Đẩy nhanh pháp điển các đề mục liên quan đến quyền lợi của cá nhân, doanh nghiệp

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật (QPPL) năm 2012, công tác pháp điển hệ thống QPPL đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, để khắc phục một số tồn tại, hạn chế, Bộ Tư pháp đề nghị các bộ, ngành đẩy nhanh thực hiện pháp điển các đề mục thuộc giai đoạn 1, các đề mục có hệ thống văn bản ổn định, liên quan đến quyền lợi của cá nhân, doanh nghiệp... nhằm “cán đích sớm” trong xây dựng Bộ pháp điển trước 3 năm.

Một hội nghị giới thiệu Bộ pháp điển do Bộ Tư pháp tổ chức

Nhiều đề mục hoàn thành vượt tiến độ

Thời gian qua, với hệ thống thể chế đầy đủ và toàn diện, công tác pháp điển đang dần từng bước được thực hiện bài bản và đi sâu về chất lượng. Thủ trưởng các bộ, ngành đã có nhiều chỉ đạo cụ thể. Qua đó góp phần bảo đảm kết quả pháp điển chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ, thậm chí có nhiều đề mục hoàn thành vượt tiến độ đề ra.

Cụ thể, các bộ, ngành cơ bản đã quan tâm bố trí biên chế làm công tác pháp điển tại tổ chức pháp chế kịp thời, đầy đủ, trung bình khoảng 2 - 3 người, đều là kiêm nhiệm. Ngoài việc giao tổ chức pháp chế làm đầu mối, một số bộ, ngành còn giao các đơn vị chuyên môn trực thuộc chủ trì thực hiện pháp điển theo đề mục, được Thủ trưởng đơn vị kịp thời bố trí 1 - 2 nhân sự để triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, 15/27 bộ, ngành đã chủ động tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ pháp điển cho công chức thuộc cơ quan mình. 12 bộ, ngành còn lại chưa tập huấn chủ yếu là các bộ, ngành được giao chủ trì thực hiện pháp điển các đề mục có thời hạn hoàn thành trong giai đoạn 2 (2018 - 2020) và giai đoạn 3 (2020 - 2023).

Về phía Bộ Tư pháp, Bộ đã thành lập Phòng Pháp điển hệ thống QPPL thuộc Cục Kiểm tra văn bản QPPL; mở 2 lớp tập huấn hướng dẫn thực hiện công tác pháp điển cho các công chức làm công tác pháp điển tại các tổ chức pháp chế và các đơn vị thuộc bộ, ngành cùng nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm về công tác pháp điển. Bộ còn biên soạn và xuất bản cuốn Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ pháp điển hệ thống QPPL. Đặc biệt, Bộ đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng phần mềm pháp điển và Cổng thông tin điện tử pháp điển với tên miền phapdien.moj.gov.vn.

Liên quan đến kết quả thực hiện pháp điển theo đề mục, theo Quyết định số 843/QĐ-TTg, số 1267/QĐ-TTg của Thủ tướng, Bộ pháp điển có cấu trúc bởi 265 đề mục và được thực hiện trong 10 năm (2014-2023). Theo đó, giai đoạn 1 (2014-2017) hoàn thành 22 đề mục; giai đoạn 2 (2017-2020) hoàn thành 144 đề mục và giai đoạn 3 (2021 – 2023) hoàn thành 99 đề mục.

Trên tinh thần thực hiện pháp điển sớm các đề mục có hệ thống văn bản ổn định, liên quan đến quyền lợi của cá nhân, doanh nghiệp, một số bộ, ngành đã đưa vào Kế hoạch chung thực hiện pháp điển và hoàn thành trước thời hạn (trước năm 2018) với 96/243 đề mục, nâng tổng số đề mục phải hoàn thành trước năm 2018 lên 118 đề mục.

Đến nay, trong 118 đề mục này, có 65 đề mục đã được pháp điển và thẩm định xong và 53 đề mục đang được thực hiện. Vừa qua, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 48/NQ-CP phê duyệt kết quả pháp điển hệ thống QPPL đối với chủ đề đất đai và 35 đề mục thuộc 15 chủ đề khác. Kết quả này đã được Bộ Tư pháp cập nhật vào Bộ pháp điển điện tử trên Cổng thông tin điện tử pháp điển.

Cần bảo đảm xây dựng Bộ pháp điển đạt chất lượng

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL Hoàng Xuân Hoan cho biết, cùng với kết quả đạt được, việc bố trí nhân sự tại các đơn vị thuộc bộ, ngành làm công tác pháp chế còn hạn chế do công tác pháp điển là việc mới mà không có quy định bố trí thêm biên chế cho các bộ, ngành làm công tác này; quy trình, trình tự thực hiện pháp điển theo đề mục phức tạp gây tốn nhiều thời gian, công sức, kinh phí. Mặt khác, do nhiều cơ quan, đơn vị cùng có thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện pháp điển, cộng thêm hệ thống văn bản QPPL rất phức tạp, nhiều tầng nấc, không thống nhất về kỹ thuật trình bày cũng như kỹ thuật soạn thảo văn bản dẫn đến khó bảo đảm chất lượng tốt kết quả pháp điển.

Vì thế, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp cam kết sẽ thường xuyên theo dõi để kịp thời đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như nhân rộng cách làm hay bảo đảm các bộ, ngành triển khai công tác pháp điển hiệu quả, đúng tiến độ; trang bị đầy đủ kiến thức kỹ năng nghiệp vụ pháp điển và kiến thức sử dụng phần mềm pháp điển cho công chức làm công tác pháp điển các bộ, ngành. Bộ cũng sẽ tổ chức thẩm định kết quả pháp điển theo đề mục đúng quy định, đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Pháp điển hệ thống QPPL và Nghị định số 63/2013/NĐ-CP cho phù hợp, bảo đảm công tác xây dựng Bộ pháp điển đạt chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ.

Đối với các bộ, ngành, Bộ Tư pháp đề nghị Thủ trưởng các bộ, ngành tiếp tục tăng cường chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện pháp điển của cơ quan mình; quan tâm bố trí công chức làm công tác pháp điển phù hợp...

Ngoài ra, cần đẩy nhanh thực hiện pháp điển các đề mục thuộc giai đoạn 1, các đề mục theo kế hoạch có thời hạn hoàn thành trước năm 2018, đề mục có hệ thống văn bản ổn định, liên quan đến quyền lợi của cá nhân, doanh nghiệp, các đề mục thuộc giai đoạn 2 và 3 nhưng có thể triển khai sớm.

Song Thu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-sach/day-nhanh-phap-dien-cac-de-muc-lien-quan-den-quyen-loi-cua-ca-nhan-doanh-nghiep-348141.html