Đầu tư BOT, BT: Ngân hàng lo cho 'bầu sữa' vốn

Hiện nay, nguồn đầu tư thực hiện dự án BOT là từ ngân hàng, nhà đầu tư chỉ góp được 10-15%, và hình thức này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro bất lợi cho phía ngân hàng.

Trong hoạt động tín dụng của ngân hàng thì cho vay theo dự án nói chung và BOT nói riêng có đặc thù số vốn lớn nhưng thời hạn cho vay thường là dài hạn và chứa đựng nhiều rủi ro.

Thành công của BOT thời gian qua được coi là chiến tích lớn của ngành giao thông khi việc xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian qua đã đạt được những kết quả khả quan, tạo nên chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, đối với ngành ngân hàng, các dự án giao thông đầu tư theo hình thức đối tác công tư đã đặt ra thách thức đáp ứng nguồn vốn và kiểm soát rủi ro khi cho vay.

Theo khảo sát hiện nay, hơn 85% vốn đầu tư BOT là đi vay ngân hàng. Trong hơn 5 năm, ngân hàng đã "đổ" hơn 94 nghìn tỷ đồng vào các dự án BOT hạ tầng giao thông. Vay dự án này có đặc thù số vốn lớn nhưng thời hạn cho vay thường là dài hạn và cũng chứa đựng nhiều rủi ro.

Mới đây, NHNN đã phát đi thông điệp, hệ thống ngân hàng thương mại nên cẩn trọng trong việc cấp tín dụng cho các dự án BOT, BT. Theo Ngân hàng Nhà nước, mặc dù tỉ lệ nợ xấu thấp, các dự án này tiềm ẩn rủi ro, có khả năng chuyển thành nợ xấu ở một số dự án chậm tiến độ.

Trong số các dự án đã hoàn thành, rất nhiều ngân hàng như BIDV, Vietinbank, Vietcombank, SHB,..đã tích cực góp vốn vào các dự án BOT. Trong số 20 dự án tiêu biểu, BIDV tham gia rót vốn một nửa. Ông lớn ngân hàng này đã đổ hơn chục tỷ đồng vào lĩnh vực này.

Trong số các dự án đã hoàn thành, rất nhiều ngân hàng như BIDV, Vietinbank, Vietcombank, SHB,...đã tích cực góp vốn vào các dự án BOT. Trong số 20 dự án tiêu biểu, BIDV tham gia rót vốn một nửa. Bên cạnh đó, "ông lớn" ngân hàng này đã đổ hơn chục tỷ đồng vào lĩnh vực này.

Cơ cấu vốn đầu tư vào các dự án BOT - Nguồn Bộ GTVT

Một số dự án điển hình như dự án Quốc lộ 1 đoạn Nam Bến Thủy-TP Hà Tĩnh được BIDV cho Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) làm chủ đầu tư vay 2.053 tỷ đồng; Vietinbank chi nhánh Nhơn Trạch cho dự án Quốc lộ 1 đoạn tránh TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai vay số tiền 1.067 tỷ đồng (85% tổng mức đầu tư); BIDV cho dự án Quốc lộ 1 đoạn Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cầu Giát (Nghệ An) do hai chủ đầu tư là công ty CIENCO4 và Tổng công ty 319 vay 3.042 tỷ đồng (84% tổng mức đầu tư); ngân hàng Phát triển VDB cho dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng vay 40.863 tỷ (89,8% tổng mức đầu tư);...

Chúng ta lại đặt ra câu hỏi, vì sao các ngân hàng thương mại mặn mà cấp tín dụng cho các dự án BOT? Thực tế cho thấy, ngân hàng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều khi thay vì tìm những khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngân hàng cho các dự án BOT vay cả trăm, thậm chí cả ngàn tỉ đồng. Hiệu quả kinh tế cao đi cùng với những thành tích tăng trưởng của tổ chức tín dụng khiến cho vay BOT không phải là sân chơi bình đẳng cho toàn bộ hệ thống ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó, những dự án BOT đều là những dự án đầu tư của Nhà nước. Thực tế này khiến các ngân hàng mặc định nguồn trả nợ đã được đảm bảo và họ “sẵn lòng” hơn khi ký hợp đồng cho vay.

Vậy, có phải doanh nghiệp đáng "đá" rủi ro cho ngân hàng?

Theo số liệu vừa công bố, đến cuối tháng 12/2016 đã có 20 tổ chức tín dụng cấp tín dụng cho các dự án BOT, BT giao thông với tổng hạn mức 163.097 tỉ đồng, tổng số dư tín dụng 84.235 tỉ đồng (chiếm hơn 2/3 tín dụng cấp cho lĩnh vực giao thông). 91% dư nợ trong số đó thuộc về 4 ngân hàng: BIDV, Vietcombank, VietinBank và SHB.

Những vụ lùm xùm ở trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang), trạm BOT Hạc Trì, Việt Trì (Phú Thọ)... chắc chắn đã khiến không ít ngân hàng ám ảnh. Nếu đây là điểm khởi đầu của hiệu ứng domino, các “ông lớn” ngân hàng sẽ phải đối mặt với những khó khăn, đó là nợ xấu cũ chưa giải quyết xong, nợ xấu mới lại được cộng thêm vào.

Theo các chuyên gia, đầu tư vào giao thông lẽ ra phải là một lĩnh vực sinh lợi nhuận vì nhu cầu của nó rất lớn. Tuy nhiên, câu chuyện xảy ra ở Việt Nam là đầu tư không những không hiệu quả mà còn tạo gánh nặng cho các doanh nghiệp vận tải nói riêng và nền kinh tế nói chung. Chúng ta mới chỉ đổ tiền ra xây đường, chứ chưa khai thác được hiệu quả của việc này..

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông và có chỉ đạo kịp thời đối với các tổ chức tín dụng nhằm kiểm soát rủi ro.

Mai An (t/h)

Nguồn ANTT: http://antt.vn/dau-tu-bot-bt-ngan-hang-lo-cho-bau-sua-von-208180.htm