Để doanh nghiệp tận dụng được lợi ích từ nguồn vốn FDI

Thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không chỉ nhằm bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển mà còn nhằm mục đích tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao... Tuy nhiên, những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong nước vẫn chưa tận dụng hết những lợi ích từ các dòng vốn FDI mang lại.

Mối liên kết còn lỏng lẻo

Vai trò của khu vực DN FDI đã được khẳng định rõ ràng trong các ngành kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, tại Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2017 vừa được tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng: Việt Nam chưa tận dụng được hết những lợi ích từ các dòng vốn FDI mang lại. Đặc biệt, hiện nay các DN tư nhân Việt Nam kết nối chưa thành công vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Minh chứng cho nhận định này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nêu rõ: Đến nay, Việt Nam đã thu hút khoảng 23.000 DN đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký hơn 300 tỷ USD. Đặc biệt, khu vực này thường xuyên đóng góp 70% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Song, sự liên kết của DN FDI và DN Việt Nam chưa chặt chẽ. Vì vậy, thế mạnh luôn thuộc về DN FDI, còn DN Việt Nam ở vị thế thấp hơn. “Do quan hệ lỏng lẻo nên chỉ khoảng 14% DN Việt Nam có khách hàng là DN FDI. Đây là sự lãng phí nguồn lực sẵn có, làm mất cơ hội vươn lên trở thành nhà cung ứng cho các chuỗi giá trị toàn cầu”- Thứ trưởng Đặng Huy Đông phân tích.

Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam, tại Đồng Nai cung ứng nhiều sản phẩm xuất khẩu cho ngành công nghiệp ô tô. Ảnh: TTXVN

Có cùng nhận định trên, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đánh giá, giống như nhiều nước khác trên thế giới, mặc dù Việt Nam đã mở cửa, hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, thu hút nhiều tập đoàn hàng đầu đầu tư vào Việt Nam, nhưng sự phát triển của những tập đoàn này đã không kéo khu vực DN nhỏ và vừa phát triển. Hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động từ các đối tác nước ngoài đến các DN trong nước còn rất hạn chế. Do đó, Chủ tịch VCCI kiến nghị: “Làm thế nào để tránh được một nền kinh tế hai tốc độ hay hai nền kinh tế trong một quốc gia là vấn đề mà Việt Nam cần phải giải quyết ngay lúc này, nhất là trong bối cảnh DN nhỏ và vừa được xác định là trung tâm của nền kinh tế hiện đại”.

Ưu tiên DN FDI tăng cường kết nối DN Việt Nam

Cũng tại Diễn đàn VBF, nhiều ý kiến cho rằng, để thu hẹp khoảng cách giữa DN trong nước và DN FDI, các nhà đầu tư nước ngoài cần những quy định cụ thể, rõ ràng để thúc đẩy các mối liên kết với DN Việt Nam. Theo ông Hiroshi Karashima, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản, thì ở Việt Nam không ít quy định của pháp lệnh chưa rõ ràng, nên có trường hợp không chỉ rõ được cơ sở vận dụng pháp lệnh đó hoặc không có giải thích thống nhất về pháp lệnh đó, dẫn tới việc các DN tư nhân không thể biết trước các hoạt động của mình có vi phạm pháp lệnh hay không… Đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản đề xuất thành lập một tổ chức mới, đứng ra làm trung gian để hỗ trợ rút ngắn khoảng cách giữa quy định và thực thi. Đồng thời, để tăng cường sức hấp dẫn của Việt Nam với vai trò là một nước sản xuất, Việt Nam cần làm giàu môi trường công nghiệp để tạo ra các giá trị gia tăng. Ngoài khả năng cạnh tranh về chi phí lao động, cần tạo ra các ngành công nghiệp phụ trợ bằng cách phát triển DN nhỏ và vừa. Khu vực này sẽ tăng cường hợp tác với DN nhỏ và vừa của Nhật Bản và thực hiện chuyển giao công nghệ.

Cho rằng, chất lượng của lực lượng lao động đang là một trong những rào cản chính khiến DN Việt Nam khó kết nối vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, khó kết nối với các DN FDI, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đề xuất: Trước hết, phải cải thiện chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Cụ thể, Chính phủ cần dành nguồn lực đầu tư để cải thiện chất lượng các trường đào tạo nghề, kết nối hoạt động đào tạo nghề và thực tiễn phát triển công nghệ… Tiếp đến là thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ của các DN trong nước với DN nước ngoài bằng cách cung cấp dịch vụ tư vấn công nghệ hiệu quả, vận hành quỹ phát triển công nghệ, sử dụng các chính sách về thuế, tài chính để khuyến khích đầu tư công nghệ cao....

Ủng hộ những nỗ lực không ngừng của Chính phủ Việt Nam trong công tác cải thiện môi trường kinh doanh, tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội DN Mỹ tại Việt Nam (AmCham) Jonathan Morenno cho rằng, việc nhập khẩu sản phẩm vào Việt Nam còn tốn kém và phức tạp. Do đó, Việt Nam cần “đặc biệt nghiêm túc” giải quyết hàng loạt các rào cản kỹ thuật phi thuế quan đối với thương mại, chủ yếu gặp phải tại biên giới. Chủ tịch Hiệp hội DN Mỹ tại Việt Nam nhấn mạnh: Việc loại bỏ rào cản thương mại và nâng cao khả năng tiếp cận thị trường sẽ thu hút các nhà đầu tư mới đến Việt Nam.

Thừa nhận có sự lệch pha của hai khu vực FDI và đầu tư trong nước, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ rõ, Chính phủ sẽ không thu hẹp hay làm yếu đi khu vực FDI mà sẽ tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để cả DN FDI và DN trong nước đều phát triển. Quan điểm, lập trường của Việt Nam coi FDI là bộ phận hữu cơ, hết sức quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Tạo mọi điều kiện để DN FDI vào đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ thu hút có chọn lọc, ưu tiên DN có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, quản trị tốt; ưu tiên nhiều hơn cho các DN FDI có chính sách kết nối với DN Việt Nam. Việc kết nối này sẽ giúp cả hai khu vực mạnh lên, cùng phát triển.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: Chính phủ Việt Nam đang liên tục và nỗ lực xây dựng, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch cho tất cả các loại hình DN, trong đó có DN FDI. Theo đó, Chính phủ cũng sẽ sớm ban hành nghị định hướng dẫn thi hành Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Về các lĩnh vực liên quan đến tạo thuận lợi thương mại, Chính phủ đã kiện toàn Ủy ban Tạo thuận lợi thương mại Quốc gia. Ủy ban này hiện đang tích cực và phấn đấu đến năm 2018 đưa 80% thủ tục hành chính lên cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia, một cửa ASEAN. Ủy ban cũng đang tích cực chỉ đạo bộ, ngành rà soát, hoàn thiện, sửa đổi 73 thủ tục kiểm tra chuyên ngành để tạo thuận lợi cho tất cả DN.

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/de-doanh-nghiep-tan-dung-duoc-loi-ich-tu-nguon-von-fdi-511152