Đế chế La Mã diệt vong vì lý do gây sốc này?

Các nhà khoa học Đan Mạch mới cho hay nhiễm độc antimony và chì có thể là nguyên nhân khiến đế chế La Mã diệt vong.

Các nhà nghiên cứu Đan Mạch phát hiện lượng chất antimony ở mức độc hại trong một ống nước tại Pompeii, đô thị cổ của đế chế La Mã bị chôn vùi sau đợt phun trào thảm khốc của núi lửa Vesuvius năm 79.

Các nhà nghiên cứu Đan Mạch phát hiện lượng chất antimony ở mức độc hại trong một ống nước tại Pompeii, đô thị cổ của đế chế La Mã bị chôn vùi sau đợt phun trào thảm khốc của núi lửa Vesuvius năm 79.

Những ống nước độc hại này có thể góp phần khiến cư dân thời đó gặp tình trạng sức khỏe kém như nôn mửa, tiêu chảy, tổn thương gan, thận, hay thậm chí là ngừng tim.

Bên cạnh dấu vết của antimony, các ống nước của người La Mã thời cổ đại còn được làm bằng chì - kim loại nặng rất độc hại. Nhiều nhà sử học từng cho rằng việc sử dụng chì rộng rãi là nguyên nhân khiến đế chế La Mã sụp đổ.

"Người Hy Lạp biết chì rất độc, nhưng không hiểu sao kiến thức này lại thất truyền vào thời La Mã. Người La Mã chắc chắn không làm như vậy nếu biết đây là chất có độc. Họ dùng chì để làm ống nước, làm ngọt rượu, trám những lỗ nhỏ trong các cầu dẫn nước. Người La Mã sử dụng rất nhiều chì ", tác giả cuộc nghiên cứu, Kaare Lund Rasmussen tại ĐH Nam Đan Mạch cho biết.

Theo chuyên gia Lund, nước uống nhiễm chì rất nguy hiểm đến sức khỏe của người dân La Mã. Từ đó, các chuyên gia đưa ra một giả thuyết mới thay thế cho giả thuyết nhiễm độc chì để giải thích cho sự sụp đổ của đế chế La Mã hùng mạnh một thời.

Antimony độc hơn chì rất nhiều. Chỉ một lượng cực nhỏ chất này ngấm vào nước uống cũng sẽ gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Các chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu trên mảnh ống nước lấy từ Pompeii cho thấy lượng antimony ở mức độc hại cao.

Trong quặng chì mà người La Mã khai thác cũng có thể chứa lượng lớn chất độc nguy hiểm này.

Tính chắc chắn của giả thuyết mới phụ thuộc vào việc loại chì lẫn antimony này được sử dụng phổ biến như thế nào trong thời La Mã.

Để kiểm chứng kỹ hơn, nhóm nghiên cứu sẽ cần phải phân tích các mẫu ống nước bằng chì của người La Mã từ những nguồn khác.

Tuy nhiên, để làm được điều này không hề dễ dàng bởi các di sản văn hóa La Mã ở Italy được bảo vệ rất nghiêm ngặt nên cần được cấp phép mới có thể tiếp cận chúng.

Tâm Anh (theo Mail Online, IB Times)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/de-che-la-ma-diet-vong-vi-ly-do-gay-soc-nay-920280.html