Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong thanh toán BHYT

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Miên tại cuộc làm việc với Bảo hiểm Xã hội (BHXH) thành phố về những vấn đề liên quan đến công tác BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) diễn ra vào ngày 17-3.

Nhiều đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN

Theo ông Đinh Văn Hiệp - Giám đốc BHXH TP Đà Nẵng, tính đến ngày 31-12-2016, toàn thành phố có hơn 218.200 người cùng tham gia BHXH, BHYT bắt buộc; hơn 720.000 người chỉ tham gia BHYT bắt buộc, gần 211.000 người tham gia BHTN, 1.368 người tham gia BHXH tự nguyện. Tổng số người tham gia BHYT trên địa bàn là gần 1,02 triệu người, độ bao phủ toàn dân đạt 96,4% trên tổng dân số thành phố (hơn 1,057 triệu người); số thu đạt gần 3.948 tỷ đồng (đạt 103,4% kế hoạch được giao), tăng hơn 595 tỷ đồng so với năm 2015. Tuy nhiên, số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN vẫn còn cao. Tính đến cuối tháng 2-2017, tổng số tiền nợ là 353,8 tỷ đồng, trong đó có 1.165 đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN từ 3 tháng trở lên với số tiền hơn 169 tỷ đồng.

Ông Đinh Văn Hiệp cho rằng, công tác thu nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Bởi, nhận thức của một số chủ sử dụng lao động còn hạn chế, chưa trích nộp tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN hàng tháng kịp thời, dẫn đến số nợ lũy kế cao. Vì vậy, khi đơn vị gặp khó khăn thì khó tìm nguồn tiền để bù đắp gây ra các hành vi chậm đóng, trốn đóng, chiếm dụng quỹ BHXH. Bên cạnh đó, công cụ quản lý và giám sát hoạt động của các doanh nghiệp ngay từ khâu đăng ký, cấp phép thành lập đến quá trình hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp chưa có hệ thống. Điều này dẫn đến khó khăn trong công tác phát triển đối tượng và thu hồi nợ, nợ đọng BHXH, BHYT khi doanh nghiệp giải thể, phá sản hoặc doanh nghiệp mất tích, chủ doanh nghiệp bỏ trốn.

Bên cạnh đó, những đơn vị mất tích, không còn hoạt động, không có người quản lý, điều hành và những đơn vị chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, có chủ bỏ trốn dẫn đến tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN gần như không có khả năng thu hồi. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chưa có hướng dẫn xử lý, giải quyết, vì vậy ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động trong công tác giải quyết chế độ hưởng BHXH, BHYT, BHTN cũng như chấm dứt hợp đồng đối với người lao động… Đặc biệt, một số doanh nghiệp cố tình lách luật, không đóng kịp thời BHXH, BHTN hàng tháng mà cố tình chậm đóng, chiếm dụng quỹ BHXH, BHTN (trong vòng 30 ngày) để phục vụ cho mục đích kinh doanh…

Nguyên nhân của tình trạng chi phí KCB BHYT năm 2016 tại Đà Nẵng tăng cao là do điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư 37.

Gia tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT

Trong năm 2016, BHXH TP Đà Nẵng đã phối hợp với Sở Y tế thành phố, các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) trên địa bàn đảm bảo quyền lợi KCB cho người có thẻ BHYT, kịp thời tháo gỡ, giải quyết các vướng mắc phát sinh trong KCB BHYT. Đồng thời, triển khai thực hiện kịp thời Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; các quy định mới của Luật BHYT như: Quy định về thông tuyến khám chữa bệnh tuyến huyện, quy định về điều chỉnh giá viện phí theo hướng tính đúng, tính đủ. Năm 2016, BHXH TP đã thanh toán chi phí KCB BHYT cho hơn 2,976 lượt người (năm 2015 là hơn 2,78 triệu lượt), với số tiền hơn 1.600 tỷ đồng (2015 là hơn 1.133 tỷ đồng).

Theo ông Đinh Văn Hiệp, trước tình hình chi phí KCB BHYT gia tăng bất thường trong năm 2016, BHXH TP đã tập trung phân tích, đánh giá, tìm ra nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng chi phí KCB BHYT, đồng thời đề ra những giải pháp cụ thể nhằm hạn chế tình trạng lãng phí, lạm dụng BHYT. Ngoài ra, BHXH TP cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chi phí KCB BHYT, đặc biệt tại các cơ sở KCB BHYT có chi phí tăng cao, bất thường; tổ chức thẩm định lại toàn bộ chi phí KCB BHYT tại các cơ sở y tế bội chi quỹ KCB BHYT lớn…

"Nguyên nhân của tình trạng chi phí KCB BHYT năm 2016 tăng cao là do điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC, mức giá dịch vụ y tế tăng cao, đặc biệt là công tác khám bệnh, ngày giường bệnh, các phẫu thuật, thủ thuật. Ngoài ra, quy định thông tuyến KCB làm tăng chi phí KCB do tăng tần suất KCB, đặc biệt ở bệnh viện tuyến huyện. Một nguyên nhân khác nữa là do lạm thu, trục lợi quỹ KCB BHYT từ một số người tham gia BHYT và một số cơ sở KCB BHYT. Trong năm 2016, BHXH TP đã xuất toán và thu hồi về quỹ BHYT các chi phí KCB BHYT không đúng quy định tại 6 cơ sở KCB BHYT với số tiền 806,25 triệu đồng", ông Đinh Văn Hiệp cho biết.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Văn Miên đánh giá cao những kết quả mà BHXH TP đã đạt được trong thời gian qua. Để tạo điều kiện cho BHXH TP tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị các sở, ban ngành, các tổ chức đoàn thể tiếp tục tăng cường công tác phối hợp nhằm thực hiện đạt kết quả Chương trình hành động số 26-CTr/TU của Thành ủy Đà Nẵng thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020" và Kế hoạch số 8190/KH-UBND của UBND TP. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan, các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn thành phố xây dựng kế hoạch, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý KCB và thanh toán BHYT, đảm bảo trích xuất được đầy đủ, đúng, thường xuyên, liên tục, đảm bảo chất lượng các dữ liệu điện tử về KCB BHYT và dữ liệu yêu cầu thanh toán chi phí KCB BHYT gửi tới Cổng tiếp nhận thanh toán BHYT của BHXH Việt Nam; tiếp tục quan tâm, hỗ trợ BHXH TP trong công tác thu, thu nợ, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Ngoài ra, UBND các quận, huyện, các đơn vị liên quan tích cực phối hợp với cơ quan BHXH trong việc rà soát, bàn giao sổ BHXH cho người lao động theo quy định của Luật BHXH năm 2014.

Lê Hùng

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/119_163335_day-nhanh-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-trong-thanh.aspx