Đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho các làng nghề

KTĐT - Hôm nay, 26/10, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức khai mạc Hội chợ Quà tặng hàng Thủ công Mỹ nghệ Hà Nội 2013 (Hanoi Gift Show 2013).

Một trong những điểm nổi bật của hội chợ lần này là khu trưng bay sản phẩm chương trình "Mỗi làng một sản phẩm" (OVOP Hà Nội). Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Mai Anh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Hà Nội xung quanh sự kiện này.

Tại Hanoi Gift Show 2013, khu trưng bay sản phẩm OVOP được Sở Công Thương Hà Nội coi là điểm nhấn của hội chợ. Vậy, việc tổ chức khu trưng bay này nhằm mục đích gì, thưa bà ?

- OVOP là một chương trình của UBND TP Hà Nội hỗ trợ các làng nghề, doanh nghiệp (DN) lựa chọn một sản phẩm tiêu biểu có giá trị gia tăng, sức cạnh tranh cao để sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, do mới thực hiện từ năm 2012 nên các DN, nghệ nhân làng nghề tham gia chương trình OVOP còn gặp khó khăn trong việc quảng bá, tiêu thụ hàng hóa. Để hỗ trợ DN, làng nghề quảng bá sản phẩm, trong khuôn khổ hội chợ Hanoi Gift Show 2013, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức khu trưng bày sản phẩm mẫu OVOP Hà Nội.

Việc tổ chức khu trưng bày này còn tạo cơ hội cho DN, làng nghề tham gia chương trinh OVOP tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng cho các DN quốc tế có nhu cầu. Góp phần giúp DN, làng nghề thay đổi nhận thức, tư duy về vai trò, lợi ích của việc tham gia OVOP, từ đó đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm; tạo tiền đề vững chắc xây dựng thương hiệu OVOP Việt Nam; Từng bước tổ chức hội chợ OVOP Hà Nội chuyên biệt vào năm 2015.

Doanh nghiệp nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ tham quan gian trưng bày sản phẩm OVOP tại hội chợ. Ảnh: Thu Hương

Trong kỳ hội chợ lần này, khu trưng bày OVOP giới thiệu những sản phẩm gì đến với thị trường?

- Khu trưng bày sản phẩm OVOP gồm 192 gian hàng, với 250 mẫu sản phẩm, thiết kế mới của các DN, nghệ nhân Hà Nội tham gia cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2013. Tại đây còn có một khu trưng bày 16 dòng gốm tiêu biểu của cả nước là các bộ sưu tầm đã được sản xuất theo đơn đặt hàng của các hãng nội thất quốc tế có giá trị nghệ thuật cao. Tất cả tạo ra một không gian mang đậm màu sắc gốm Việt để giới thiệu đến bạn bè quốc tế, nhất là những DN nhập khẩu có doanh thu trên 100 triệu USD/năm.

Nhằm phát triển chương trình OVOP, trong thời gian qua, ngành Công Thương Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động liên kết với các tỉnh bạn và nhiều nước tham gia OVOP. Chính vì vậy, tại đây còn trưng bày sản phẩm của các tỉnh và một số nước tham gia OVOP như Thái Lan, Malaysia, Lào, Nhật Bản, Ấn Độ. Ngoài ra, khách tham quan còn có cơ hội chiêm ngưỡng những thiết kế mới nhất về hàng thủ công mỹ nghệ đã được chế tác phù hợp với nhu cầu hiện đại của các nước Thụy Điển, Pháp và Úc.

Chương trình OVOP khá mới mẻ, vậy trong quá trình thực hiện có gặp khó khăn gì không, thưa bà ?

- Chương trình này mới được triển khai chưa đầy 2 năm nên cũng gặp không ít khó khăn, nhất là vấn đề cơ chế chính sách, nhận thức từ phía các DN, làng nghề tham gia chương trình

Nhằm hỗ trợ các DN, làng nghề tham gia OVOP, UBND TP Hà Nội đã xây dựng chính sách hỗ trợ nhưng hiện vẫn chưa có cơ chế chính sách cụ thể. Bên cạnh đó, các DN, người dân làng nghề chủ yếu sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, chưa có định hướng sản xuất hàng hóa, việc liên kết giữa DN với các nghệ nhân còn lỏng lẻo, năng lực sản xuất còn nhiều yếu kém, đặc biệt vẫn còn có tâm lý ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước. Đây là nguyên nhân khiến các DN không tận dụng được những cơ chế, chính sách hỗ trợ. Ngoài ra, DN chưa thực sự chú trọng việc sản xuất những mặt hàng có tính "độc quyền", chủ yếu sản xuất hàng mang tính đại trà, không mang nét độc đáo, chuyên biệt.

Để có được những sản phẩm chất lượng cao phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng, thời gian tới ngành Công Thương sẽ có những hoạt động hỗ trợ như thế nào?

- Nhằm hỗ trợ DN sản xuất và làng nghề tham gia chương trình OVOP, ngành Công Thương Hà Nội sẽ thường xuyên tổ chức các chương trình huấn luyện OVOP phù hợp với thực tiễn sản xuất của từng làng nghề, DN, từ đó nâng cấp sản phẩm cổ truyền hoặc chế tạo các mẫu sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu tiêu dùng hiện đại của thị trường, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Xin cảm ơn bà!

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.vn/kinh-te/tin-tuc/2013/10/810209bd/day-manh-xuc-tien-thuong-mai-cho-cac-lang-nghe/