Đầu xuân thẳng tiến Hoàng Sa

Ngay từ đầu Xuân Đinh Dậu, những đoàn tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Sơn Trà (TP Đà Nẵng) đã hiên ngang đè sóng vươn khơi. Mỗi chiếc tàu như một cột mốc sống khẳng định chủ quyền của Tổ quốc trên biển.

Tàu ông Phan Văn Mẫn chuẩn bị xuất bến.

Quyết bám ngư trường truyền thống

Tàu đánh bắt xa bờ của ông Nguyễn Cu ở P. An Hải Bắc (Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) đã nhổ neo vươn khơi từ sáng mồng 4 Tết và chọn ngư trường Hoàng Sa để khai thác chuyến biển đầu Xuân mới. Cùng P. An Hải Bắc, tàu anh Lê Văn Xin đã rời bến, thẳng tiến Hoàng Sa vào trưa mồng 5 tháng Giêng. Ngày mồng 6 và mồng 7 tháng Giêng, thêm hàng chục tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Sơn Trà cũng sẽ vươn khơi...

Anh Đặng Văn Mầy, 53 tuổi, trú P. An Hải Tây (Sơn Trà), chủ của 3 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, thường xuyên khai thác tại ngư trường Hoàng Sa và cùng cập bến sông Hàn trước Tết Đinh Dậu. Vừa ra Tết, anh Mầy đã điện giục thuyền viên khẩn trương trở về tàu để chuẩn bị vươn khơi. “3 chiếc tàu của tôi có tổng số 27 thuyền viên, quê ở Đà Nẵng và Quảng Nam, tôi đã điện tập trung, nhưng do anh em chưa đến đủ, nên khoảng mồng 10 tháng Giêng mới xuất bến được”, anh Mầy chia sẻ.

Trong khi đó, tàu anh Nguyễn Sanh (P. Thọ Quang), tàu ông Phan Văn Mẫn (P. Nại Hiên Đông) cùng hàng chục tàu khác ở âu thuyền Thọ Quang và các bến ven sông Hàn đã hoàn tất việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, đá lạnh để xuất bến...

Biển Hoàng Sa giàu hải sản và là ngư trường truyền thống, lâu đời của Việt Nam. Bao thế hệ ngư dân Sơn Trà đã gắn bó với vùng biển này như máu thịt. Những năm gần đây, mặc dù bị tàu lạ đe dọa, uy hiếp, xua đuổi, ngư dân Sơn Trà vẫn kiên quyết đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa. Thuyền trưởng Đặng Văn Mầy cho biết, trong chuyến biển mới đây, chỉ 14 ngày ra khơi, 1 trong 3 chiếc tàu của anh đã khai thác được 25 tấn cá, bán được hơn 450 triệu đồng, trừ phí tổn, mỗi thuyền viên chia được hơn 12 triệu đồng. “Dẫu khó khăn thế nào, chúng tôi vẫn quyết bám ngư trường Hoàng Sa để khai thác, vì vùng biển này hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam”, anh Đặng Văn Mầy nhấn mạnh.

Tàu anh Đặng Văn Mầy chuẩn bị đá lạnh cho chuyến biển đầu Xuân Đinh Dậu.

Những cột mốc sống khẳng định chủ quyền Tổ quốc

Ngư dân đánh bắt xa bờ được Chính phủ hỗ trợ kinh phí nhiên liệu với nhiều mức khác nhau, mỗi tàu từ 100-400 triệu đồng/năm, tùy theo công suất. Nhà nước còn hỗ trợ những loại máy thông tin tốt, giúp các tàu đánh bắt xa bờ dễ dàng thông tin cho nhau về tình hình ngư trường và thường xuyên liên lạc với các cơ quan chức năng trong đất liền. 100% lao động trên các tàu cá từ 50CV trở lên được UBND thành phố Đà Nẵng hỗ trợ thẻ bảo hiểm thuyền viên hằng năm.

Cùng với đó, tàu cá được tổ chức thành các tổ khai thác hải sản đoàn kết, an toàn, mỗi tổ từ 3-7 tàu, nhằm hỗ trợ nhau trong quá trình đánh bắt và kịp thời báo tin cho nhau biết vị trí, thủ đoạn phá hoại của tàu lạ để vòng tránh. Bất chấp bao khó khăn thử thách, ngư dân Sơn Trà vẫn kiên cường vươn khơi bám biển. Mỗi chiếc tàu đánh bắt xa bờ như một cột mốc sống khẳng định chủ quyền Tổ quốc trên biển và khi biển mẹ bị xâm lấn thì người ngư dân ở ngoài khơi cũng như người chiến sĩ bám trụ giữ làng trong thời kháng chiến.

Đặc biệt, ở Sơn Trà, nhiều người cao tuổi vẫn trực tiếp làm thuyền trưởng tàu đánh bắt xa bờ, nêu gương sáng cho con cháu về ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo và hoạt động cứu hộ cứu nạn trên biển. Đang hối hả chuẩn bị cho chuyến biển đầu Xuân mới, ông Lê Văn Trí, 62 tuổi, ở P. Thọ Quang, hồ hởi bộc bạch: Liên tục vươn khơi, đánh bắt xa bờ, vừa đem lại nhiều thu nhập cho gia đình, vừa góp phần bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Lê Văn Thơm

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_161180_dau-xuan-thang-tien-hoang-sa.aspx