Dâu nhà hàng xóm

Đợt hè vừa rồi, con cái được nghỉ, không phải kèm con học mỗi tối, chị Thanh mới có thời gian chăm sóc bản thân. Chị chọn hình thức đi bộ sau bữa ăn tối khoảng 2 giờ, sau khi đã hoàn thành công việc rửa bát và dọn dẹp nhà cửa. Đi bộ đều chị mới nhận ra đây là một thú vui không nhỏ.

Ngoài chuyện cơ thể được thư giãn, tối về ngủ rất ngon, chị còn có cơ hội “buôn” đủ thứ chuyện với các bà hàng xóm mà trước kia chị còn không biết tên.

Dần dà, chị biết được tận ngóc ngách hoàn cảnh của từng nhà trong khu tập thể. Nhà nào giàu ngầm, nhà nào chỉ “nổ” thôi. Nhà nào có con học hành thành đạt, nhà nào có con đang cai nghiện nhưng mà bố mẹ nó giấu hàng xóm...

Một hôm, đang đều đều sải chân, bỗng cô hàng xóm nói với chị Thanh: Mẹ chồng nhà em khen chị lắm. Bà bảo chị vừa giỏi vừa khéo, đi làm thu nhập cao mà về nhà còn đảm đang chợ búa. Bà bảo em chả được một góc của chị.

Thanh bật cười nhớ đến nhận xét của mẹ chồng mình về chính cô con dâu nhà bên cạnh: Con bé hiền thật, cả ngày chả nghe thấy nói lại mẹ chồng câu nào. Cũng chả thấy đánh con bao giờ. Thanh biết mẹ chồng ám chỉ việc chị hay tranh luận với bà. Và cả việc chị hay... nóng mắt cho thằng cu đích tôn của bà vài cái tét mông. Nhiều khi đánh con xong, chị cũng ân hận ngay nhưng rồi lần sau vẫn không kiềm chế nổi, một phần vì đi làm vất vả về nhà lại hàng đống công việc không tên dồn lên vai khiến chị rất dễ cáu bẳn.

Có lần chị còn nghe lỏm được ông bà nội nói chuyện với nhau: Nó đánh con nó trước mặt mình có khác nào là nó đánh mình. Từ sau lần đấy, chị cũng cố hết sức hạn chế đánh con, nhất là khi có mặt ông bà. Tuy nhiên, cũng không thể xóa đi ấn tượng trong mắt bà nội. Bà bảo con không được gọi mẹ là mẹ hiền đâu, mà là mẹ hổ. Cậu con trai hồi còn học mẫu giáo có lần đã thỏ thẻ “thông tin” với mẹ như vậy.

Cô hàng xóm cười rũ khi nghe Thanh kể cô được mẹ chồng chị khen ngợi như vậy. Cô nói: Mẹ chồng em thì suốt ngày ca cẩm em không có công ăn việc làm ổn định, chỉ ăn bám chồng. Chị xem, mình không đi làm thì ở nhà ngày 3 bữa phục vụ cả đại gia đình, có khác gì ô sin đâu. Nhưng đã mang tiếng ăn bám rồi thì làm gì dám nói ai nửa câu. Ngay cả con mình cũng làm gì dám nặng lời khi bảo nó học. Chê nó dốt lập tức nó trề môi ra: Bà bảo mẹ ngày xưa học dốt nên lớn lên không xin được việc, phải để cho bố nuôi.

Hôm sau đi làm, chị Thanh đem câu chuyện “khen con dâu hàng xóm” ra, không ngờ châm ngòi cho một cuộc thảo luận rôm rả. Kết luận của “hội nghị” là: Các bà mẹ chồng thường hà tiện lời khen con dâu của mình. Những lời khen ấy chủ yếu dành cho con dâu nhà bà hàng xóm, hoặc một người con dâu hay cháu dâu trong họ. Không rõ vì các bà không nhìn thấy mặt tốt của con dâu mình hay vì các bà sợ rằng lời khen sẽ “làm hư” người đi.

Cũng có thể các bà mẹ chồng có ý nghĩ, đó là một cách khéo léo để uốn nắn, dạy dỗ con dâu. Nhưng với thời gian ngắn ngủi các cô con dâu được ở nhà, chẳng đủ mẹ con kể chuyện cho nhau nghe mà lại dạy con bằng cách bóng gió xa xôi, nhiều khi vô hình trung hạ thấp con dâu mình như thế thì càng kéo dài khoảng cách mẹ chồng - nàng dâu.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20111117123350818p0c1030/dau-nha-hang-xom.htm