ĐBQH: Tính lan tỏa của Quốc hội đã vượt ra ngoài phòng họp Diên Hồng

Theo tinh thần tiếp tục đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, Quốc hội đã tiếp tục phát huy và có nhiều đổi mới, được ĐBQH và cử tri đồng tình ủng hộ.

Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV đã khép lại và được đánh giá là một kỳ họp có chất lượng cao với những đổi mới trong chương trình hoạt động, đặc biệt là sự chuẩn bị kỹ lưỡng của UBTV Quốc hội.

PV Infonet đã ghi lại ý kiến của một số Đại biểu Quốc hội về chất lượng và những đổi mới của kỳ họp này.

ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình): Nổi bật nhất là phần chất vấn

“Tại kỳ họp này, có thể nói nổi bật nhất là phần chất vấn, với tinh thần rất thẳng thắn và trách nhiệm. Qua những cuộc chất vấn này, các ĐBQH nói lên tiếng nói của cử tri, của nhân dân cả nước đến những cơ quan hữu quan có trách nhiệm; những điều nhân dân và cử tri chưa hài lòng cũng được các cơ quan có trách nhiệm giải trình.

Điều quan trọng nhất là lãnh đạo các Bộ, ngành nhận thấy những thiếu sót thuộc trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của cơ quan mình, và đã có những lời hứa trước Quốc hội và cử tri cả nước, để tiếp tục sửa chữa, khắc phục những thiếu sót đó.

Thứ hai, sự điều hành của lãnh đạo Quốc hội trong kỳ họp này cũng đã có sự uyển chuyển. Những vấn đề phát sinh qua thực tiễn có sự điều chỉnh chương trình kỳ họp cho phù hợp với yêu cầu nội dung kỳ họp. Những vấn đề lớn cũng đã được Quốc hội tổ chức thảo luận thêm; cách chỉ đạo, điều hành xây dựng nội dung đã có những đổi mới.

ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình).

Tinh thần tranh luận của kỳ họp này rất sôi nổi, đây là điều rất tốt, cần được phát huy hơn nữa. Tôi cho rằng để hoạt động của các kỳ họp tốt hơn nữa, cần bố trí thời gian để Đại biểu được nói hết. Khi xuất phát những tranh luận cần phải tranh luận ngay vì đang đi theo mạch vấn đề ấy.

Có những vấn đề cần phải nói ra Quốc hội để tạo sự tranh luận, để đi đến sự thống nhất. Những góp ý bằng văn bản cũng tốt nhưng chưa tạo ra được không khí tranh luận để những quyết định cuối cùng của Quốc hội thực sự là chất xám”.

ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long): Có 2 thay đổi cơ bản

“Có thể thấy 2 thay đổi cơ bản. Thứ nhất là hoạt động giám sát của Quốc hội. Quốc hội đã dành thời gian thỏa đáng hơn để thông qua phần chất vấn và trả lời chất vấn cũng như thảo luận về kinh tế xã hội, để đáp ứng yêu cầu, mong muốn của cử tri cũng như ĐBQH. Điều này thể hiện qua việc khi thảo luận về KT-XH, Quốc hội đã kéo dài thời gian thảo luận thêm 1,5 tiếng.

Với việc chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, thông thường chỉ dành 2,5 ngày, nhưng tại kỳ họp này đã nâng lên thành 3 ngày. Hai điều chỉnh này được thực hiện ngay trong kỳ họp, đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của cử tri cũng như ĐBQH, thể hiện sự linh hoạt của lãnh đạo Quốc hội cũng như của Quốc hội trong việc xây dựng chương trình.

Từ việc xây dựng chương trình nội dung kỳ họp, Quốc hội thấy nội dung nào đã đạt chất lượng chuẩn bị kỹ lưỡng thì đưa vào chương trình thảo luận để thông qua; nội dung nào chưa phù hợp, chưa chuẩn bị kỹ thì không đưa vào chương trình. Như vậy đã có sự chú ý đến chất lượng hơn là số lượng các dự án luật. Việc chuẩn bị kỹ lưỡng trên cơ sở coi trọng chất lượng như vậy đã thể hiện việc Quốc hội càng ngày càng coi trọng yếu tố chất lượng trong hoạt động của Quốc hội.

ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long)

Xét riêng theo góc độ điều hành của lãnh đạo Quốc hội, khi thấy những nội dung mà Đại biểu và cử tri quan tâm đề xuất với Quốc hội điều chỉnh kịp thời ngay trong kỳ họp. Đó là những điểm mới dễ thấy so với các kỳ họp trước.

Đối với phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ, có thể nói thời gian đảm nhiệm nhiệm vụ của các Bộ trưởng là chưa lâu, ngoại trừ Bộ trưởng Bộ Y tế là thành viên cũ của Chính phủ. Tuy nhiên, các Bộ trưởng đã nắm bắt vấn đề rất chắc, toàn diện, hiểu rõ công việc của ngành mình đảm nhiệm; xác định rõ trách nhiệm của mình, của ngành mình, đặc biệt là nhận thức được những tồn tại hạn chế của ngành mình, qua đó xác định được những giải pháp khắc phục.

Dĩ nhiên, mức độ có khác nhau, có những Bộ trưởng cũng chưa hiểu thật sâu, có Bộ trưởng mới thừa nhân trách nhiệm của ngành mình chứ chưa đề ra được giải pháp và lộ trình cụ thể để khắc phục”.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre): Tính lan tỏa của Quốc hội đã vượt ra ngoài phòng họp Diên Hồng

“Bất kỳ một kỳ họp Quốc hội nào đều có thành công, góc độ khác nhau bởi vấn đề được quyết của chúng ta không giống nhau. Nhưng kỳ họp này là một trong những kỳ họp thành công vì đã đưa ra thảo luận và quyết định những vấn đề rất quan trọng.

Tôi nghĩa rằng, không chỉ là vấn đề giải quyết trong hội trường, giải quyết trong phạm vi các đạo luật mà tính lan tỏa của các hoạt động của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội đã vượt ra ngoài phòng họp Diên Hồng, nên giúp cho các cơ quan nhà nước vào cuộc trong nhiều khía cạnh khác nhau.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre).

Nếu đánh giá thành công của kỳ họp thì đánh giá cả thành công trực tiếp và gián tiếp. Vừa qua, trong phiên chất vấn, sự giám sát trực tiếp của Quốc hội và đại biểu Quốc hội với các trưởng ngành, Chính phủ, đó là những cái rất thành công. Việc chất vấn đã thể hiện tính dân chủ cao, tính tranh luận cao giữa đại biểu Quốc hội với các thành viên Chính phủ và tranh luận giữa các đại biểu với nhau. Như vậy, cùng nhau xây dựng để tìm ra một giải pháp đầy đủ, khách quan, toàn diện và đúng đắn nhất, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc”.

ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An): Các Bộ trưởng rất cầu thị

“Có thể nói kỳ họp đã thành công tốt đẹp, bảo đảm chất lượng, đáp ứng được kỳ vọng của cử tri. Kết quả đó xuất phát từ việc chuẩn bị của các cơ quan chức năng đã cung cấp các nội dung chương trình nghị sự, cũng như chuẩn bị các nội dung có liên quan về KT-XH, dự thảo Nghị quyết, văn bản pháp luật, dự thảo luật để giúp các Đại biểu Quốc hội có được thông tin đầy đủ để trên cơ sở đó nghiên cứu và cùng với tập thể Quốc hội quyết định, quyết nghị các vấn đề trọng đại của đất nước về KT-XH nhằm khắc phục tồn tại hạn chế thiếu sót trong phát triển KT-XH của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An).

Tôi thấy rằng ấn tượng nhất kỳ họp lần này là đổi mới phương pháp điều hành của chủ tọa kỳ họp, đặc biệt là vấn đề tăng thêm thời gian cho hoạt động chất vấn.

Trong phần chất vấn các thành viên Chính phủ, về cơ bản các Bộ trưởng rất cầu thị khi nhận trách nhiệm về phía mình. Tuy nhiên, trong thực tiễn cũng xảy ra một tình trạng là một số Bộ trưởng khi hứa rồi nhưng quá trình triển khai thực hiện thì các giải pháp chưa bảo đảm tính khả thi, hiệu quả chưa cao. Còn có hiện tượng hứa rồi để đó”.

Nguyễn Tuân

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/dbqh-tinh-lan-toa-cua-quoc-hoi-da-vuot-ra-ngoai-phong-hop-dien-hong-post230130.info