Dạy chữ Hán cho học sinh: Quay về với cốt lõi văn hóa, lịch sử

PGS.TS Đoàn Lê Giang cho rằng cần phải đưa chữ Hán Nôm vào dạy học sớm cho học sinh để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Điều đó đã gây nên nhiều ý kiến trái chiều.

Phát biểu tại Hội thảo Vai trò của Hán Nôm trong văn hóa đương đại diễn ra hôm 27/8, ông PGS.TS Đoàn Lê Giang cho rằng, vì từ bỏ chữ Hán hoàn toàn nên thế hệ sau ít hiểu biết về quá khứ dân tộc, học hành hời hợt nhất, các nhà khoa học xã hội của Việt Nam cũng kém hơn nhiều so với học giả các nước. Đó cũng là lý do khiến nước ta nghèo, lạc hậu nhất so với Nhật, Hàn hay Trung Quốc.

Đương nhiên, phát ngôn của ông Giang vừa mới “lọt lòng” đã lập tức hứng chịu bao gạch đá của những cá nhân, tập thể mang tư tưởng, cảm xúc kì thị chủng tộc một cách tiêu cực. Điều đó cũng dễ hiểu thôi bởi với bất cứ thứ gì ám mùi “Trung Hoa” thì nhóm người này đều cho rằng nó là những thứ… thù địch, thậm chí là rác rưởi nên cần phải loại trừ trên quan điểm dân tộc.

PGS. TS Đoàn Lê Giang cho rằng nên đưa chữ Hán Nôm vào dạy trong nhà trường phổ thông. Ảnh: Vietnamnet.

Nhưng sự thực cho dù phát ngôn của ông Giang có bị ném đá như thế nào đi chăng nữa thì chúng ta cũng không thể phủ nhận những sự thật đau lòng về đất nước mà ông đã liệt kê ở trên.

Và “sự thật đau lòng” đó chính là hệ quả của một quá trình lai căng văn hóa, xa rời những cốt lõi về tư tưởng, lối sống, nhận thức mà có thể lấy dấu mốc từ cuộc xung đột Việt – Trung kể từ năm 1979.

Từ cuộc xung đột đó cùng những ẩn ức về chính trị (1000 năm Bắc thuộc) và đương nhiên là cả những suy diễn, liên hệ không có căn cứ về chính trị, văn hóa... đã khiến người Việt hiện đại đánh đồng và từ chối tất cả những gì thuộc về “Tàu”. Trong đó bao gồm cả văn tự Hán Nôm.

Suy nghĩ đó là vô lí và hết sức nhảm nhí bởi chúng ta có thể thấy, trong hơn 1000 năm Bắc thuộc, cha ông sử dụng văn tự Hán Nôm nhưng vẫn gìn giữ trọn vẹn những nét văn hóa dân tộc, vẫn chắt chiu từng “giọt hồn Việt” và gìn giữ cho đến khi lớp thanh niên hiện đại làm mục ruỗng nó bằng những tư tưởng kì thị dân tộc mù quáng.

Mặc dù hiện giờ, chữ viết của toàn dân tộc đã được thay thế hoàn toàn bằng chữ quốc ngữ nhưng chúng ta có thể thấy đến hơn 70% từ vựng tiếng Việt là những từ gốc Hán. Hay đơn giản hơn, liệu chúng ta có thấy xấu hổ, có mang một nỗi sầu quốc gia, sầu "mất gốc" khi vào những nơi lưu giữ nét văn hóa Việt như đến, chùa, đình, miếu... mà không hề biết những chữ được chạm khắc trên hoành phi, bia, bảng ở đó có nghĩa là gì hay không?

Đúng như ông G.Dumoutier, Giám đốc Nha học vụ Bắc Trung kỳ, năm 1886 đã nói: “Nếu những đứa trẻ An Nam, xuất thân từ các trường học của ta (Pháp), mà không biết đọc và viết chữ Hán Nôm thông dụng, thì chúng sẽ trở thành người ngoại quốc trên chính đất nước của chúng!”.

Mặt khác, nếu xét trên quan điểm của những người mang tư tưởng kì thị dân tộc mù quáng thì chúng ta càng không nên phủ nhận Hán Nôm. Bởi chẳng có gì sai trái hay “phản quốc” khi chúng ta có cơ hội hiểu hơn về “kẻ thù” (đã nâng cao quan điểm) của mình. Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Những mối nguy hiểm luôn đến từ sự ngu dốt, thiếu hiểu biết chứ chưa bao giờ đến từ sự thông thái.

Và cuối cùng, một lần nữa lại mượn ý của ông G.Dumoutier để kết lại bài: Đừng để những đứa trẻ Việt Nam trở thành người ngoại quốc trên chính đất nước của chúng bởi sự kì thị mù quáng của chúng ta.

Bảo Trang

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Chuyên mục Đa Chiều đưa ra những góc nhìn khác nhau về các vấn đề thời sự - xã hội nóng thu hút dư luận. Độc giả có thể bày tỏ quan điểm cá nhân, đồng tình hoặc phản biện về vấn đề quan tâm. Xin vui lòng gửi thư về địa chỉ: [email protected] Mọi quan điểm của độc giả đều cần được tôn trọng!

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/day-chu-han-cho-hoc-sinh-quay-ve-voi-cot-loi-van-hoa-lich-su-a256386.html