Đẩy mạnh lồng ghép giới trong xây dựng chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Sáng 13-9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục phiên họp thứ 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) cho ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp.

Các đại biểu tập trung cho ý kiến về Điều 14 quy định về việc quản lý, sử dụng số thu phí. Theo ý kiến của nhiều đại biểu, khoản hỗ trợ này là nguồn khích lệ, động viên cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khi đi nhiệm kỳ tại nước ngoài trong điều kiện mức sinh hoạt phí theo chế độ còn hạn chế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong điều động, phân công cán bộ đi công tác nhiệm kỳ tại các địa bàn khó khăn; giữ chân các cán bộ trẻ có năng lực, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ cho ngành, tránh tình trạng “chảy máu chất xám”; cũng như cám dỗ, mua chuộc của các tổ chức, cá nhân nước ngoài và các thế lực thù địch…

Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị những khoản thu, chi phải được dự toán và được Quốc hội thông qua; số vượt thu phải báo cáo Ủy ban TVQH, Bộ Tài chính phải quy định cụ thể về từng chế độ…

Tiếp đó, Ủy ban TVQH cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Theo báo cáo, thời gian qua, với nỗ lực của các cấp, các ngành, công tác bình đẳng giới đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, trong tổng số 22 chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 chỉ có sáu chỉ tiêu đạt, 16 chỉ tiêu chưa đạt hoặc chưa đánh giá được, trong đó ba chỉ tiêu không có khả năng thu thập và 11 chỉ tiêu phân tổ chưa phù hợp với hệ thống thống kê số liệu hiện hành.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc việc lồng ghép giới trong xây dựng chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ trong việc ban hành văn bản và hướng dẫn thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đối với ngân sách dành riêng cho công tác này, cần lựa chọn ưu tiên và tập trung ngân sách thực hiện một số chỉ tiêu trong các năm tiếp theo nhằm bảo đảm Chiến lược đạt một số kết quả.

Qua thảo luận, Ủy ban TVQH tán thành đưa nội dung này để Quốc hội xem xét tại kỳ họp cuối năm. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, báo cáo đề cập, làm rõ hơn những nội dung mà xã hội đặc biệt quan tâm, có những dẫn chứng cụ thể và giải pháp thực hiện như: bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; chế độ đối với quản giáo nữ; tình trạng mua bán phụ nữ, trẻ em; tỷ lệ giới tính khi sinh... Bên cạnh đó, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trăn trở về thực trạng sa thải lao động nữ trên độ tuổi 35 tại các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung.

Chỉ ra ba nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng đó là do hành lang pháp lý không quy định rõ; thanh tra, kiểm tra chưa hiệu quả; do năng lực trình độ hạn chế của chính lao động nữ. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị trong 22 chỉ tiêu nêu ra, cần xem xét chỉ tiêu nào đã lạc hậu so với thời điểm hiện nay; sắp xếp lại thứ tự các chỉ tiêu cho hợp lý...

Buổi chiều, Ủy ban TVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường. Các ý kiến đại biểu nhất trí việc sửa đổi luật nhằm tạo tính đồng bộ, công bằng, phù hợp với hệ thống pháp luật về thuế hiện nay, kịp thời thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước trong việc hoàn thiện chính sách tài khóa; hướng tới nghiên cứu mở rộng cơ sở thuế để phát triển nguồn thu.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/34080202-day-manh-long-ghep-gioi-trong-xay-dung-chinh-sach-ke-hoach-phat-trien-kinh-te-xa-hoi.html