Để các tuyến buýt ngoại thành mang lại niềm vui trọn vẹn

Ngày 19-6, Sở GT-VT Hà Nội phối hợp với Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã khai trương 3 tuyến buýt kết nối trung tâm thành phố với các khu vực ngoại thành là tuyến số 97, 98 và 99, trong niềm phấn khởi của nhân dân địa phương, nơi có tuyến buýt chạy qua.

Điểm trung chuyển xe buýt tại khu Trung tâm Thể thao Hoài Đức.

Lợi ích đem lại

Các tuyến buýt mới được mở gồm: tuyến 97 Công viên Nghĩa Đô - huyện Hoài Đức, tuyến số 98 Yên Phụ - Aeon Mall Long Biên và tuyến số 99 Kim Mã - Bệnh viện Nội Tiết Trung ương cơ sở 2.Sau hơn một tuần đi vào hoạt động, 3 tuyết buýt được người dân hồ hởi đón nhận vì đã phần nào giải quyết được nhu cầu đi lại bấy lâu nay của người dân.

Ghi nhận trên tuyến buýt số 97, do mới đi vào hoạt động, lượng khách chưa đông, chủ yếu là người trung tuổi và các ông, bà già.

Bà Nguyễn Thị Gái, xã Di Trạch (Hoài Đức) chia sẻ: “Từ ngày có tuyến xe buýt này, những người già như chúng tôi mới có điều kiện thuận lợi hơn để dẫn các cháu nhỏ vào trung tâm thành phố chơi. Đặc biệt, giá vé chỉ có 7.000 đồng/lượt, mà lại được ngồi trong không gian rộng rãi, thoáng mát, an toàn. Thích lắm!”.

Nhiều người làm nghề buôn bán tại chợ Canh cũng chọn tuyến buýt này để di chuyển hằng ngày.

Tuyến buýt số 98 Yên Phụ - Aeon Mall Long Biên, mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng lượng khách khá đông, tập trung vào khung giờ cao điểm từ 17 đến 18 giờ. Do lộ trình của tuyến trùng với các trục giao thông chính nên người dân, học sinh, sinh viên đã có thêm sự lựa chọn.

Chị Nguyễn Thu Hương (Yên Phụ, Tây Hồ) cho biết: “Công ty của tôi ở phố Ngô Gia Tự (Gia Lâm), trước kia tôi thường di chuyển bằng xe buýt số 17, nhưng từ khi có tuyến buýt số 98 thì tôi chuyển sang đi để đỡ phải chen chúc”.

Tuyến buýt này rất tiện lợi, kết nối trung tâm nội thành với siêu thị Aeon Mall nên những ngày cuối tuần, chị Hương cùng nhiều bậc phụ huynh khác thường đưa con em đến siêu thị chơi mà không phải lo đến việc đi lại trong thời tiết nắng nóng.

Còn tuyến số 99 kết nối trung tâm thành phố với Bệnh viện Nội Tiết Trung ương cơ sở 2 (huyện Thanh Trì) đã giúp những người già di chuyển đến nơi khám, chữa bệnh một cách dễ dàng và các học sinh, sinh viên có thêm sự lựa chọn, không còn phải chen lấn như khi chọn những tuyến buýt cũ.

Bà Nghiêm Thị Điều (Giảng Võ, Ba Đình) tâm sự: “Tôi bị bệnh về nội cơ xương khớp, thường xuyên phải đi thăm khám và lấy thuốc ở bệnh viện Nội Tiết. Trước đây, mỗi lần đi lấy thuốc, các con phải chở tôi đi rất vất vả, nhất là trong những ngày thời tiết không thuận lợi. Nhưng từ khi có tuyến buýt này, tôi đã có thể tự đi một mình”.

Những nhận xét ban đầu của người dân cho thấy, việc mở rộng vùng phục vụ xe buýt ra khu vực ngoại thành là một chủ trương đúng, giúp người dân ngoại thành có thể di chuyển bằng dịch vụ công cộng nhiều hơn, góp phần giải tỏa áp lực hành khách cho các tuyến buýt trục chính.

Cần sự điều chỉnh

Ông Nguyễn Thanh Quang, nhân viên lái xe buýt tuyến số 97 biển số 29B-188.65 cho biết, đa phần bà con ở huyện Hoài Đức phấn khởi khi có xe buýt về đến tận đầu làng. Nhưng cũng không ít người phàn nàn về việc cắm biển đón trả khách chưa hợp lý; những điểm đón trả khách thường được đặt quá xa khu dân cư, buộc người dân phải di chuyển quãng đường dài mới đến được điểm bắt xe.

Theo chị Nguyễn Thị Thùy (xã Sơn Đồng, Hoài Đức), nhiều người dân và học sinh ở thị trấn Trạm Trôi có nhu cầu di chuyển bằng xe buýt. Thế nhưng, điểm trung chuyển xe buýt lại nằm sâu trong khu vực khu Trung tâm thể thao Hoài Đức buộc mọi người phải đi bộ tới 1km.

Chị Nguyễn Thị Thùy chia sẻ: “Tôi làm công nhân cho một cơ sở trong thành phố. Tuần trước, có vài hôm tôi đi làm về muộn, điểm xuống gần nơi tôi gửi xe nhất lại nằm ở ngoài cánh đồng, cách ngã tư Sơn Đồng khoảng hơn 1km. Điều này khiến tôi và nhiều người khác có cảm giác không an toàn mỗi khi xuống xe và khá mệt khi phải đi bộ một quãng xa”.

Còn chị Phạm Thu Hồng, một người bán hàng tại chợ Canh nói: “Khu chợ Canh có nhiều người sử dụng xe buýt làm phương tiện di chuyển hằng ngày mà điểm bắt xe lại cách chợ hơn 1km nên khá bất cập. Chúng tôi đi làm về mệt mỏi, lại phải đi bộ nhiều nên cũng thấy rất bất tiện”. Ngoài ra, trên xe buýt có lắp bộ phát Wifi Free nhưng không sử dụng được, khiến những người muốn lên mạng đọc báo, xem phim… trong lúc di chuyển đường dài hơi "hụt hẫng".

Hi vọng, các bất cập về điểm đỗ và điểm trung chuyển sớm được cơ quan quản lí nghiên cứu, điều chỉnh lại cho phù hợp để các tuyến buýt ngoại thành mang lại niềm vui trọn vẹn hơn cho người dân.

Quang Thái

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/giao-thong/872239/de-cac-tuyen-buyt-ngoai-thanh-mang-lai-niem-vui-tron-ven