'Để chung hay để riêng': Thể hiện trình độ sai bối cảnh, chuyên gia kinh tế nổi tiếng bị 'ném đá' dữ dội

"Trà sữa để chung hay để riêng" - Màn tranh luận thể hiện trình độ tại một quán trà sữa nổi tiếng ở Sài Gòn được đăng tải trên Fanpage lớn về kinh tế đã khiến cộng đồng mạng hết sức bất bình. Câu chuyện vốn dĩ đơn giản nhưng lại được nâng tầm vĩ mô, đúng hay sai?

“Anh/chị muốn để chung hay để riêng ạ?” - Là câu hỏi hết sức quen thuộc của giới trẻ Sài Gòn những năm gần đây, khi trào lưu trà sữa cao cấp trở nên phổ biến. Hầu hết hàng loạt thương hiệu lớn đều áp dụng câu hỏi này với mọi khách hàng để bảo đảm chất lượng phục vụ chu đáo đem lại tiện ích cao nhất cho khách hàng.

Đó chưa bao giờ là điều phiền muộn với đa số khách hàng. Tuy nhiên, trong những ngày vừa qua, khi cộng đồng mạng truyền tay nhau về một cuộc tranh luận, đúng hơn là “dạy dỗ” của người khách hàng khó tính dành cho một nhân viên khi được hỏi: “Anh muốn để riêng hay để chung?” - Vấn đề này lại trở nên vô cùng phức tạp.

Nguyên văn câu chuyện từ lời kể của vị chuyên gia kinh tế.

Câu chuyện xảy ra ở một chi nhánh của thương hiệu trà sữa K. nổi tiếng làm dấy lên làn sóng tranh cãi dữ dội về bài học kinh tế “khó hiểu” mà người viết đã rút ra từ câu hỏi “Để chung hay để riêng”?

Vị khách chuyên gia kinh tế này cho rằng những gì mà anh được hỏi xuất phát từ sự máy móc, vô cảm của nhân viên, anh cảm thấy không hài lòng về đẳng cấp phục vụ của tiệm trà sữa khi những chi tiết anh cho là nhỏ nhặt như vậy cũng không được chú ý đến.

Hầu như 99% người đọc đều lên tiếng phản đối kịch liệt thái độ, cách cư xử đúng kiểu “khách hàng là thượng đế” của vị khách này. Họ cho rằng đây là một vấn đề vô cùng bình thường, chẳng có gì khiến mọi người phải khó chịu khi nghe câu hỏi này cả. Vì một lẽ đơn giản, tất cả các tiệm trà sữa nổi tiếng hiện nay đều luôn trong tình trạng vô cùng đông khách, nếu nhân viên phải đoán xem mỗi người khách cần gì muốn gì thì tất cả mọi người sẽ phải chờ đợi đến bao giờ, trong khi khách hàng chỉ cần trả lời câu hỏi để chung để riêng hoặc nói trước yêu cầu của mình, có phải mọi việc sẽ suôn sẻ hơn rất nhiều.

Vị khách này dường như là người có hiểu biết sâu rộng về kinh tế, nhưng chia sẻ quan điểm theo cách dạy bảo trong bối cảnh ở một quán trà sữa đông đúc như vậy có lẽ không phải là điều hợp lý.

Ngoài ra, như trường hợp của người khách phàn nàn trên, anh đã khiến nhân viên tiệm trà sữa phải dùng đến tận 5 chiếc túi ni lông chỉ cho một đơn hàng, như vậy có phải quá lãng phí và gây ảnh hưởng đến môi trường không? - Nói một cách khác, tuy câu hỏi “Để chung hay để riêng” là khá máy móc, nhưng không thể phủ nhận nó đã giải quyết được nhiều vấn đề.

Vấn đề môi trường đã được nhắc đến trong không ít bình luận phản đối.

Đã có hơn 3.200 lượt chia sẻ, hàng ngàn comments và hơn 14.000 lượt yêu thích chỉ trong vòng chưa đầy một ngày khi bài viết được đăng tải trên Fanpage kinh tế. Những cuộc chiến nảy lửa giữa cộng đồng mạng, họ chia làm hai phe, phần lớn đứng về phía bạn nhân viên bán hàng, chỉ một số ít tỏ ra ủng hộ câu chuyện của vị chuyên gia kinh tế khi cho rằng dù khách hàng có yêu cầu như thế nào thì công việc của nhân viên là vui vẻ tiếp nhận. Nhưng hầu hết đều đồng tình với cách xử sự của bạn nhân viên trong trường hợp này vì họ đều nhận định trà sữa là loại cửa hàng dịch vụ nhanh, tiện lợi, không thuộc đẳng cấp 5 sao để bắt buộc nhân viên phải có đủ trình độ đọc tâm lý khách hàng.

Mỗi người một ý và có lý do riêng để sử dụng chung hoặc riêng bịch đựng, đó là lý do mỗi tiệm trà sữa đều quy định nhân viên phải hỏi mỗi khi đón tiếp một khách hàng mới. Đảm bảo người mua được thoải mái và đem lại lợi ích lớn nhất cho khách hàng là nhiệm vụ của một nhân viên bán hàng.

Theo một bạn đọc, ở nước ngoài, khi mua trà sữa, cafe bạn thậm chí phải trả tiền nếu muốn có túi nilon để bỏ đồ uống vào.

Cuộc tranh cãi vẫn chưa đến hồi kết, nếu là bạn, bạn có vui lòng trả lời câu hỏi mang tính bắt bẻ không cần thiết trên không?

Tuệ

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/xa-hoi/tin-nong/de-chung-hay-de-rieng-hien-trinh-sai-boi-canh-chuyen-gia-kinh-te-noi-tieng-bi-nem-da-du-doi-1356245.html