Đầy đủ chứng cứ quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam

(ĐSPL) – Cách đây tròn 40 năm, ngày 19/1/1974, Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, mặc dù chứng cứ lịch sử cho thấy quần đảo này là của Việt Nam.

Vị trí địa lý

Quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) là một nhóm khoảng 30 đảo, bãi san hô và mỏm đá ngầm nhỏ ở Biển Đông. Quần đảo này cách đảo Lý Sơn của Việt Nam khoảng 200 hải lý và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc khoảng 230 hải lý. Hoàng Sa là tên người Việt đặt cho quần đảo này.

Quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam

Quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam

Từ xưa quần đảo này đã mang tên là Bãi Cát Vàng hay Cồn Vàng. Vì có vô số hòn đảo, hòn đá, cồn đụn, bãi cạn lúc nổi lúc chìm theo với mực nước thủy triền lên xuống nên số lượng đảo tùy theo cách đếm mà kể là nhiều hay Sách cổ Việt Nam trong những thế kỷ trước đây cho biết có 130 đảo.

Về khoảng cách đến đất liền, quần đảo Hoàng Sa nằm gần Việt Nam hơn. Cụ thể, khoảng cách từ đảo Tri Tôn tới đảo Lý Sơn là 123 hải lý.

Trong khi đó, khoảng cách từ đảo Hoàng Sa đến Lăng Thủy giác thuộc đảo Hải Nam của Trung Quốc là 140 hải lí. Khoảng cách từ Hoàng Sa tới Trung Quốc lục địa tối thiểu là 235 hải lý.

Các nhà nước Việt Nam thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa

Đầu thế kỷ 17, Chúa Nguyễn ở Đàng trong đã tổ chức khai thác trên các đảo. Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải có nhiệm vụ ra đóng ở hai quần đảo, mỗi năm 8 tháng để khai thác các nguồn lợi: đánh cá, thâu lượm những tài nguyên của đảo và những hiện vật lấy được từ những tàu đắm.

Năm 1816, Vua Gia Long chính thức chiếm hữu đảo, ra lệnh cắm cờ trên đảo và đo thủy trình. Năm 1835, Vua Minh Mạng cho xây đền, đặt bia đá, đóng cọc và trồng cây.

Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải được trao nhiều nhiệm vụ hơn: khai thác, tuần tiễu, thu thuế dân trên đảo và nhiệm vụ biên phòng bảo vệ hai quần đảo. Hai đội này tiếp tục hoạt động cho đến khi người Pháp vào Đông Dương.

Bia chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam thời Pháp thuộc được dựng năm 1938 tại đảo Hoàng Sa của quần đảo Hoàng Sa, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa liên tục từ năm 1816 (niên hiệu Gia Long thứ 14) cho đến thời điểm dựng bia năm 1938.

Năm 1946, dựa trên Tuyên bố Cairo và Tuyên bố Potsdam, 4 tàu chiến của Trung Hoa dân quốc (Quốc dân đảng) đổ bộ lên quần đảo với lý do giải giáp quân Nhật. Ngày 7/1/1947, chính phủ Trung Hoa dân quốc tuyên bố đã chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa, nhưng thực ra mới chỉ chiếm đảo Phú Lâm (Woody Island) mà họ gọi là đảo Vĩnh Hưng. Pháp phản đối và gửi quân Pháp-Việt trở lại đảo. Ngày 17/1/1947, pháo hạm Le Tonkinois của Hải quân Pháp đến quần đảo Hoàng Sa để đòi quân đội Tưởng Giới Thạch rút khỏi đây. Tháng 4/1950, quân đội Tưởng Giới Thạch rút khỏi đảo Phú Lâm.

Ngày 14/10/1950, chính phủ Pháp chính thức chuyển giao quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cho “Chính phủ Quốc gia Việt Nam” do “quốc trưởng” Bảo Đại đứng đầu.

Chứng cứ lịch sử

Tháng 1/1982, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã công bố sách trắng Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa: lãnh thổ Việt Nam, trong đó nêu nhiều lý lẽ chứng minh Hoàng Sa là của Việt Nam. Ngoài ra cũng có rất nhiều bằng chứng nghiên cứu độc lập khác cho thấy Hoàng Sa thuộc về Việt Nam.

Gần đây nhất đã phát hiện chứng cứ rất rõ ràng khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam, chứng cứ đó chính là sắc chỉ của triều đình nhà Nguyễn liên quan đến việc canh giữ quần đảo Hoàng Sa được gia tộc họ Đặng ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, gìn giữ suốt 174 năm qua, nay trao lại cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh. Đây là sắc chỉ của vua Minh Mạng (triều Nguyễn), phái một đội thuyền gồm 3 chiếc với 24 lính thủy ra canh giữ đảo Hoàng Sa vào ngày 15/4 năm Minh Mạng thứ 15 (năm 1835).

Vào thế kỷ thứ 18, bộ sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn đã có nói tới Hoàng Sa và Trường Sa. Cuốn sách này cũng kể việc người Việt Nam đã khai thác hai quần đảo này ngay từ thời Lê mạt.

Hồi tháng 7/2012, báo chí Việt Nam đưa ra bằng chứng là tấm “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”, do nhà Thanh Trung Quốc in năm 1904, có ghi cực nam lãnh thổ Trung Quốc năm 1904 là đảo Hải Nam.

Ngoài các sử gia Việt Nam, một số các tác giả người Pháp cũng nói tới chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong tác phẩm Hồi ký về Đông Dương, tác giả Jean Baptiste Chaigneau cũng ghi rằng Vua Gia Long đã chính thức thu nhận quần đảo Hoàng Sa vào năm 1816. Khi người Pháp đặt nền bảo hộ trên toàn cõi Đông Dương, họ cũng tiếp tục lãnh nhiệm vụ bảo vệ Hoàng Sa.

Năm 1996, cuốn “Chủ quyền trên quần đảo Paracels và Spratly” của bà Monique Chemilier Gendreau, một luật sư, giáo sư có tên tuổi ở Pháp và nước ngoài đã làm cho các học giả Trung Quốc bối rối và họ đã mời bà sang Bắc Kinh nói là để cung cấp thêm tài liệu. Bà đã đến Bắc Kinh và đối mặt với mấy chục học giả Trung Quốc. Bà cho biết học giả Trung Quốc không giải đáp được những vấn đề do bà đặt ra, không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào có sức thuyết phục.

Về việc giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, pháp luật quốc tế đã hình thành nguyên tắc xác lập chủ quyền là nguyên tắc chiếm hữu thật sự và thực hiện quyền lực Nhà nước một cách thật sự, liên tục. Nguyên tắc này đã được các nước và các cơ quan tài phán quốc tế áp dụng để giải quyết nhiều vụ tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên thế giới.

Áp dụng nguyên tắc nói trên của pháp luật quốc tế vào trường hợp quần đảo Hoàng Sa, các bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý đều cho thấy rằng các nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu thật sự quần đảo này hàng trăm năm qua.

Minh Đức (theo Wikipedia)

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/the-gioi/quan-dao-hoang-sa-la-cua-viet-nam-a18638.html