Đầu tư nghiên cứu phát triển ở Việt Nam chỉ ngang Campuchia

Trong buổi hội thảo" Khoa học cơ bản và xã hội", GS David Gross, nhà khoa học đoạt giải Nodel vật lý năm 2004 chia sẻ, mức đầu tư cho nghiên cứu phát triển của Việt Nam chỉ ngang ngửa Campuchia, thấp hơn Trung Quốc 10 lần, Ấn Độ 5 lần và Hàn Quốc 20 lần.

Nghiên cứu khoa học trong trường Đại học còn bỏ ngỏ

Tại hội thảo "Khoa học cơ bản và xã hội" trong khuôn khổ sự kiện "Gặp gỡ Việt Nam" 2016, nhiều nhà khoa học quốc tế nhận định nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu cơ bản của Việt Nam còn rất hạn chế.

GS David Gross, nhà khoa học đoạt giải Nobel vật lý năm 2004, nhận định khoa học cơ bản ở Việt Nam phát triển rất chậm do chưa được đầu tư xứng đáng.

GS David Gross chia sẻ: “Tôi có tìm hiểu và thấy rất ngạc nhiên khi biết Việt Nam chỉ dành một phần rất nhỏ GDP đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Khi tôi hỏi một đồng nghiệp ở Việt Nam rằng mức đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ở Việt Nam là bao nhiêu, người đó trả lời là 2% GDP, nhưng khi tôi nghiên cứu thì con số đó chỉ là 0,21% GDP. Mức này chỉ ngang ngửa Campuchia, còn thấp hơn Trung Quốc 10 lần, thấp hơn Ấn Độ 5 lần và tới 20 lần so với Hàn Quốc”.

GS Kurt Wüthrich, chủ nhân giải Nobel Hóa học năm 2002 đã đưa ra nhận xét Việt Nam còn hạn chế về nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu khoa học cơ bản. Không những vậy, mức độ nghiên cứu khoa học ở các trường đại học Việt Nam còn yếu, dễ kéo lùi sự phát triển đất nước.

Cùng quan điểm này, GS Ngô Bảo Châu cho rằng nghiên cứu khoa học không thể thực hiện nếu không có nghiên cứu sinh, nhưng thực tế đáng buồn là nghiên cứu khoa học ở các trường đại học trong nước còn rất yếu.

"Có những cái ở Việt Nam rất bất hợp lý. Ví dụ như nghiên cứu sinh trong nước hầu như không có một sự trợ cấp nào cả. Điều này ngược lại với các nước trên thế giới. Những người tập sự nghiên cứu phải được thù lao xứng đáng, nếu không phải lương thì họ cũng phải được trợ cấp thì mới có điều kiện để nghiên cứu khoa học", GS Châu nói.

Theo GS Châu, mức độ nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, chất lượng sinh viên tốt nghiệp thấp khiến các trường đại học ở Việt Nam không có được xếp hạng cao so với các nước trên thế giới.

"Mỗi năm, nhà nước mất khoảng 3 đến 4 tỷ USD đầu tư cho nghiên cứu sinh, du học ở nước ngoài. Trong khi đó, lại thiếu linh hoạt trong chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài về nước làm việc. Việc này sẽ dẫn đến những mất mát lớn hơn về mặt chất xám mà chúng ta khó có thể lường hết được", GS Châu nói.

Đừng chỉ chú trọng vào nghiên cứu sinh ở nước ngoài mà bỏ rơi trong nước

GS Kurt Wüthrich nhấn mạnh, đào tạo nguồn nhân lực tài năng để phục vụ khoa học là điều vô cùng quan trọng, đặt nền tảng cho sự phát triển của khoa học của bất kỳ quốc gia nào.

Đối với Việt Nam, GS Kurt Wüthrich chia sẻ, trường hợp ngân sách hạn chế, Việt Nam cần có định hướng nghiên cứu khoa học cơ bản rõ ràng, tập trung; phải cắt giảm chi tiêu, đầu tư kinh phí để mua các thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học

GS Ngô Bảo Châu đang trò chuyện với các nhà khoa học thế giới trong buổi hội thảo "Khoa học cơ bản và xã hội" (Ảnh Đình Nam)

GS Châu đưa ra giải pháp, các trường ĐH hoặc cơ quan nhà nước khi tuyển dụng nhân lực chất lượng cao không nên cứng nhắc, dừng lại ở mức lương khởi nghiệp. Đồng thời, các trường ĐH và cơ quan nhà nước cần có cơ chế linh hoạt, cạnh tranh tích cực để thu hút chất xám, nguồn nhân lực chất lượng cao dù được đào tạo trong nước hay nước ngoài.

“Nghiên cứu khoa học không thể thực hiện nếu không có nghiên cứu sinh. Thực tế, Việt Nam mới cấp học bổng hỗ trợ nghiên cứu sinh làm luận án ở nước ngoài, còn trong nước vẫn thiếu chính sách đãi ngộ. Khi chưa chú trọng nghiên cứu khoa học, chưa có cơ chế đãi ngộ tuyển dụng, giảng viên chuyên môn giỏi cho các trường đại học, việc đào tạo nguồn nhân lực khó đảm bảo chất lượng, nguy cơ đất nước thụt lùi rất lớn", GS Châu bày tỏ.

GS Lars Brink, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nobel ngành Vật lý bày tỏ, để thu hút người tài về phục vụ đất nước ngoài cơ chế đãi ngộ tốt cho người trẻ đi học ở nước ngoài nhằm thu hút họ trở về Việt Nam cũng cần có sự ràng buộc như một trách nhiệm.

Thanh Loan

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/dau-tu-nghien-cuu-phat-trien-o-viet-nam-chi-ngang-campuchia-c7a424472.html