Đẩy mạnh giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em

Sáng 14-7, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh phối hợp Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế tổ chức Hội thảo 'Thực trạng và giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em năm 2017'.

Theo báo cáo đề dẫn của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, trong các loại xâm hại trẻ em thì tình trạng xâm hại tình dục nổi lên bởi tính chất phức tạp, mức độ tổn hại và khả năng hồi phục của nạn nhân. Trong giai đoạn 2012-2015, Viện kiểm sát hai cấp của thành phố đã thụ lý kiểm sát điều tra hơn 900 vụ với hơn 800 bị can về tội xâm hại tình dục. Tòa án hai cấp của thành phố đã xét xử 538 vụ với 562 bị cáo…

Quang cảnh hội thảo.

Theo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2017, địa bàn thành phố phát hiện 30 vụ xâm hại trẻ em, giảm 31 vụ so với cùng kỳ Đặc điểm loại tội phạm này là đa phần trẻ em bị xâm hại, bạo lực thường là ở gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ ít quan tâm đến con cái, không ít trẻ em bị xâm hại tình dực nhiều lần trong thời gian dài nhưng cha mẹ và gia đình không biết.

Tham luận của các đại biểu tại hội thảo lý giải nguyên nhân dẫn đến bạo lực, xâm hại trẻ em là do lối sống lệch lạc của một bộ phận người dân, công tác tuyên truyền giáo dục chưa “phủ sóng” hết địa bàn, nhất là địa bàn đông người nhập cư, có nhiều bất ổn về an ninh trật tự, công tác giáo dục giới tính, kỹ năng cơ bản để nhận biết và phòng tránh những hành vi xâm hại tình dục, bạo lực cho trẻ em hiện nay chưa kịp thời so với sự phát triển sớm về thể chất, tâm sinh lý của trẻ em…

Các đại biểu đề nghị, để phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho gia đình và trẻ em về kiến thức nuôi dạy con cái, các quyền cơ bản của trẻ em, kỹ năng sống để trẻ em tự bảo vệ… Các đại biểu nhấn mạnh biện pháp phòng ngừa xã hội đóng vai trò quan trọng, trong đó, nâng cao năng lực mạng lưới cán bộ làm công tác trẻ em tại cơ sở, phát huy vai trò của trung tâm công tác xã hội trẻ em, các điểm tư vấn cộng đồng, phòng tư vấn học đường, hệ thống cung cấp dịch vụ cho trẻ em, vận động quần chúng nhân dân tham gia tố giác các đối tượng có hành vi phạm pháp, nắm bắt các gia đình có nguy cơ bỏ học, lang thang để kịp thời hướng dẫn, giúp đỡ… Phối hợp gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội thường xuyên thông báo tình hình tội phạm, tổ chức hoạt động vui chơi bổ ích, tạo môi trường sống lành mạnh, văn hóa cho trẻ em.

Ti, ảnh: HÙNG KHOA

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/day-manh-giai-phap-phong-chong-bao-luc-xam-hai-tre-em-512344