Đẩy nhanh tiến độ để hiện thực hóa 'vầng trăng khuyết' ven biển

Nhiều năm qua, các nhà đầu tư đã bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng triển khai Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước. Gần đây, sau khi tiếp nhận từ phía Hàn Quốc, doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ dự án, với mong ước xây dựng một khu đô thị phức hợp ven biển hiện đại, tạo động lực để phát triển du lịch.

Không để dự án gián đoạn
Năm 2006, Công ty Daewon (Hàn Quốc) và UBND TP Đà Nẵng ký Thỏa thuận nguyên tắc đầu tư Dự án Khu phức hợp đô thị - sân golf Đa Phước. Đây cũng là thời điểm Đà Nẵng đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng, đô thị của thành phố. Theo Thỏa thuận nguyên tắc, phía Daewon được TP Đà Nẵng chấp thuận đầu tư vào khu đất 240ha (quận Hải Châu-Đà Nẵng) để xây dựng khu phức hợp đô thị này, với mục tiêu là xây dựng thành phố vườn ươm công nghệ thông tin quốc tế; phát triển khu trung tâm thương mại – khách sạn – căn hộ cao cấp (tầng cao khoảng 33 tầng), khu biệt thư, trường quốc tế, trung tâm thể thao, các dịch vụ vui chơi, giải trí phục vụ du khách trong và ngoài nước; xây dựng sân Golf 27 lỗ. Tổng vốn đầu tư cho dự án ước tính là 300 triệu USD.

Sau khi được chấp thuận, chủ đầu tư đã tiến hành các thủ tục để triển khai dự án. Từ năm 2007 – 2016, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành một loạt văn bản pháp lý:

Phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án; quyết định thu hồi đất, cho Công ty TNHH Daewon Cantavil thuê; Giấy phép số 7045/GP-UBND “ khai thác cát làm vật liệu san nền” phục vụ thi công dự án; Giấy phép xây dựng số 810/GPXD về việc thi công đê biển và san lấp... Ngày 29-4-2011, Sở Xây dựng Đà Nẵng ban hành Văn bản số 1299/SXD-QLXD về việc công nhận hoàn thành đê chắn sóng, san lấp (giai đoạn 1) Khu đô thị mới Quốc tế Đa Phước. Ngày 30/11/2016, Sở Xây dựng Đà Nẵng tiếp tục có Văn bản 11826/SXD-QLKT về việc tiếp tục thi công đập chắn sóng và san lấp dự án Khu đô thị mới Quốc tế Đa Phước.

Trong 10 năm, chủ đầu tư đã bỏ ra khoảng 40 triệu USD để san lấp vùng biển sâu, san nền, thi công đê chắn sóng, hình thành hạ tầng ban đầu cho dự án.

Tính từ năm 2007 đến 2011, Daewon Cantavil đã san lấp được 112 ha, trong đó Daewon đã giao cho Đà Nẵng 29 ha và sau đó lại giao tiếp 25 ha theo yêu cầu của thành phố làm Trung tâm văn hóa thể thao. Theo quy hoạch được phê duyệt Daewon còn phải lấn biển tiếp 123 ha cho giai đoạn 2 của dự án, cho đủ 181 ha. Giai đoạn 1 lấn biển đã hoàn thành, Daewon chuẩn bị kế hoạch để xây dựng các công trình.

Tuy nhiên, đến năm 2016, do gặp nhiều trở ngại, Daewon không thể tiếp tục triển khai dự án. Với một hạ tầng đồ sộ đã hình thành nhưng đứng trước nguy cơ bị dừng lại, dậm chân tại chỗ, gây thách thức cho quá trình phát triển đô thị ở Đà Nẵng. Năm 2016, sau nhiều lựa chọn, Daewon quyết định chuyển nhượng toàn bộ vốn đã góp vào dự án này cho Công ty CP Nova –Bắc Nam 79 của Việt Nam. Tháng 1-2017, Nova-Bắc Nam 79 đổi tên Công ty TNHH Daewon Cantavil thành Công ty TNHH Sunrise Bay.

Tiếp nhận dự án từ nhà đầu tư Hàn Quốc, Công ty CP Nova –Bắc Nam 79 đã xác định phải triển khai thành công dự án. Công ty này cũng đã nghiêm túc thực hiện các nội dung trong “Thảo thuận nguyên tắc” ký kết năm 2006 giữa phía Daewon và TP Đà Nẵng. Một trong những việc đầu tiên là Công ty CP Nova –Bắc Nam 79 đã thanh toán nghĩa vụ tài chính và phần lãi phạt chậm nộp với số tiền gần 17 triệu USD mà phía Daewon để lại.

Ngổn ngang công việc
Những ngày này, tại Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước thực sự là một công trường lớn khi nhà đầu tư đang ngày đêm lấp biển, kè đê. Thực tế cho thấy, để biến một khu vực biển sâu thành hạ tầng phục vụ xây dựng đô thị là một việc hoàn toàn không đơn giản. Để đối mặt với thiên nhiên, việc thi công phải duy trì thường xuyên, không được ngắt quãng.

Để triển khai dự án, thời gian qua, Công ty CP Nova –Bắc Nam 79 phải tiến hành điều chỉnh lại tổng mặt bằng, triển khai một số tiện ích hạ tầng và ký hợp đồng với nhà thầu xây dựng lấn biển tiếp cho giai đoạn 2. Sau khi nhận chuyển nhượng, nhiệm vụ của Sunrise Bay là kế thừa các công việc của chủ đầu tư cũ, tiếp tục san lấp lấn biển giai đoạn 2 theo quy hoạch đã được duyệt (123 ha còn lại). Ngày 27-3-2017, UBND TP Đà Nẵng có Quyết định số 1443/QĐ-UBND chấp thuận Chủ trương đầu tư giai đoạn 1 (60ha) cho Sunrise Bay. Ngày 3-4-2017, UBND TP Đà Nẵng có Quyết định số 1792/UBND về phê duyệt điều chỉnh Tổng mặt bằng 1/500 của dự án. Ngày 4-4-2017, Sở Xây dựng Đà Nẵng có văn bản số 2722/SXD-TTS cho phép chủ đầu tư tiếp tục thi công phần kè và san lấp mặt bằng.

Ngày 7-3-2017, chủ đầu tư đã nộp Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) lên Bộ Tài nguyên và Môi trường và chờ thời hạn trả kết quả là 19-5-2017. Thời gian qua, chủ đầu tư cũng nghiêm túc chấp hành các quy định về đầu tư, xây dựng, tập trung đẩy nhanh triển khai các phần việc đã được cơ quan chức năng cho phép.
Căn cứ hồ sơ pháp lý dự án cho thấy, việc lấn biển 112 ha cho giai đoạn 1 đã có ĐTM được phê duyệt và việc triển khai lấn biển trong 10 năm qua là hoàn toàn hợp pháp. Nhà thầu xây dựng cho giai đoạn này đã hoàn thành san lấp giai đoạn 1 từ năm 2011.

Do kế thừa, tiếp nhận từ phía Hàn Quốc nên một vấn đề nằm ngoài công việc thi công nhưng chủ đầu tư Sunrise Bay vẫn phải giải quyết đó là làm rõ những thông tin khác nhau về dự án. Đây cũng là điều rất cần thiết để dư luận, nhà đầu tư có cái nhìn chính xác về dự án.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/thoi_su/item/32724802-day-nhanh-tien-do-de-hien-thuc-hoa-%e2%80%9cvang-trang-khuyet%e2%80%9d-ven-bien.html