Đấu tranh tham nhũng là chống lại quyền lực ngầm

Theo PGS.TS Phạm Quý Thọ, tham nhũng và quyền lực là cặp bài trùng, chống tham nhũng tức là chống quyền lực ngầm nên vô cùng khó khăn.

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong 10 năm qua cơ quan điều tra đã khởi tố 2.530 vụ án tham nhũng với 5.447 bị can, truy tố 2.959 vụ với 6.935 bị can và xét xử 2.628 vụ với 5.870 bị cáo.

Cũng trong 10 năm qua tội phạm tham nhũng đã gây thiệt hại gần 60.000 tỷ đồng và trên 400 ha đất, nhưng Nhà nước chỉ thu hồi được hơn 4.600 tỷ, chiếm chưa đến 10%.

Điều đáng quan tâm tài sản nhà nước chỉ chuyển từ chỗ này sang chỗ kia, chuyển từ tiền sang tài sản và ngược lại nhưng không thu hồi được.

Vụ án Dương Chí Dũng và đồng bọn là một trong những án tham nhũng lớn được đưa ra xét xử trong năm 2015 - ảnh nguồn Công an nhân dân

Phát hiện quá muộn

PGS.TS Phạm Quý Thọ - chuyên gia chính sách công cho biết, trong 10 năm (2006 - 2016) ghi nhận tăng trưởng kinh tế lớn GDP của Việt Nam đã có bước tăng trưởng tới hơn 4 lần.

Nếu như năm 2006, quy mô GDP chưa đến 1 triệu tỷ đồng, thì đến năm 2015, quy mô của nền kinh tế đã lên tới gần 4,2 triệu tỷ đồng.

Nhưng bên cạnh đó cũng xuất hiện hàng loạt vụ án tham nhũng lớn với nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm.

Theo PGS. Phạm Quý Thọ tham nhũng được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn hoặc được giao nhiệm vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn, hoặc nhiệm vụ được giao để vụ lợi.

Nhìn vào vụ án tham nhũng được phát hiện thời gian quan, PGS.TS Phạm Quý Thọ cho rằng đó đều là vụ đại án gây hậu quả nghiêm trọng với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển chung của nền kinh tế và làm xói mòn lòng tin của nhân dân.

PGS.TS Phạm Quý Thọ - Chuyên gia chính sách công, nguyên Trưởng khoa Chính sách Công Học viên Chính sách Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - ảnh H.Lực

Vấn đề đặt ra là những sai phạm này thường kéo dài trong nhiều năm mới bị phát hiện và khi phát hiện ra thì tài sản nhà nước đã bị hao hụt hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng.

PGS.TS Phạm Quý Thọ nêu dẫn chứng, trong vụ án tham nhũng tại Vinalines do Dương Chí Dũng đứng đầu bắt đầu có sai phạm từ năm 2007. Khi Dương Chí Dũng khi đó là là Chủ tịch HĐQT Vinalines đã ký quyết định phê duyệt dự án nhà máy sửa chữa tàu biển tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư 3.854 tỷ đồng gây thiệt hại nhà nước 366 tỷ đồng.

Tuy nhiên, phải đến năm 2012, cơ quan điều tra với quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và phát lệnh truy nã Dương Chí Dũng.

Tương tự, vụ án tham nhũng tại Tập đoàn Vinashin gây thiệt hại trên 910 tỷ đồng, những dấu hiệu vi phạm của bị cáo trong vụ án xuất hiện từ khi Đề án điều chỉnh phát triển Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam giai đoạn 2005 - 2010 và được phê duyệt ngày 18/10/2005.

Sai phạm xảy ra trong một thời gian dài, phải đến năm 2010, cơ quan điều tra mới khởi tố điều tra.

"Việc phát hiện các vụ án tham nhũng muộn là nguyên nhân dẫn đến khó khắc phục hậu quả do tội phạm tham nhũng gây nên, khó thu hồi tài sản tham nhũng", PGS.Thọ nhận định.

Qua các vụ án tham nhũng, theo PGS Thọ có trách nhiệm của cơ quan thanh tra, kiểm tra: “Năm nào chúng ta cũng thanh tra, kiểm tra từ thanh tra chuyên ngành đến thanh tra kinh tế, rồi kiểm toán tại sao không phát hiện những sai phạm sớm như thế?

Nếu sai phạm được phát hiện sớm sẽ không xảy ra đại án tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng như vừa qua”.

Trong vụ án tham nhũng theo quyết định của bản án các bị cáo phải bồi thường thiệt hại lên đến cả trăm tỷ nhưng thực tế việc kê biên, thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ rất thấp.

Đơn cử bị cáo Dương Chí Dũng phải bồi thường cho Vinalines số tiền là 110 tỷ đồng, nhưng cơ quan thi hành án mới xử lý tài sản kê biên và thu được hơn 14 tỉ đồng.

Hay vụ Huỳnh Thị Huyền Như với số tiền phải thi hành án là gần 14.000 tỉ đồng, nhưng ước tính sơ bộ, tài sản kê biên, phong tỏa để bảo đảm thi hành án chỉ khoảng hơn 500 tỉ đồng.

Vụ án Huyền Như và đồng phạm đưa ra xét xử nhận được sự ủng hộ lớn của nhân dân - ảnh nguồn Thanh Niên

“Nhiều trường hợp hành vi tham nhũng xảy ra thời gian khá lâu mới bị phát hiện. Đối tượng đã cất giấu, tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản, thậm chí đã sử dụng phần lớn tài sản chiếm đoạt để tiêu xài hoang phí nên việc hồi tố tài sản rất khó nếu không muốn nói là không thể”, PGS.Quý Thọ nói.

Rút kinh nghiệm từ những bài học quá khứ, theo PGS. Phạm Quý Thọ qua các vụ án tham nhũng vừa qua khi phát hiệu dấu hiệu vi phạm như buông lỏng quản lý, lập đề án, dự án khống hoặc thực hiện không đúng với phê duyệt cần phải thanh tra, kiểm tra toàn diện, quyết liệt.

Trong đó ông Thọ nhấn mạnh đến 5 dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng của các doanh nghiệp nhà nước do Bộ Công Thương quản lý đã được các Đại biểu Quốc hội chất vấn quyết liệt tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV vừa qua.

Cụ thể, chỉ riêng 3 nhà máy đình đám được báo chí nhắc tới là Dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, Nhà máy Sợi Đình Vũ và Nhà máy Giấy Phương Nam ở Đồng Tháp Mười (Long An) sử dụng vốn nhà nước đầu lên đến khoảng 20 ngàn tỷ đồng, nhưng chưa hoặc không thể hoạt động

Ngoài dự án trên hai dự án khác đang trong cảnh hoạt động thu lỗ là dự án Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình và Dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất.

"Tiền nhà nước đầu tư vào 5 dự án trên lên đến hàng nghìn tỷ, đó là tiền thuế của dân đóng góp thua lỗ đó ai bồi thường, ai chịu trách nhiệm. Nếu không làm rõ ngăn chắn thì sẽ là mầm mống của tham nhũng", PGS.Thọ cho biết.

Cũng theo PGS.Phạm Quý Thọ, 5 dự án thua lỗ của Bộ Công Thương cần điều tra nếu có sai sai phạm phải ngăn chặn xử lý ngay, ngăn chặn tham nhũng từ khi mới hình thành, manh nha với giảm được thiệt hại và không còn cảnh "mất bò mới lo làm chuồng như hiện nay".

Kỳ vọng Chính phủ liêm chính

PGS.TS Phạm Quý Thọ thẳng thắn đánh giá, chống tham nhũng là cuộc chiến chống lại quyền lực ngầm.

“Tham nhũng và quyền lực là cặp bài trùng, chống tham nhũng tức là chống quyền lực ngầm nên vô cùng khó khăn. Chúng ta chống tham nhũng là chống lại quyền lực ngầm trong bóng tối”, PGS.Thọ nói.

Dù khó khăn nhưng PGS.Phạm Quý Thọ tin tưởng sự chỉ đạo của Đảng và quyết liệt của Chính phủ sẽ dần đưa tội phạm tham nhũng ra trước pháp luật.

“Chuyên gia, người dân và toàn xã hội kỳ vọng rất lớn vào quyết tâm của Chính phủ như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xây dựng Chính phủ liêm chính. Quyết tâm ấy cùng sự chỉ đạo của Đảng sẽ động lực lớn trong cuộc chiến chống tội phạm tham nhũng”, PGS.Thọ nhấn mạnh.

Nhấn mạnh vai trò chỉ đạo của Đảng, quyết tâm của Chính phủ ông Trần Ngọc Vinh - nguyên Đại biểu Quốc hội Khóa XIII (đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng) nhận định: Trong thời gian vừa qua Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã quyết liệt trong vấn đề chống tham nhũng bước đầu đã đạt được những kết quả.

Ông Trần Ngọc Vinh - nguyên Đại biểu Quốc hội Khóa XIII (đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hải Phòng) - ảnh Ngọc Quang.

“Chúng ta đã đưa một số vụ án tham nhũng lớn ra xét xử nhận sự đồng thuận lớn trong nhân dân”, ông Vinh cho biết.

Tuy nhiên theo ông Trần Ngọc Vinh thiệt hại do tội phạm tham nhũng gây ra quá lớn trong khi tài sản nhà nước thu hồi lại được quá thấp chỉ chưa đầy 10%. Điều này cho thấy biện pháp chống tham nhũng của chúng ta còn hạn chế.

“Tài sản tham nhũng là tiền thuế của nhân dân vì vậy việc thu hồi chỉ được chưa đầy 10% là quá ít. Do vậy chúng ta phải tìm cơ chế, biện pháp để thu hồi lại tài sản tham nhũng với tỷ lệ cao hơn ít nhất là phải trên 50%”, ông Vinh nêu quan điểm.

Ông Trần Ngọc Vinh cho rằng, trong quá trình điều tra phát hiện anh tham nhũng 10 nhưng thu hồi lại chỉ có 1 vậy con số còn lại đi đâu thì phải tiếp tục điều tra.

“Phải quyết liệt điều tra làm rõ tài sản đó anh cho ai, biếu xén ai, hay làm gì. Tài sản tham nhũng không thể mất đi, nếu nói tiêu xài phải làm rõ tiêu xài việc gì và có thu hồi lại được không”, ông Trần Ngọc Vinh cho biết.

Đồng tình quan điểm cho rằng phải biên kê, kiểm soát tài sản người thân kẻ tham nhũng ông Vinh cho biết: Quy định pháp luật rất rõ ràng ai phạm tội người ấy chịu, pháp luật tôn trọng cũng như thừa nhận quyền sở hữu của cải vật chất của người dân.

Tuy nhiên cần có quy định cho phép biên kê, kiểm soát tài sản người thân kẻ tham nhũng làm rõ số tài sản đó từ đâu mà có, có phải do anh lao động tạo nên hay từ đâu. Nếu không chứng minh được thì phải bị phong tỏa để điều tra.

Mai Anh

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/kinh-te/dau-tranh-tham-nhung-la-chong-lai-quyen-luc-ngam-post173212.gd