (VN) lập tức đưa thuyền hoặc lội bộ ra giữa sông khuân, vác, chuyển các thùng hàng vào bờ. Hàng lậu được cửu vạn phân lô theo từng chủng loại: đường cát, thuốc lá, rượu ngoại… Sau đó, đội quân xe “min” (Minsk) tấp nập chở hàng phóng đi mất hút. Hoàn tất một chuyến hàng lậu như thế mấy chưa đầy 40 phút. Chúng tôi quyết định “ra mặt” với đầy đủ máy ảnh, bút, máy ghi âm, nhưng dân buôn lậu tỉnh bơ, họ nhìn cánh phóng viên bằng “nửa con mắt”. Một cửu vạn to lớn, chạy xe “min” áp sát chúng tôi, nói: “Nhà báo tỉnh hay ngoài bộ đấy? Tớ ghi lại biển số xe các của cậu rồi nhé. Hình ảnh mà đưa ra ngoài bộ là liệu hồn?!”. Nhóm cửu vạn dưới sông nói lớn: “Kệ họ đi. Mình là dân làm thuê, ngày được mấy đồng mà sợ. Có lo thì mấy ông chủ lo”. Không riêng gì ở bến Ngô Đồng, tại thời điểm đó, tại bến Tân Kim, Tân Thành…, hoạt động buôn lậu cũng diễn ra khá rộn ràng, nhất là lúc trưa và xế chiều. "Cua rạm" chuyên nghiệp “Cua rạm” là một từ lóng mới, chỉ những người khuân vác hàng lậu trên tuyến sông Sê Pôn có nhiều kinh nghiệm. Em Nguyễn Thị H., học lớp 5, mấy hôm nay tranh thủ giúp bố mẹ khuân hàng dưới sông lên bờ, nói: “Vác thùng thuốc lá từ bờ sông lên bãi tập kết chỉ được 2.000 đồng, một ngày nhiều lắm được 50.000 - 70.000 đồng”. Ông Phúc, bố của H., cho biết: mấy năm trước vác hàng bị bắt thì phải đền lại hàng cho chủ, giá trị của thàng hàng có khi lên đến vài triệu. Mấy tháng cuối năm 2009 đến nay thì khác, nếu lỡ bị bắt thì chủ phải chịu, miễn là “cua rạm” phải bảo vệ hàng cho họ. “Được như vậy là nhờ mấy đứa con có cái chữ mách cứ soạn hợp đồng hoặc thỏa thuận miệng với chủ hàng, đòi quyền lợi, được thì làm còn không thì “đình công” vài ngày, thế nào chủ hàng cũng đồng ý”, ông Phúc nói. Trước đây, mỗi khi bị cơ quan chức năng bắt hoặc nhà báo quay phim chụp ảnh, thế nào cánh cửu vạn cũng nhảy vào cướp lại, thậm chí xô xát đánh đấm vì “miếng ăn bị đe dọa”. Còn bây giờ, họ cứ lẳng lặng theo dõi các cơ quan chức năng, hễ có động tĩnh là ới nhau án binh bất động. Thấy ai lạ mặt lượn lờ vào khu vực “cấm” (nơi tập kết hàng lậu), cánh buôn lậu chỉ ghi lại thông tin như biển số xe, các dấu hiệu nhận biết khác, “sau này lô hàng đó bị bắt thì họ lần theo dấu vết để xử lý”, ông Phúc cảnh báo. Một trong những kinh nghiệm của dân buôn lậu, là hàng có giá trị lớn thì cứ để sát bờ sông, không vội tập kết lên bờ, lỡ cơ quan chức năng truy quét thì dễ dàng mang quay lại phía bên kia sông.

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/Dau-nam-di-coi-buon-lau/20103/82393.datviet