Đầu tư cho y tế tuyến xã (Kỳ 1)

Nhờ có mạng lưới hơn 11 nghìn trạm y tế tuyến xã mà hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân được triển khai thường xuyên, rộng khắp và đạt nhiều kết quả quan trọng, như đạt các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ; người dân sống ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu...

Khám bệnh cho trẻ em ở Trạm y tế xã Đàm Thủy (Trùng Khánh, Cao Bằng).

Khám bệnh cho trẻ em ở Trạm y tế xã Đàm Thủy (Trùng Khánh, Cao Bằng).

Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra cũng như nhiệm vụ được giao thì mạng lưới này cần được đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Bài 1: Xác định vị thế trạm y tế tuyến xã

Mạng lưới y tế cơ sở nói chung và y tế tuyến xã nói riêng được xác định là nền tảng, là xương sống của hệ thống y tế. Trạm y tế xã là tuyến y tế gần dân nhất, bảo đảm cho người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp. Tuy nhiên, hoạt động của mạng lưới trạm y tế tuyến xã đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức do nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân càng ngày càng đòi hỏi ở mức cao hơn, cùng với đó là những thay đổi cơ chế quản lý, cơ chế tài chính…

Người gác cổng của ngành y

Được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2001, Trạm y tế (TYT) xã Phú Hồ (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) có một cơ sở khá khang trang. Cùng với việc được đầu tư trang thiết bị và đội ngũ nhân viên y tế, trạm đã cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn. Bác sĩ (BS) Hoàng Trọng Chiến, Trưởng TYT cho biết: Đơn vị hiện có sáu cán bộ, trong đó có một bác sĩ, theo đúng quy định của Bộ Y tế. Nhưng chỉ đủ theo quy định, mà thực tế thì lại đang thiếu vì ngoài khám, chữa bệnh, cán bộ của trạm còn thực hiện khá nhiều công việc khác, như: phòng chống dịch bệnh, truyền thông giáo dục sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêm chủng mở rộng… Tuy số người đến khám và điều trị bệnh có giảm so với trước khi thực hiện liên thông các cơ sở khám, chữa bệnh, nhưng hiện trung bình mỗi ngày đơn vị tiếp nhận khám và điều trị ngoại trú cho khoảng 30 đến 35 người bệnh, trong đó có nhiều trường hợp bị cao huyết áp, xương khớp, dạ dày…, đây là một cố gắng lớn.

Có hàng chục năm gắn bó với y tế tuyến cơ sở, BS Nguyễn Mậu Duyên, Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế Thừa Thiên - Huế) cho biết, so với cả nước, hệ thống y tế tuyến xã của Thừa Thiên - Huế phát triển khá hoàn chỉnh cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như đội ngũ nhân lực. Đến nay, tất cả các TYT trên địa bàn đều đã được xây dựng khá khang trang, có bác sĩ tham gia hoạt động khám, chữa bệnh; có đủ trang thiết bị; đã có 150 trong số 152 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% số TYT đã thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; các chỉ tiêu phấn đấu về sức khỏe hằng năm đều được đưa vào Nghị quyết và kế hoạch hoạt động của đảng ủy và UBND các cấp. Số lượng người bệnh khám tại TYT chiếm gần 50% tổng số người khám, chữa bệnh ngoại trú trên địa bàn toàn tỉnh. Ngoài ra, các chương trình mục tiêu y tế tiếp tục đạt và duy trì ở mức cao; các chương trình phòng, chống các dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và trong nhiều năm không có dịch bệnh xảy ra...

Trong hệ thống chăm sóc sức khỏe công lập, TYT là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau, dịch bệnh và các vấn đề sức khỏe liên quan. Nhiệm vụ của TYT là thực hiện các dịch vụ kỹ thuật chăm sóc sức khỏe ban đầu, bao gồm triển khai các dịch vụ khám chữa bệnh, các chương trình y tế quốc gia (tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, phòng, chống các bệnh xã hội, các bệnh không lây nhiễm...), đồng thời phát hiện sớm và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Thực tế cho thấy, TYT là những đơn vị y tế phát hiện bệnh sớm nhất và giải quyết hầu hết (khoảng 80%) những chứng bệnh đơn giản cho nên được xác định là người gác cổng của ngành y tế.

Nhờ có mạng lưới y tế cơ sở, hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân nói chung và chăm sóc sức khỏe ban đầu nói riêng đã được triển khai thường xuyên, rộng khắp. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu được cung cấp đến tất cả mọi người dân, kể cả khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo. Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế công nhận là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ về y tế như: tuổi thọ trung bình tăng, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em, giảm tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ em dưới 5 tuổi. Việt Nam cũng là một trong mười quốc gia được quốc tế đánh giá có tốc độ giảm tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh nhanh nhất.

Còn nhiều lực cản

TYT xã biên giới Đàm Thủy (Trùng Khánh, Cao Bằng) mới được đưa vào sử dụng từ năm 2015 có một cơ ngơi khá khang trang so với các TYT tuyến xã khác ở vùng cao. Nằm liền kề tuyến đường trung tâm, có đủ 10 phòng chức năng và sáu cán bộ y tế, trong đó có một bác sĩ nhưng trung bình mỗi ngày trạm cũng chỉ có chưa đến mười người tới khám, chữa bệnh. Lý giải cho hiệu quả không cao đó, BS Hoàng Thị Viện, Trưởng trạm cho rằng, trạm phải cạnh tranh với lực lượng quân y của Bộ đội Biên phòng, Phòng khám đa khoa khu vực Đàm Thủy...

Thực tế của TYT xã Đàm Thủy cũng là thực tế của nhiều TYT ở nhiều địa phương, nhất là các tỉnh khó khăn trong cả nước. Mặc dù đã được đánh giá cao về vai trò, nhưng hiện tại TYT đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đó là mô hình bệnh tật thay đổi theo hướng gia tăng gánh nặng từ các bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích; đan xen với bệnh nhiễm trùng; tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, mang tính toàn cầu; vấn đề kiểm soát yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe còn gặp nhiều khó khăn trong khi khả năng đáp ứng về dịch vụ y tế còn hạn chế.

Trên địa bàn toàn tỉnh Cao Bằng mặc dù đã có 90 trong tổng số 199 TYT xã, phường được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia nhưng mới có 11 trạm được đầu tư xây dựng theo mô hình mới. Còn lại hầu hết được xây dựng từ khá lâu, cho nên đã xuống cấp, diện tích sử dụng chật hẹp và trang thiết bị y tế cũng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Tại các tỉnh miền núi, trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng, miền; ở vùng sâu, vùng xa phong tục tập quán còn lạc hậu, cho nên ảnh hưởng đến nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình; kinh tế khó khăn, các hoạt động của ngành y tế chủ yếu lấy kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Chất lượng nguồn nhân lực nhiều nơi chưa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân nhưng việc thu hút các cán bộ y tế có trình độ chuyên môn giỏi về công tác tại tuyến cơ sở gần như không có. Trong khi đó, khả năng tiếp cận dịch vụ tại các cơ sở y tế nói chung và TYT nói riêng của người dân chủ yếu liên quan đến các yếu tố về địa lý, văn hóa, kinh tế (khả năng chi trả), xã hội. Quyết định của người bệnh làm gì, đến đâu khi bị ốm đau phụ thuộc khá nhiều vào chất lượng dịch vụ y tế, giá thành, mức thu nhập, loại bệnh và mức độ bệnh cũng như khoảng cách từ nhà đến cơ sở y tế...

Một số nghiên cứu về thực trạng cung ứng dịch vụ của TYT xã ở một số vùng, miền và yếu tố ảnh hưởng đã chỉ ra nhiều vấn đề của y tế tuyến xã hiện nay. Cán bộ y tế ở các TYT xã không chỉ thiếu về số lượng mà còn yếu về chuyên môn, khi trung bình các bác sĩ trả lời chỉ đúng gần 50% số câu hỏi phỏng vấn nghiên cứu. Nếu theo cách tính điểm cho các câu hỏi trắc nghiệm thì số điểm trung bình của bác sĩ chỉ đạt 3/10 điểm. Kết quả này cho thấy trình độ chuyên môn khám, chữa bệnh của y bác sĩ tuyến xã còn thấp. Nhiều y bác sĩ không nắm được cách xử trí đúng các bệnh mang tính thông thường; kiến thức của các y bác sĩ thiếu nhất là các mục chẩn đoán và xử trí các bệnh tim mạch, các bệnh nội khoa, sản và các bệnh chuyên khoa lẻ.

Vấn đề tài chính cho các TYT cũng rất đáng quan tâm. Nguồn kinh phí các TYT nhận được chủ yếu dành để trả lương cho cán bộ y tế và một số hoạt động tối thiểu khác như tiền nước, bông, cồn… mà ít có kinh phí chi cho công tác đào tạo cán bộ và nhân viên y tế. Theo khảo sát tại nhiều TYT đã xuống cấp sau hàng chục năm đưa vào sử dụng, thậm chí nhiều trạm được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước vẫn còn đang được sử dụng. Tương tự là trang thiết bị, nhiều trạm mới đạt 50% so với chuẩn quốc gia, cho nên khó bảo đảm yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Những khó khăn về nhân lực, tài chính, trang thiết bị của TYT tuyến xã đã tồn tại từ rất lâu, là lực cản không nhỏ đến việc hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Từ đó dẫn đến nhiều vấn đề như tình trạng vượt tuyến điều trị khiến cho y tế tuyến trên bị quá tải. Các trang thiết bị y tế chưa đủ hiện đại để cấp cứu những ca khó hay không đủ về số lượng (máy điện tim, đo đường huyết…), nhất là các thuốc thiết yếu. Lý do người bệnh không đến khám, chữa bệnh tại TYT được chỉ rõ là các trạm không đủ trang thiết bị, không đủ thuốc, cơ chế BHYT không thuận lợi...

Gần 70% số TYT đã có các nhóm thuốc theo danh mục quy định của Bộ Y tế, nhưng số lượng thuốc trong từng nhóm không đủ; các TYT chưa có đủ tài liệu/ phác đồ chuyên môn về các lĩnh vực: sốt rét, lao, tiểu đường, tim mạch…; có tới 95% số TYT thực hiện dưới 70% so với phân tuyến kỹ thuật, còn lại các TYT khác thực hiện được hơn 80%, không có TYT thực hiện được 100% số kỹ thuật theo danh mục. Để người dân đến khám, chữa bệnh, các TYT cần được bổ sung thêm thuốc, bổ sung thêm trang thiết bị và nâng cao trình độ cán bộ.

(Còn nữa)

TRUNG HIẾU

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/item/33286402-dau-tu-cho-y-te-tuyen-xa.html