Để đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững

Ghi chép của phóng viên Báo Nhân Dân - Rời TP Hồ Chí Minh lúc sáu giờ sáng của ngày nghỉ thứ hai sau tuần làm việc, chúng tôi theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn công tác Trung ương về bốn tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Đây là bốn tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có tuyến đê biển dài hơn so với các tỉnh khác mà Chủ tịch nước khảo sát thực trạng đê, kè, tìm hiểu tình hình làm ăn sinh sống của người dân ven biển, cũng như nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng-an ninh.

Ghi chép của phóng viên Báo Nhân Dân - Rời TP Hồ Chí Minh lúc sáu giờ sáng của ngày nghỉ thứ hai sau tuần làm việc, chúng tôi theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn công tác Trung ương về bốn tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Đây là bốn tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có tuyến đê biển dài hơn so với các tỉnh khác mà Chủ tịch nước khảo sát thực trạng đê, kè, tìm hiểu tình hình làm ăn sinh sống của người dân ven biển, cũng như nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng-an ninh.

Đồng chí Cao Đức Phát, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các đồng chí lãnh đạo Cục Đê điều của Bộ tham gia trao đổi ý kiến với cán bộ địa phương dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Điểm đầu tiên, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khảo sát là tuyến đê biển thuộc địa phận xã Hiệp Thạnh và xã Trường Song Hòa, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Đê biển đi qua địa phận tỉnh dài 106,8 km, trong đó có 19,98 km đang được đầu tư mới. Nhìn tuyến đê được kiên cố hóa, Chủ tịch nước quan tâm tìm hiểu quy trình xây dựng, thời gian thi công, nhất là giá thành xây dựng cho một km đê.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các đồng chí cùng đi không khỏi băn khoăn khi quan sát một đoạn đê kế tiếp không được kè bê-tông vừa mới bị sạt lở. 20 năm qua ở xã Hiệp Thạnh, huyện Duyên Hải, biển lấn vào đất liền 2,5 km làm mất sáu nghìn ha đất. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu các đồng chí lãnh đạo tỉnh Trà Vinh phải tập trung rà soát quy hoạch đê, kè, nắm chắc những đoạn suy yếu để tiến hành đầu tư xây dựng, khắc phục dứt điểm. Trong đó, đặc biệt quan tâm loại bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết khi triển khai các dự án quan trọng, thiết thân đến quốc kế dân sinh. Chủ tịch nước còn nhắc nhở: Đê biển không chỉ ngăn nước biển tràn vào nội địa do triều cường, gió, bão, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân mà còn là trục giao thông đường bộ phục vụ cứu hộ ven biển, bảo đảm quốc phòng -an ninh, là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế - xã hội nông thôn ven biển, kiểm soát và chống xâm nhập mặn.

Buổi chiều qua phà Đại Nghĩa, chúng tôi theo Chủ tịch nước đến huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng khảo sát tuyến đê biển tại các xã An Thạnh 3, An Thạnh Nam và rừng phòng hộ tại đây. Đặt chân lên huyện Cù Lao Dung, chúng tôi bắt gặp bức tranh xã ven biển thật đẹp và sống động, với những căn nhà ngói mới tinh khôi nép mình dưới tán cây dừa, cây xoài. Trước vườn nhà ai cũng có chùm hoa giấy đơm hoa sặc sỡ. Cánh đồng mía sau mùa thu hoạch tấp nập người qua lại. Dừng chân tại nhà một người dân ven đường vào xã An Thạnh Nam, Chủ tịch nước nghe lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng báo cáo: Tuyến đê biển bao quanh Cù Lao Dung có chiều dài hơn 22 km với bảy cống ngăn mặn và bảy cầu bê-tông được khởi công xây dựng từ năm 2000 đang có nhiều chỗ sạt lở nghiêm trọng. Trung bình mỗi năm, Cù Lao Dung có khoảng 60 đoạn đê bao, bờ bao bị sạt lở. Chủ tịch nước nhắc nhở mọi người: Tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo rất nhiều. Tần suất và quy mô của bão, lũ ngày càng dày hơn và lớn hơn. Vì vậy, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mọi người dân. Việc triển khai chậm trễ các dự án phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai sẽ tác động nghiêm trọng đến tính mạng và cuộc sống của người dân ven biển.

Trước khi rời tỉnh Sóc Trăng, ngay từ sáng sớm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn công tác đã đến khảo sát đê Vĩnh Tân và khu vực Hồ Bể. Ở đây có khoảng 10 km đê biển không có thảm cây chắn sóng cho nên bãi biển chỗ lở, chỗ bồi. Đồng chí Lê Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo, mấy năm nay, biển lấn vào đất liền 500 m. Sau khi nghe các đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh báo cáo những giải pháp kỹ thuật sẽ được triển khai thực hiện để ngăn chặn sạt lở đê, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng: Chúng ta còn lúng túng chưa tìm được mô hình, giải pháp kỹ thuật đã được kiểm chứng trên thực tế trong công tác phòng, chống sạt lở đê, kè để áp dụng trên diện rộng.

Đến tỉnh Cà Mau, chúng tôi được theo Chủ tịch nước xuyên rừng quốc gia U Minh Hạ đến thị trấn của huyện U Minh. Từ đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi ca-nô ra cửa biển Khánh Hội, đi dọc tuyến đê biển Tây để tận mắt chứng kiến tình trạng sạt lở đất. Tại xã Khánh Tiến, huyện U Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử báo cáo thực trạng tình hình đê biển và sạt lở đất. Tôi ghi vội vào sổ tay mấy số liệu đáng quan tâm: Năm 2007, triều cường đạt mức nước + 1,5 m, tỉnh Cà Mau thiệt hại 4.886 ha đất; năm 2012, đỉnh triều cường đạt mức nước + 2,15 m thiệt hại 20.800 ha đất; năm 2013, đỉnh triều cường đạt mức + 2,17 m thiệt hại 21.100 ha đất. Với tốc độ nước biển dâng như hiện nay, không lâu nữa Cà Mau sẽ có 90 nghìn ha đất nông nghiệp bị ngập, nhất là ở các huyện Ngọc Hiển và Năm Căn. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đặt ra bốn câu hỏi, theo chúng tôi hiểu cũng là bốn yêu cầu đối với các địa phương có đê biển. Đó là mất bao nhiêu ha đất? Các loại đê, kè nào phát huy tác dụng tốt nhất trong phòng, chống sạt lở đất? Có bao nhiêu điểm sạt lở đất, ảnh hưởng đến bao nhiêu hộ dân? Giá thành một km đê biển được kiên cố hóa là bao nhiêu?

Chủ tịch nước nhắc nhở các đồng chí cán bộ lãnh đạo cùng đi rằng: Phòng, chống tình trạng sạt lở đất trong ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ bắt buộc. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tìm được giải pháp kỹ thuật tối ưu để triển khai ứng dụng trên diện rộng. Đất nước còn nghèo không thể để "tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống". Việc xây dựng, kiên cố hóa tuyến đê biển không thể tính bằng năm, do vậy các cơ quan chức năng, nhất là các nhà khoa học đề xuất và triển khai thực nghiệm càng nhiều càng tốt, các giải pháp kỹ thuật phòng ngừa sạt lở đất. Chỉ có như thế, chúng ta mới lựa chọn được giải pháp kỹ thuật tối ưu. Trước mắt chúng tôi là khoảng hai km kè chắn sóng tạo bãi bồi được xây kiên cố. Đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gọi là đê tạo bãi để có rừng ngập mặn giữ đất, là giải pháp tốt nhất hiện có. Chúng tôi thấy, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tách khỏi Đoàn công tác yêu cầu ca-nô cập mạn để khảo sát thực địa. Tìm cho ra một giải pháp kỹ thuật tối ưu thật là vất vả, gian nan.

Những ngày theo Chủ tịch nước khảo sát các tuyến đê biển cũng là dịp chúng tôi được tận mắt chứng kiến sự thay da đổi thịt của một bộ phận dân cư cận kề sóng nước. Tất cả các thôn ấp, huyện lỵ, thị trấn, thị tứ đều có hạ tầng kỹ thuật là đường giao thông, điện lưới quốc gia, trường học được xây cất kiên cố, khang trang, xóa dần thế bị biệt lập với các vùng xa biển. Ở đâu cũng phát huy thế mạnh ngành nghề của địa phương như tôm cua, nghêu, đánh bắt thủy, hải sản, trồng lúa, hoa màu trên đất pha cát, sơ chế thủy, hải sản. Các đồng chí lãnh đạo ở các tỉnh đều khẳng định, đời sống nhân dân ven biển được cải thiện rõ rệt hơn các vùng khác nhờ ngày càng khai thác tốt hơn tiềm năng thế mạnh của kinh tế biển, ven biển.

Trước khi kết thúc chuyến công tác, Chủ tịch nước đã làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Điều đầu tiên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế trọng điểm toàn diện về nông nghiệp của nước ta. Khu vực này đứng vị trí hàng đầu về quy mô phát triển và sản lượng nông sản hàng hóa. Là chỗ dựa vững chắc của cả nước về an ninh lương thực, về sản xuất, đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản, về kim ngạch xuất khẩu. Có thềm lục địa rộng lớn là cơ sở thực hiện chiến lược kinh tế biển, là địa bàn trọng yếu để thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đây là vùng kinh tế có tốc độ tăng trưởng khá cao so với các vùng khác của Tổ quốc.

Để vùng đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục phát huy thế mạnh tăng trưởng nhanh và bền vững, lãnh đạo của các tỉnh trong vùng cần nhận thức sâu sắc và đầy đủ tác hại nhiều mặt về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Ứng phó kịp thời và có hiệu quả trước thảm họa thiên tai liên quan đến 22 triệu dân là công việc đại sự và là thách thức rất lớn đối với toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Ngày nay, việc ứng phó có hiệu quả với biển đổi khí hậu không chỉ vì cuộc sống hiện tại, mà còn là bảo vệ không gian. Tìm ra được giải pháp kỹ thuật, phương thức ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ không chỉ trước mắt mà còn có ý nghĩa chiến lược lâu dài vì sự phát triển bền vững của vùng đất giàu đẹp này.

PHẠM ĐẠO

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/22525402-de-dong-bang-song-cuu-long-phat-trien-ben-vung.html