Đẩy lùi nạn cướp giật bằng biện pháp cứng rắn?

Tại sao chúng ta phải học theo Philippines, sử dụng biện pháp cứng rắn (và có phần tàn nhẫn) với tội phạm cướp giật trong khi cuộc chiến chống ma túy ở nước bạn vẫn chưa rõ thành công hay thất bại?

Ở Philippines, sau khi áp dụng chính sách trấn áp cứng rắn nhằm dẹp nạn ma túy, hàng trăm người đã bị bắn chết trên đường phố và hàng chục nghìn người đã ra đầu thú.

Ở Việt Nam cũng đang tồn tại một vấn nạn đau đầu không kém là cướp giật. Đã có ý kiến cho rằng Việt Nam nên học tập Philippines, cho phép bắn chết không cần xét xử loại tội phạm này.

Trước hết, bất kỳ một chính sách nào đó khi được thực hiện cũng cần có thời gian để xem xét, đánh giá tính hiệu quả của nó. Tân Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte cũng mới thực thi chính sách cứng rắn trên toàn quốc trong vài tháng, cho nên đến lúc này, chưa thể đánh giá “cuộc chiến chống ma túy” của ông thành công hay thất bại. Mọi lời bình luận chỉ mang tính phỏng đoán.

Nhà tù Quezon City ở thủ đô Manila, Philippines. Ảnh minh họa: Internet.

Có người cho rằng chính sách sẽ thành công, ma túy sẽ biến mất vĩnh viễn nhưng cũng có người cho rằng nó sẽ làm bùng lên một thảm họa nhân quyền, thậm chí dẫn đất nước tới cảnh nội chiến. Ai cũng có lý lẽ của mình và chưa biết ai đúng ai sai. Và khi một chính sách chưa biết thành công hay thất bại thì tất nhiên không nên học theo làm gì!

Một điểm cần bàn nữa, đó là trong cuộc bầu cử tổng thống, ông Duterte đã giành thắng lợi áp đảo với quan điểm nói không với ma túy của mình. Điều đó cho thấy người dân Philippines mong mỏi chiến dịch đẩy lùi ma túy đến thế nào, đồng thời cũng chứng minh rằng ở nơi đây, ma túy đã thành quốc nạn, kìm hãm sự phát triển của đất nước.

So sánh với Việt Nam, cướp giật đứng thứ mấy trong những nguy cơ có thể kéo chúng ta thụt lùi? Liệu nó đã trở thành quốc nạn? Có phải trên khắp mọi miền đất nước nơi nào người dân cũng phải lo sợ khi ra đường, đêm tối phải đóng kín cửa và không dám ra ngoài? Chắc chắn là chưa đến mức đó. Ngay cả ở TP.HCM – một điểm nóng về cướp giật, cũng chưa có tình trạng 100% ra đường gặp cướp. Vậy thì sao phải dùng những biện pháp cứng rắn nhất để đối phó với nó.

Không có loại đạn thông minh nào biết tránh người tốt và tìm diệt người xấu, điều này có thể khiến người lương thiện phải chết oan vì đạn lạc. Thêm nữa, trong khi nhà nước ta đã thể hiện chính sách nhân đạo bằng cách chuyển từ hình thức xử tử hình bằng súng sang tiêm thuốc độc thì việc bắn chết nghi phạm ngay trên đường phố là một hành động quá tàn nhẫn.

Để ngăn chặn và đẩy lùi tội phạm cướp giật, theo tôi, các cơ quan chức năng nên siết chặt quản lý những nơi có khả năng tiêu thụ tài sản bị cướp, chẳng hạn như tiệm cầm đồ và các chợ trời mua bán hàng cũ. Một khi không “tiêu thụ” được “của gian”, hoặc phải bán lại với giá quá thấp thì chắc chắn không ai dám mạo hiểm đi cướp cả.

Bên cạnh đó, phải tăng thêm quyền cho các lực lượng thường xuyên túc trực trên đường phố, đặc biệt là cảnh sát giao thông (CSGT). Vừa qua, câu chuyện về anh CSGT tung cước chặn xe máy chạy ngược chiều đã làm nổ ra một cuộc tranh luận về những việc mà CSGT được làm.

Nói tóm lại, không nhất thiết phải dùng đến những biện pháp quá cứng rắn và mạnh tay để giảm thiểu nạn cướp giật trên đường phố mà chưa rõ kết quả có thành công như mong đợi hay không.

Phan Huỳnh Tuấn

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Chuyên mục Đa Chiều đưa ra những góc nhìn khác nhau về các vấn đề thời sự - xã hội nóng thu hút dư luận. Độc giả có thể bày tỏ quan điểm cá nhân, đồng tình hoặc phản biện về vấn đề quan tâm. Xin vui lòng gửi thư về địa chỉ: toasoan@nguoiduatin.vn. Mọi quan điểm của độc giả đều cần được tôn trọng!

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/day-lui-nan-cuop-giat-bang-bien-phap-cung-ran-a253310.html