Để đừng hao tổn đồng tiền bát gạo của dân

Mấy ngày qua, nghị trường Quốc hội thêm sôi động và cả sòng phẳng hơn, khi nhiều đại biểu tập trung thảo luận về sự lãng phí, dàn trải trong nhiều dự án đầu tư công. Điều này thực ra đã gây bức xúc từ rất lâu rồi, nhưng bây giờ mới đối diện và "giải mã” thì dù muộn còn hơn không. Bởi vì, nếu không đưa ra được những giải pháp chấn chỉnh và quản lý kịp thời, những hành động cụ thể, đối diện nghiêm túc thì sẽ càng làm cho đồng tiền bát gạo vốn đang rất eo hẹp của dân thêm thất thoát và đổ gánh nặng lên đầu con cháu mai sau.

Không ít dự án đổ bể, lãng phí lớn

Ảnh: Lê Văn

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu rằng: "Nếu như Chính phủ không kiên quyết chấn chỉnh tình trạng đầu tư dàn trải, cứ để tình trạng đầu tư ồ ạt theo phong trào như các năm trước, thì tôi có thể nói là đất nước đến nay đã vỡ nợ. Từ hồi tôi về làm Bộ trưởng đến giờ hầu như không ký dự án nào mới, chỉ lo đi chữa cháy các dự án đang tồn đọng...”. Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng về Dự án Luật Đầu tư công, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định: "Lãng phí nhất, thất thoát nhất chính là chủ trương đầu tư”.

Thực ra, không chờ đến khi Bộ trưởng Bùi Quang Vinh hoặc nhiều đại biểu khác phát biểu gay gắt và sòng phẳng về lãng phí, dàn trải, tốn kém, thất thoát … trong đầu tư công thì dư luận mới biết. Việc quản lý, sử dụng tiền, tài sản, thời gian, lao động, tài nguyên … trong các dự án đầu tư công đã "lộ chân tướng” từ bấy lâu nay rồi. Thất thoát lớn, bị "xà xẻo” cũng không ít, nhưng bức xúc hơn, có những công trình làm xong rồi "đắp chiếu”, hoặc nhiều dự án ngổn ngang "trơ gan cùng tuế nguyệt” đến cả mấy chục năm trời. Tiền thuế của dân đóng góp, hay tiền đi vay của nước ngoài, cũng đều đổ lên lưng người dân gánh vác. Thế nhưng có mấy ai xót xa cho dân? Và rồi tiêu xài vô trách nhiệm, vô tội vạ?

Nhiều công trình, dự án được "vẽ” ra để có lý do mà "xài tiền” thuế của dân. Vì thế mới có chuyện phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư tràn lan, dàn trải, không tính đến khả năng cân đối vốn, dẫn đến thi công kéo dài, nợ đọng xây dựng cơ bản, gây lãng phí, thất thoát. Tình trạng trên còn được "tiếp tay” bởi cơ chế "ứng trước vốn kế hoạch”, "địa phương xây dựng công trình trước, trung ương trả vốn sau”. Chua chát hơn, ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội còn cho hay: "Chúng ta nói ra rả là không dàn trải, tập trung có hiệu quả nhưng thực tế có thời điểm nói không đi đôi với làm. Tôi đi giám sát việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ thấy có nơi làm rất lãng phí, cười ra nước mắt”.

Trên thực tế, việc "bắt mạch kê đơn” cho căn bệnh này không phải quá khó. Vì trước hết để xảy ra tình trạng đó là do thiếu "cơ chế giám sát tốt và chế tài trách nhiệm” rõ ràng. Theo Bộ trưởng KH&ĐT, nếu Luật Đầu tư công được ban hành theo hướng siết chặt lại chủ trương đầu tư, quy trình, thẩm định, phê duyệt... chắc chắn sẽ "phanh” lại được vấn nạn đầu tư tràn lan, gây lãng phí. Một đạo luật về đầu tư công là cần thiết, nhưng nó không phải là "đũa thần”; càng ít tác dụng khi nó chỉ là "những nguyên tắc chung chung”. Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng đã qui định trách nhiệm của người quyết định đầu tư, nghiêm cấm việc bố trí dàn trải vốn, gây nợ đọng khối lượng xây dựng, qui trách nhiệm của người có liên quan trong việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch, danh mục dự án đầu tư vi phạm, gây lãng phí thì phải bị xử lý kỷ luật. Nhưng cho đến nay, đã có ai bị "sờ gáy trách nhiệm” cho những thất thoát, lãng phí trong đầu tư công gây ra?

Điều quan trọng, nếu vẫn còn sự vô can, vô cảm, vô trách nhiệm với những đồng tiền thuế của dân, thì chưa hết những công trình, dự án đầu tư công thất thoát, lãng phí như hiện nay.

Thanh Tường

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=70905&menu=1384&style=1