Dạy và học thích nghi chuyển đổi số

Nhiều cơ sở giáo dục từ phổ thông đến cao đẳng, đại học tại TP HCM đã chủ động đổi mới, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào dạy và học.

Dù mới được thành lập chưa lâu nhưng Khoa Truyền thông Văn hóa (Trường Đại học Văn hóa TPHCM) là một trong số ngành học chủ động từ rất sớm trong áp dụng các phương pháp giảng dạy mới ngay từ khi phong trào chuyển đổi số vừa được phát động trong toàn hệ thống giáo dục đào tạo.

Đỗ Thị Phương Nguyệt - sinh viên khóa 9 của Khoa Truyền thông Văn hóa cho biết, hiện nay hầu hết các môn đại cương đều được giảng viên sử dụng các tài liệu điện tử (sách điện tử, file pdf,…) để truyền đạt đến người học. Ngay cả các môn học chuyên ngành cũng được học qua hình thức tiết học trực tuyến, thảo luận nhóm trực tuyến (qua Zoom video hoặc trình chiếu Google Meet).

Còn Ngô Tiến Dũng - sinh viên năm 3 Trường Cao đẳng (CĐ) Công thương TPHCM cho biết: Quá trình đại cương, chúng em được học chuyên đề về quản trị khách sạn thông qua trình chiếu không gian ảo, rất thú vị. Chỉ qua một tiết học 45 phút nhưng sinh viên có thể hình dung được rất cụ thể từ không gian, phòng ốc, cách quản lý cũng như vận hành của một tòa nhà khách sạn 4-5 sao hoặc có hình dung rất thực tế về các công việc của quản lý, nhân viên, bếp trưởng… của một khách sạn.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin và các thiết bị chuyển đổi số vào giảng dạy đã thay đổi hoàn toàn tư duy và phương pháp giảng dạy truyền thống trước đây. ThS Võ Thành Trung - Phòng Quản lý đào tạo của Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức (TPHCM) cho biết, ngoài đẩy mạnh chuyển đổi số trong dạy và học, hiện nay trường này còn xây dựng website đăng ký tuyển sinh, nhập học trực tuyến dành cho tân sinh viên. Bên cạnh đó, trường cũng thực hiện số hóa dữ liệu gốc, cung cấp dịch vụ quản lý đào tạo, hỗ trợ sinh viên đã tốt nghiệp. Do đó, rất nhiều sinh viên sau khi ra trường có nhu cầu sao lưu kết quả học tập từ sổ gốc của trường.

Kể từ khi áp dụng các tiết học ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số về giáo trình, tài liệu giảng dạy, ThS Nguyễn Thị Phương Thùy - giảng viên Khoa Công nghệ thông tin (Trường CĐ Kinh tế TPHCM) đánh giá, các lớp học chuyển đổi số đã thu hút sinh viên nhờ khuyến khích và phát huy tính sáng tạo, tinh thần khám phá của người học. Tuy nhiên, cũng theo bà Thùy, để hiệu quả hơn việc tận dụng chuyển đổi số trong giảng dạy cần đa dạng về hình thức, tránh khuôn mẫu và hạn chế chỉ tương tác một chiều. Phía giảng viên cũng luôn ý thức việc thay đổi liên tục phương pháp giảng dạy, đa dạng hóa tài liệu học tập, áp dụng môi trường học linh hoạt và tăng cường nhiều tiết học thực hành, đánh giá và khảo sát phản hồi của người học sau mỗi tiết học.

ThS Chung Ngọc Quế Chi - giảng viên Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM cho rằng, chuyển đổi số và phát triển năng lực số cho giảng viên là giải pháp chiến lược và lâu dài, cần sự quyết tâm cao của nhà quản lý cũng như sự đồng thuận của đội ngũ giảng viên trong tập thể. Bên cạnh đó, cần chính sách để bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên; đầu tư về cơ sở vật chất; tăng cường sự hợp tác trong việc thực hiện chuyển đổi số. Bản thân một lớp học không thể chuyển đổi số nếu giảng viên chưa cập nhật tư duy giảng dạy.

LÊ ANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/day-va-hoc-thich-nghi-chuyen-doi-so-5726007.html