Đầu tư công: Cần những “tâm điểm” kích thích nền kinh tế

Để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng năm 2013 ở mức 5,5% theo Nghị quyết của Quốc hội, có ý kiến băn khoăn rằng, làm như vậy chẳng khác nào rơi vào vòng tròn "lạm phát- cắt giảm- kích cầu- lạm phát” sẽ tái diễn. Trong khi đó nhiều ý kiến đề xuất cần có gói kích cầu đủ mạnh, chủ yếu là tăng đầu tư công để kích thích tăng trưởng. Phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với ông Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng.

Ông Đinh Thế Hiển

PV: Thưa ông, liên quan đến việc kích cầu không ít ý kiến cho rằng, cần đẩy mạnh đầu tư công, tuy nhiên trong thời điểm hiện nay thì có nên tăng cường đầu tư công hay không?

Ông Đinh Thế Hiển: Kinh tế nội địa tăng trưởng thấp so với xuất khẩu chứng tỏ nền kinh tế trong nước còn trì trệ và suy giảm. Mà kinh tế suy giảm chứng tỏ tổng cầu đang giảm nên ảnh hưởng đến nguồn vốn sản xuất và kinh doanh. Trong một thời gian dài để kéo giảm lạm phát Chính phủ chỉ đạo thắt chặt tiền tệ nhưng trước tình trạng nguồn tiền bị suy giảm đã ảnh hưởng quá lớn đến nền kinh tế, thu nhập và việc làm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay khi kinh tế có dấu hiệu phục hồi từ các chỉ số vĩ mô thì việc sắp xếp lại đầu tư công phần nào đó giúp khôi phục lại tổng cầu trong nước.

Nếu đầu tư nên đầu tư vào lĩnh vực nào, thưa ông?

- Đầu tư công mạnh, dàn trải và kém hiệu quả không chừng làm cho lạm phát quay lại. Về nguyên tắc khi nguồn lực có hạn chúng ta nên đẩy đầu tư công ra và tập trung vào sản xuất hàng hóa. Song nếu chúng ta đưa nguồn tiền vào đầu tư công thì dĩ nhiên khu này cũng hỗ trợ cho sản xuất có giá trị gia tăng và tác động trở lại nguồn thu ngân sách ở các lĩnh vực khác. Do đó nên tập trung vào những tâm điểm, đặc biệt là những khu vực sản xuất hàng hóa.

Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đề nghị nên tăng đầu tư công thêm 200.000- 300.000 tỷ đồng để kích cầu. Theo ông, trong thời điểm này bao nhiêu là vừa?

- Ngân sách của chúng ta đang vượt vài % trong khi thu không đạt yêu cầu cho nên nếu có đầu tư công thì phải kỳ vọng vào trái phiếu Chính phủ hoặc trái phiếu nước ngoài. Ngoài trái phiếu trong nước thì Chính phủ lại đang kêu gọi trái phiếu nước ngoài. Tôi cho đây là phương pháp hoàn toàn hợp. Bởi vì từ chính nguồn lực nước ngoài giúp cho chúng ta có nguồn tiền đầu tư mà không bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Theo tôi ước tính thì khoảng 500 triệu USD.

Một phần của đầu tư công bắt nguồn từ trái phiếu Chính phủ nhưng mỗi lần phát hành trái phiếu ngân hàng lại "thu gom” nhiếu nhất?

-Trong giai đoạn vừa qua, trái phiếu vừa phát hành thì ngân hàng "thu gom” với số lượng khá lớn và xảy ra tình trạng bên này Chính phủ huy động nhiều nhất nhưng kia ngân hàng lại không chuyển cho doanh nghiệp. Vì vậy, theo tôi phương pháp tốt nhất hiện nay là huy động trái phiếu từ nước ngoài.

Nói đến đầu tư công, không ít người nghĩ đến nguy cơ lạm phát và lãng phí. Vậy theo ông có giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng này?

- Nếu đầu tư vào những khu vực dự án lớn nhưng thời gian kéo dài thì không hiệu quả. Chẳng hạn như đầu tư phát triển cảng mà cảng hoạt động, không có người ở. Trong khi đó, tập trung đầu tư cho những con đường huyết mạch có dân cư đang ở và sử dụng như Quốc lộ 1 thì đó là mô hình đầu tư công đúng đắn. Bởi vì khi mở rộng đường Quốc lộ 1 người ta vẫn sử dụng và sử dụng tốt hơn mà không bị lãng phí, góp phần làm động lực đẩy mạnh nền kinh tế phát triển. Nói tóm lại, nếu có tăng đầu tư công trở lại thì nên đầu tư vào những nơi đang sử dụng và cần có để sử dụng như cầu, đường.

Trân trọng cảm ơn ông!

THANH GIANG (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=68167&menu=1372&style=1