Để bán hàng đa cấp hoạt động đúng theo pháp luật: Người dân cũng đóng vai trò quan trọng

Việc Bộ Công Thương “mạnh tay” xử lý các công ty bán hàng đa cấp (BHĐC) vi phạm pháp luật, được nhiều người tin tưởng hoạt động BHĐC sẽ đi về đúng quỹ đạo. Tuy nhiên, không ít người tỏ ra nghi ngại rằng, liệu các công ty này có hồi sinh?.

Tự xin dừng hoạt động trước khi bị xử lý

Theo thông báo của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) sáng ngày 25/4, Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh (TNMU) đã chủ động nộp hồ sơ chấm dứt hoạt động BHĐC. Trước đó, Cục Quản lý cạnh tranh đã phạt tiền công ty này 140 triệu đồng đối với 3 hành vi vi phạm: Ký hợp đồng tham gia BHĐC với người tham gia không bao gồm đầy đủ các nội dung cơ bản theo quy định của pháp luật; không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đào tạo cơ bản về BHĐC cho người tham gia theo quy định pháp luật; duy trì nhiều hơn một mã số kinh doanh đa cấp đối với cùng một người tham gia BHĐC.

Một trụ sở của công ty Thiên Ngọc Minh Uy.

Ngoài ra, TNMU cũng bị cơ quan chức năng xử phạt 75 triệu đồng đối với một số sai phạm khác. Trong khi đó, theo báo cáo của các Sở Công Thương, năm 2016, Cty TNMU cùng các đại lý và người tham gia BHĐC của mình đã thực hiện 80 lượt vi phạm đối với 13 hành vi quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP và pháp luật có liên quan tại 34 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bị xử phạt tổng cộng hơn 1,5 tỷ đồng.

Trước việc Công ty TNMU xin chấm dứt hoạt động BHĐC, Bộ Công Thương đã tiến hành quy trình chấm dứt hoạt động để công ty giải quyết quyền lợi của người tham gia bán hàng. “Quan điểm của Bộ Công Thương là xử lý nghiêm minh các vi phạm của TNMU. Tuy nhiên, vừa qua, TNMU đã chủ động nộp hồ sơ chấm dứt hoạt động BHĐC. Do đó, BCT đã tiến hành quy trình chấm dứt hoạt động để công ty giải quyết quyền lợi của người tham gia BHĐC. Như vậy, sau khi chấm dứt hoạt động BHĐC, TNMU có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ đối với người tham gia theo quy định”, thông báo viết.

Bàn về vấn đề này, Luật sư Đăng Sơn (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, sau khi TNMU xin tạm dừng hoạt động, BCT đã yêu cầu phía Cty phải có trách nhiệm với người tham gia mạng lưới BHĐC với TNMU, các thành viên tham gia chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong vấn đề rút vốn, và việc chờ được bồi thường sẽ càng khó khăn hơn rất nhiều. “Tôi nghĩ, tất cả những người này khi đã tham gia vào hoạt động BHĐC đều hiểu rất rõ họ đang làm gì và họ phải tự chịu trách nhiệm với chính mình. Vì thế, họ sẵn sàng chấp nhận rủi do và khi Cty ngừng hoạt động họ sẽ chỉ thu hồi được một số vốn nhất định. Đây là cuộc chơi và họ chấp nhận điều đó”, ông Sơn nói.

Liệu có hồi sinh?

Việc mạnh tay xử lý các Công ty BHĐC vi phạm mục đích hoạt động trong thời gian qua cho thấy, ngành Công Thương đã và đang có những động thái cụ thể nhằm chấn chỉnh hoạt động của loại hình kinh doanh này và nhận được nhiều tín hiệu tích cực từ người dân. Tuy nhiên không ít người tỏ ra nghi ngại và cho rằng, liệu các Cty này có thật sự bị “xóa sổ”, hay họ chỉ “tạm nghỉ” và sẽ chờ thời cơ để hồi sinh hoặc sẽ được chuyển hóa hoạt động dưới danh nghĩa một công ty khác.

Cùng chung quan điểm trên, đồng thời đưa ra kiến nghị về những giải pháp nhằm nâng cao công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh BHĐC. Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để tăng cường quản lý lĩnh vực này, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục xử lý nghiêm các vi phạm của Cty BHĐC và rút giấy phép nếu doanh nghiệp hoạt động không đúng theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, người tham gia BHĐC cần tìm hiểu kỹ các quy định, nội dung tài liệu trước khi ký kết hợp đồng với DN, đặc biệt cần ý thức rõ về trách nhiệm của mình khi đặt bút ký tham gia BHĐC. Làm được như vậy BHĐC sẽ đi đúng quỹ đạo, hoạt động đúng pháp luật.

Sự lo ngại ấy không phải là không có cơ sở, bởi lẽ, ngay sau khi thông báo chính thức về việc tạm dừng hoạt động BHĐC, trên một Panpage được cho là của Công ty TNMU có đăng một bài viết với nội dung: “Thay đổi hay là chết”, trong đó có nêu TNMU chuyển lĩnh vực BHĐC cho một công ty con. Thông báo viết: “Công ty sẽ tách mảng kinh doanh đa cấp ra 1 mạng riêng theo Nghị định 42. Vậy lĩnh vực kinh doanh đa cấp mang tên TNMU hiện tại sẽ do công ty con của TNMU tên Công ty TNHH Nhã Khắc Lâm chuyên sâu mảng kinh doanh đa cấp. Vì vậy, Công ty TNMU không còn là đa cấp nữa, nên trả giấy chứng nhận đa cấp cho BCT”. Trước thông tin này nhiều người đặt câu hỏi, liệu TNMU có hồi sinh hay không?.

Đưa ra quan điểm của mình về vấn đề trên, chuyên gia kinh tế, T.S Đặng Đình Tiền cho rằng, nếu hồi sinh theo hướng tích cực và hoạt động theo đúng pháp luật, đúng bản chất của BHĐC thì hoàn toàn không có vấn đề gì. “Để BHĐC thực sự trở về đúng quỹ đạo của nó và song hành cùng với các loại hình kinh doanh khác trong sự phát triển chung của nền kinh tế, không phải là câu chuyện một sớm, một chiều. Điều quan trọng nhất vẫn là việc người dân cần thay đổi cách nghĩ, cách làm khi tham gia vào mạng lưới BHĐC. Sáng suốt lựa chọn các Cty hoạt động nghiêm túc và đúng pháp luật để tham gia. Làm được điều đó không chỉ tránh sự biến tướng của mạng lưới BHĐC, mà người tham gia cũng không phải chịu thiệt thòi, khi đó việc Cty BHĐC có hồi sinh hay không hồi sinh, không còn là vấn đề đáng ngại”, ông Tiền cho hay.

Cùng chung quan điểm trên, đồng thời đưa ra kiến nghị về những giải pháp nhằm nâng cao công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh BHĐC. Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để tăng cường quản lý lĩnh vực này, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục xử lý nghiêm các vi phạm của Cty BHĐC và rút giấy phép nếu doanh nghiệp hoạt động không đúng theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, người tham gia BHĐC cần tìm hiểu kỹ các quy định, nội dung tài liệu trước khi ký kết hợp đồng với DN, đặc biệt cần ý thức rõ về trách nhiệm của mình khi đặt bút ký tham gia BHĐC. Làm được như vậy BHĐC sẽ đi đúng quỹ đạo, hoạt động đúng pháp luật.

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/de-ban-hang-da-cap-hoat-dong-dung-theo-phap-luat-nguoi-dan-cung-dong-vai-tro-quan-trong-52337.html