Đầu tư 50 tỷ USD mua máy bay, hàng không Iran lột xác

Hầu hết máy bay Iran đang có hiện nay đều được sử dụng lâu năm từ thời trước Cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Mỹ cấp phép cho Boeing và Airbus bán máy bay cho Iran vào cuối tháng 9 vừa rồi

Cuối tháng 9 vừa qua, Mỹ chính thức cấp phép cho hai tập đoàn Airbus và Boeing bán máy bay cho Iran với những hợp đồng trị giá hàng tỷ USD. Với khoản ngân sách khủng bỏ ra mua mới hàng trăm máy bay, hàng không Iran hứa hẹn sẽ "thay da đổi thịt" mạnh mẽ trong thời gian tới.

Boeing, airbus đua nhau hướng đến Iran

Việc Bộ Tài chính Mỹ ra quyết định trên, mở đường cho hai nhà sản xuất máy bay tiếp cận một trong những thị trường hàng không béo bở nhất trên thế giới với 80 triệu dân. Từ tháng 1, Hãng hàng không Quốc gia Iran Air ký nhiều thỏa thuận mua hàng trăm máy bay từ Boeing và Airbus. Trong đó, Iran Air ban đầu dự định mua 118 máy bay từ Airbus, ước tính trị giá khoảng 22,8 tỷ euro (tương đương 25 tỷ USD).

Song mới đây, truyền hình Iran dẫn lời Thứ trưởng Bộ Giao thông Iran Asghar Fakhrieh Kashan cho biết, lượng máy bay mua của Airbus được cắt giảm xuống 112 chiếc. Mặc dù là tập đoàn sản xuất máy bay có trụ sở tại Pháp, nhưng Airbus vẫn cần được Chính phủ Mỹ cấp phép mới được bán máy bay cho Iran vì ít nhất 10% bộ phận máy bay của Airbus có nguồn gốc từ Mỹ. Airbus đã nộp hai đơn xin cấp phép giao máy bay cho Iran. Nay, với quyết định trên, Mỹ thông qua một đơn bao gồm 17 máy bay có thể là A320s và A330s. Airbus hy vọng, đơn thứ hai sẽ sớm được Mỹ thông qua.

Với Boeing, Iran Air sẽ mua 80 máy bay, tổng trị giá lên tới 17,6 tỷ USD, bắt đầu giao hàng từ năm 2017 tới năm 2025. Ngoài ra, Iran Air cũng thuê 29 máy bay Boeing 737 mới. Tổng cộng hai thỏa thuận với Boeing ước tính 25 tỷ USD.

Giới chức tin rằng, quyết định của Bộ Tài chính Mỹ có khả năng làm thay đổi cán cân giữa hai nhà sản xuất máy bay hàng đầu thế giới Boeing và Airbus. Trong đó, hợp đồng giữa Boeing (Mỹ) với Iran có thể trở thành thương vụ mua bán máy bay lớn nhất của một công ty Mỹ kể từ khi Cách mạng Hồi giáo nổ ra năm 1979. Kênh Press TV dẫn lời Thứ trưởng Bộ Giao thông Asghar Fakhrieh Kashan nhận định, tiến trình Iran mua máy bay từ Boeing sẽ nhanh hơn so với Airbus vì cấu trúc các cuộc đàm phán với Boeing khác so với Airbus. Theo ông, Boeing nhanh tay gửi rất nhiều văn bản, hợp đồng tới Iran để Chính phủ Iran nghiên cứu và giới chức Boeing cũng sớm tới Thủ đô Tehran để nhanh chóng hoàn thiện hợp đồng.

Cuộc cách mạng Hàng không Iran

Hầu hết máy bay Iran đang có hiện nay đều được sử dụng lâu năm từ thời trước Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Tính tới thời điểm tháng 6/2016, trong số 250 chiếc máy bay thương mại, có 162 chiếc đang hoạt động, phần còn lại đang phải “đắp chiếu” vì thiếu phụ tùng thay thế. Giới chức phương Tây tỏ ra lạc quan về nhu cầu mua máy bay của Iran. Một giám đốc nghiên cứu so sánh Tập đoàn Hàng không Air France (lớn thứ ba thế giới, lớn nhất châu Âu về lượng hành khách - km vận chuyển) để nói về triển vọng mà hàng không Iran đang hướng tới.

Theo CNN, hàng không Iran không đủ tài chính để trang trải các thỏa thuận trên mà không có sự giúp đỡ từ Chính phủ. Iran khó có thể lo liệu tài chính cho các thỏa thuận khổng lồ trên chừng nào Bộ Tài chính Mỹ chưa làm rõ các ngân hàng có thể thỏa thuận như thế nào với Iran.

Thực tế, các quy định hạn chế của Mỹ với hệ thống ngân hàng liên quan tới Iran cũng đang từng bước được dỡ bỏ sau khi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Mỹ được ký kết. Điều này có nghĩa các ngân hàng không còn lo ngại khi cấp tài chính cho bất cứ thỏa thuận nào với Iran. Nhiều ngân hàng lớn như HSBC và BNP, Paribas từng bị phạt hàng tỷ USD vì làm ăn với Iran trong khi các lệnh trừng phạt của Mỹ vẫn còn hiệu lực.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/dau-tu-50-ty-usd-mua-may-bay-hang-khong-iran-lot-xac-d171144.html