Dạy trẻ khuyết tật ở ngôi trường đặc biệt

Có một ngôi trường mà giáo viên trở thành những thầy cô đặc biệt. Ở đó, gánh nặng chăm lo cho những cô cậu "học trò đặc biệt" đã biến những người thầy người cô ở đây thành những bậc cha mẹ. Gánh lấy, bù đắp những cảnh đời mang trên mình nhiều thiếu sót của tạo hóa, những giáo viên trường dạy nghề tàn tật đến lớp không chỉ với tư cách của một người đi dạy bình thường.

Trung tâm dạy nghề người tàn tật thuộc địa phận xã Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, nằm ở ngã rẽ của nhiều con đường, đường thiên lý Bắc Nam (QL 1A), đường đi vào khu công nghiệp Bắc Vinh cùng con đường xuôi xuống bãi biển Cửa Lò. Tìm gặp giám đốc, thấy đang xuống dưới lớp để giải quyết vụ việc, mà thầy cô giáo đứng lớp phải cầu cứu đến ông. Mang chức danh Giám đốc của Trung tâm giáo dục dạy nghề người tàn tật lọt thỏm trong khu dân cư vắng lặng này, nhưng nhiều hôm ông Trần Văn Mão phải chạy lên chạy xuống như thế. Nghe thầy cô ở đây rầm rì kể, có bé gái, thấy cô quay lên lớp, ngứa răng cạp lở cả mảng tường, cô hoảng hốt đánh vật lôi ra thấy nhăn răng cười trắng toát. Mấy em khác không biết trợ giúp, chỉ biết nhảy choi choi bên cạnh. Có thầy giáo dựng xe vào dạy, hết tiết chạy ra thấy yên xe nát bét vết dao lam, mà thủ phạm cứ đứng nhìn thầy "vô tội". Có cậu học trò, đang mưa, trèo lên cây phượng vĩ, trật tay rơi xuống, bật cười ngặt nghẽo, giáo viên chỉ trực suy tim.. Thầy Mão nhiều khi vẫn phải xuống lớp để chỉ dẫn. Ông Mão kể chuyện các thầy nơi đây, có những đêm khuya khoắt, chuông điện thoại réo rắt reo, cuống cuồng chạy đến trung tâm, vợ chờ mãi chẳng thấy về... Hôm sau, đặt chân đến bậu cửa, vợ quay lưng hờn dỗi, "em lấy anh như lấy Cảnh sát hình sự, răng không đi luôn", nhìn mặt chồng lúc đó không nhận ra là cười hay sắp mếu. Bởi cổng trường ngay sát đường 1, người ta chen lấn lên xe, lớ rớ đứng gần thế là thành hành khách. Đến bến, nhà xe phát hoảng, cho xuống không nỡ, đành tạt vào trụ sở Công an nhờ trông hộ. May mà nhờ tiên liệu trước, em nào cũng có một tờ giấy địa chỉ gấp nhỏ như đồng xu, nhét vào dây đeo cổ. Người ta cứ thế mà lần ra. Đưa chưa kịp em đi Nghĩa Đàn về, lại nghe báo có em lạc ra mãi tận đâu như Hà Nội, Hà Nam.. Lại tức tốc đánh xe, mấy thầy cô mướt mát cho đến khi tìm thấy. Nói chẳng ăn thua, trách chẳng vừa, thầy mếu máo mà trò cứ nhăn nhở. Ôm trò vào lòng ngủ ngon lành mà không biết còn mấy lần như thế nữa. Các thầy cô chia sẻ, cũng chẳng phải em nào vào trường cũng phải chạy đi tìm như vậy cả, các em vào trường từ thuở mười ba (13 tuổi - quy định của Nhà nước) xa nhà, xa cha mẹ, đa phần nhát gan không dám ra khỏi cổng trung tâm. Trường gói gọn đào tạo vừa học văn hóa, vừa dạy nghề, nghề mộc dân dụng, may, thêu, vi tính đủ cả. Nhưng như thổ lộ của Trưởng Trung tâm Mão thì nhiều em, nhiều gia đình mong mỏi ở trung tâm là một nơi cứu giúp, nhưng nhiều gia đình cho con vào như gán nợ cho đời, gán cho thầy cô lo hộ. 250 em là 250 con đường đưa đến trung tâm. Đa phần các em bị khiếm khuyết chức năng nghe, thấy, nói, có em ảnh hưởng bởi bại não, thiểu năng trí tuệ lúc vào đến giờ vẫn cứ ngẩn ngơ, có em tật vận động nhìn bé loắt choắt như con gà nhỏ. Với 250 học sinh đặc biệt, 40 thầy cô giáo nơi đây phải vừa dạy, vừa trông coi. Với số lượng gần 190 em câm điếc, chiếm tỷ lệ lớn nhất, đây là số học sinh có khả năng tiếp thu tốt. Các thầy, cô giáo nơi đây phải tận tâm bày dạy từng đường kim mũi chỉ, từng nét khắc chạm trổ trên gỗ. Bày nhiều, dạy nhiều với cái tâm của người giáo viên, nhưng khi các em đổi tính đổi nết thì thầy cô lại trở thành vú em bất cứ khi nào. Nhiều khi thương các em, thương các bậc phụ huynh gửi gắm mà không nỡ trả về. Phải lo cho các em cái nghề mà đương đầu với cuộc sống. Không biết có phải kinh nghiệm hay không, hay là quen lời răn dạy với các thầy cô mới vào mà ông Mão cứ chặn chặn nói với tôi "không được bức xúc, không được bức xúc với bọn nhỏ". Các em vào được Trung tâm không phải lo mấy về nơi ăn chốn ở, Nhà nước cấp cho 240 ngàn đồng/tháng tiền ăn, gia đình góp thêm 60 ngàn thế là cũng tạm ổn. Nhưng vẫn còn trăn trở, Trung tâm là đơn vị công lập, tỉnh mình lại đang thiếu thốn. Đi các thành phố lớn khác họ được ngân sách và doanh nghiệp ngoài hỗ trợ, nhiều khi thấy thèm, thấy tiếc cho lứa học trò mình. Thầy cô ở đây đều phải học thêm chương trình dạy trẻ chuyên biệt, hàng năm cứ phải tính toán đều đặn cử ra tận Đại học Sư phạm I học về những giáo trình đặc biệt. Nhưng cái khoản khóc trước học trò thì nhiều khi chẳng trường nào giảng, có cô đang dạy lại thút thít, có thầy đỏ mặt tía tai ra ngoài lớp hít thở rồi lại… trở vào. Trò vô tình lỡ ném vào cô thầy, trò "lên đồng" biến lớp học thành bãi chiến trường, tội nhất mấy cô cái thuở mới vào, nói khản cổ không được đến phát khóc. Trò như hối lỗi, cô gạt nước mắt, lớp tiếp tục học, im lìm như chưa từng xao động. Đã có những em ra trường kiếm tìm được đất sống, nhưng cũng còn nhiều em cùng gia đình phải chật vật trong cuộc mưu sinh gắng gượng. Không biết với các em con đường cuộc sống sẽ mỉm cười với điều may mắn nào, nhưng chắc chắn là lớp học trẻ con với những thầy cô biết khóc hẳn là đặc biệt trong quãng đời còn thiếu hụt của các em

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2009/10/121022.cand