'Để đầu tư cao su ở Lào, phải gõ cửa từng nhà, vận động từng người dân'

'Việt Nam trải thảm đỏ để đón nhà đầu tư nước ngoài, nhưng để đầu tư cao su ở Lào, chúng tôi phải vận động từng người dân', ông Dương Đình Bảng – trưởng Văn phòng đại diện của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tại Lào (VRG) cho biết.

Việc đẩy mạnh đầu tư tại Lào không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn có nhiều ý nghĩa quan trọng khác. Trong nỗ lực này, ngành cao su Việt Nam và đặc biệt là VRG đã có những đóng góp không nhỏ. Báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trao đổi với ông Dương Đình Bảng – trưởng Văn phòng đại diện của Tập đoàn VRG tại Lào.

(Nguồn: TTXVN)

-Xin ông cho biết về tình hình phát triển cây cao su Việt Nam tại Lào hiện nay?

Ông Dương Đình Bảng: Ngành cao su phát triển sang Lào có rất nhiều thành phần tham gia, nhưng sớm nhất là Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam.

Theo ký kết hợp tác phát triển kinh tế giữa Việt Nam - Lào, năm 2004, VRG bắt đầu khảo sát trồng cao su tại Lào và nhận thấy cây cao su rất phù hợp với nơi đây, thuận lợi, kể cả về đất đai, điều kiện tự nhiên, khí hậu...

Hiện tổng diện tích cao su ở Lào có khoảng 300.000 nghìn ha, trong đó bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài như: Trung Quốc (chiếm diện tích lớn nhất), Việt Nam (đứng thứ 2) với tổng diện tích chiếm gần 1/4 ( khoảng 70.000 ha).

Sở hữu phần lớn diện tích cao su của Việt Nam tại Lào là VRG và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai

Cao su của Việt Nam được đánh giá cao và có tiềm năng phát triển về kinh tế vì làm theo đại điền. Cụ thể, các doanh nghiệp đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội cho địa phương có dự án đầu tư, ví như: cơ sở hạ tầng, tạo hàng vạn công ăn việc làm cho người dân địa phương, đóng góp vào nguồn ngân sách cho địa phương... Đến nay, VRG đã trích hàng trăm tỷ đồng để ủng hộ vào dân sinh các vùng đầu tư như: làm đường, điện, trạm y tế, khoan giếng, lợp nhà...

-Giá cao su đạt đỉnh năm 2011- 2012 nhưng sau đó không ngừng lao dốc khiến ngành cao su lao đao và rơi vào tình khó khăn chưa từng có. VRG đã vượt qua như thế nào, thưa ông?

Ông Dương Đình Bảng: Từ năm 2007, 2008 đến năm 2011 giá cao su lên cao đỉnh điểm, có lúc lên tới 5.000 USD/tấn cao su. Tuy nhiên, từ cuối 2011- 2016, giá cao su tụt xuống đáy, chỉ ở mức 1.100 USD – 1.200 USD/tấn tùy loại.

Giá cao su giảm mạnh như vậy là do ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới và chịu sự tương tác của giá dầu. Cụ thể, sản phẩm cuối cùng của dầu cũng là cao su nhân tạo. Giá dầu giảm thì giá cao su nhân tạo cũng giảm và khi đó, đương nhiên sẽ kéo theo giá cao su thiên nhiên giảm theo. Điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các nhà trồng cao su, những đơn vị đầu tư.

Trước tình hình đó, VRG và Hoàng Anh Gia Lai cùng một số nhà đầu tư khác từ Việt Nam sang Lào đã giải quyết rất linh hoạt bằng nhiều biện pháp, trong đó nỗ lực tiết kiệm chi phí đầu vào một cách thấp nhất.

Thời điểm đó, VRG đã hỗ trợ vốn cho người lao động để họ đẩy mạnh việc trồng cây xen canh (mắc ka, lạc, đậu, ngô, cà phê...) nhằm tăng thêm thu nhập.

Cùng với đó, Tập đoàn cũng có một số biện pháp mới nhằm giảm chi phí trong các khâu: cải tiến kỹ thuật khai thác, chế biến, cạo mủ...

VRG cũng đã tăng cường hợp tác đối ngoại để xuất khẩu sản phẩm công nghiệp từ cao su như: găng tay, dây chun, sản phẩm đồ gỗ, bàn ghế...Đây là nguồn chủ lực để bồi đắp lại những khó khăn khi giá cao su xuống thấp...

Những nỗ lực trên nhằm bù đắp để người công nhân có thu nhập khoảng 200 USD/tháng, vì với mức lương đó họ mới có thể trang trải cho cuộc sống. Cùng với đó là các biện pháp về tinh thần nhằm động viên người lao động vượt qua khó khăn.

Trong nước, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp cao su, Chính phủ cũng đã yêu cầu các ngân hàng giãn nợ, đồng ý cho chậm nộp các loại thuế.

Một trong những khó khăn nữa là thời điểm này có rất nhiều các khu công nghiệp mới ở Việt Nam ra đời với mức lương khá cao. Và mức lương này đã thu hút một số lao động từ ngành cao su sang. Tuy nhiên, đáng mừng là số đông người lao động vẫn quyết định ở lại, gắn bó và đồng hành cùng ngành cao su.

Rất may, sau năm năm vật lộn với khó khăn, cuối năm 2016, giá cao su đã hồi phục ở mức khoảng 1.800 USD – 2.000 USD/tấn, thậm chí có lúc giá còn đạt tới 2.200 – 2.300 USD/tấn.

Mức giá như hiện tại phần nào cũng đã động viên người trồng cao su và bù đắp những khoản lỗ trước đây.

Và theo dự báo thì giá cao su thời gian tới sẽ tiếp tục giữ ở trạng thái tăng theo giá thế giới, dù có thể không lên đến đỉnh cao như năm 2011 – 2012.

-Dù giá cao su đã hồi phục phần nào, song đầu tư cao su tại Lào vẫn gặp không ít khó khăn. Vậy VRG có đề xuất ưu đãi gì từ phía Chính phủ dành cho xuất khẩu cao su thưa ông?

Ông Dương Đình Bảng: Mỗi một nước sở tại có luật riêng của họ. Lào với Việt Nam có những nét tương đồng nhưng không phải là không có khác biệt. Chúng ta đã làm cho phía bạn thấy được giá trị, vị thế của cây cao su nên Lào cũng rất quan tâm đến ngành cao su Việt Nam.

Cây cao su là cây nông nghiệp, cũng là cây lâm nghiệp... Vì thế, ngoài những gì đã có được thì chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ Việt Nam có những chính sách rõ nét hơn, quyết liệt hơn để ngành cao su có thể đứng vững, đồng thời để khẳng định tầm quan trọng của mình.

Chúng ta đã có Viện Cao su, nhưng đi kèm đó là phải tạo cơ sở vật chất, tạo cơ sở để tăng cường với các Viện Cao su của các quốc khác...

Ngoài ra, đối với thời điểm khó khăn vừa qua của ngành cao su, Nhà nước nên có chính sách ưu đãi thực sự như giảm lãi suất, giảm thuế nông nghiệp, miễn một vài năm thuế đất, có chính sách hỗ trợ về đào tạo tay nghề cho người lao động.... Trên thực tế, nhiều công ty vẫn bị lỗ lũy kế do hậu quả của thời điểm giá cao su lao dốc để lại.

Đặc biệt, Nhà nước nên có chính sách đặc thù cho người lao động từ trong nước sang Lào đối với thời điểm vào mùa.

Chúng tôi có đủ chi phí để tổ chức cho học hành, đào tạo công nhân người Lào để biết trồng cây cao su như thế nào, cách canh tác, chăm sóc ra làm sao, cạo mủ như thế nào. Thế nhưng, khó khăn của doanh nghiệp trồng cao su tại Lào là không có người để mà đào tạo. Nếu không có sự tuyên truyền và chính sách cụ thể của Chính phủ thì rất khó cho doanh nghiệp trồng cao su giải được bài toán thiếu lao động.

-Ông có thể cho biết những khó khăn, vất vả của Tập đoàn khi đầu tư ra nước ngoài? Cụ thể ở thị trường Lào chúng ta gặp những cản trở gì?

Ông Dương Đình Bảng: Đầu tư ra nước ngoài thường phải tìm hiểu kỹ về pháp luật, phong tục tập quán của nước sở tại.

Tại thị trường Lào, chúng tôi cũng đã gặp không ít khó khăn. Cái khó của đầu tư cao su đó là loại cây này thường trồng ở những vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh... Ở đó, trình độ văn hóa của người dân rất thấp. Nhiều người không biết chữ và truyền thông lại rất hạn hẹp. Thậm chí, có người dân còn chưa hiểu về Việt Nam.

Ở Việt Nam, chúng ta trải thảm đỏ để đón nhà đầu tư nước ngoài vào, nhưng để đầu tư phát triển cao su ở Lào, nhà đầu tư phải đi vận động từng người dân, phải giải thích, phổ biến về cao su, về tiền lương để họ làm cho mình. Tại đất nước này, phát triển cao su phải gắn liền với an sinh xã hội.

Ở Lào, đầu tư ngành cao su không có nghĩa là chỉ trồng cao su mà phải làm cả chính trị. Điều này rất khác với các nhà đầu tư bình thường.

Dù vậy, cũng chính những điều này đã làm cho các nhà đầu tư cao su gắn bó với người dân Lào hơn.

-Xin cảm ơn ông!

Hà Giang

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/kinh-te/de-dau-tu-cao-su-o-lao-phai-go-cua-tung-nha-van-dong-tung-nguoi-dan-243462.html