Để kinh tế tư nhân phát triển: Phải khống chế chủ nghĩa tư bản thân hữu

Khi coi kinh tế tư nhân là động lực chúng ta đã có cùng cách tiếp cận chung với thế giới hiện đại trong việc vận hành nền kinh tế quốc dân. Và với cách tiếp cận này, một loạt vấn nạn lớn của nền kinh tế như sự thiếu hụt của động lực chủ sở hữu, sự phản ứng chậm chạp trước thay đổi của thị trường, hiệu quả sản xuất - kinh doanh thấp, nhu cầu thấp về đổi mới công nghệ... sẽ dần được khắc phục. Cơ hội đang mở ra rất lớn cho một nền kinh tế thị trường thật sự dựa trên sự cạnh tranh lành mạnh, trên tinh thần khởi nghiệp, quyền tự do kinh doanh, tự do tài sản và tự do khế ước. Tuy nhiên, thách thức đặt ra vẫn không phải là nhỏ. Thách thức lớn nhất ở đây chính là chủ nghĩa tư bản thân hữu.

Chỉ định thầu trong các dự án hạ tầng có khả năng bị lợi dụng. Ảnh: THÀNH HOA

Chủ nghĩa tư bản thân hữu là thuật ngữ được dùng để mô tả một nền kinh tế mà trong đó thành quả kinh doanh phụ thuộc vào các mối quan hệ thân thiết giữa các doanh nhân và các quan chức chính quyền. Nó được biểu hiện qua cách cư xử thiên vị của chính quyền cho các doanh nghiệp thân hữu trong việc cung cấp tài chính, hợp đồng, giấy phép, các khoản miễn giảm thuế và các hình thức hỗ trợ khác.

Với một khuôn khổ khái niệm như vậy, chúng ta sẽ thấy doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế tư nhân hùng mạnh đang có điều kiện lớn hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp nhà nước trong việc xử lý quan hệ với các quan chức. Điều kiện đáng nói nhất là sự độc lập và tự chủ về tài chính. Nhờ khả năng quyết bạo và quyết ngay, các doanh nghiệp này có thể đầu tư nhanh chóng và hiệu quả cho các mối quan hệ. Ngoài ra, họ còn có động lực rất lớn ở đây. Lợi ích của quan hệ thân hữu mang lại trực tiếp cho họ. Chính vì vậy, chủ nghĩa tư bản thân hữu không những đang tồn tại, mà đang ngày càng bùng phát tràn lan trên đất nước chúng ta.

Nhận diện các hệ lụy của chủ nghĩa tư bản thân hữu

Cơ hội đang mở ra rất lớn cho một nền kinh tế thị trường thật sự dựa trên sự cạnh tranh lành mạnh, trên tinh thần khởi nghiệp, quyền tự do kinh doanh, tự do tài sản và tự do khế ước. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất ở đây chính là chủ nghĩa tư bản thân hữu.

Chủ nghĩa tư bản thân hữu đang làm cho môi trường kinh doanh bị hủy hoại nghiêm trọng. Thời gian qua, Chính phủ đã cố gắng rất nhiều trong việc thúc đẩy cải cách hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh. Thế nhưng cải cách hành chính sẽ làm được gì, khi muốn làm ăn dễ dàng cứ phải có quan hệ thân hữu với các quan chức? Không có quan hệ, có vẻ như mọi cơ hội đều đóng lại đối với các doanh nghiệp hoặc chi phí kinh doanh của họ bị đội lên đến mức không sớm thì muộn họ cũng sẽ bị phá sản.

Ở một số địa phương, thậm chí việc gia nhập thị trường gần như là không thể đối với các doanh nghiệp không nằm trong nhóm thân hữu. Các doanh nghiệp không hiểu điều này sẽ gặp muôn vàn khó khăn, trở ngại và buộc lòng phải rời bỏ thị trường. Ở những địa phương như vậy làm gì có môi trường kinh doanh bình đẳng (chính xác hơn, môi trường kinh doanh chỉ có cho các doanh nghiệp thân hữu).

Thứ hai, chủ nghĩa tư bản thân hữu đang triệt tiêu cạnh tranh. Ai cũng biết cạnh tranh lành mạnh là một động lực thúc đẩy phát triển. Tuy nhiên, chúng ta đang phải đối mặt với một thực tế là năng lực cạnh tranh không quan trọng bằng quan hệ thân hữu. Chất lượng cao ư? Giá rẻ ư? Chẳng quan trọng! Quan trọng là phải có quan hệ thân hữu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản giải thích tại sao các doanh nghiệp ở Việt Nam ít có khuyến khích đầu tư vào khoa học-công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh. Hệ quả tiếp theo là năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế cũng rất thấp.

Thứ ba, chủ nghĩa tư bản thân hữu làm cho bất công và bất bình xã hội bị tích tụ ngày một nhiều hơn. Nếu mọi cơ hội đều do nhóm thân hữu tận hưởng hết, thì cái gì sẽ còn lại cho những người dân? Không ai không nhìn thấy nhiều doanh nghiệp đang giàu lên nhanh chóng nhờ được hưởng chênh lệch địa tô, được ưu tiên, ưu đãi trong việc tiếp cận các nguồn lực của đất nước, tiếp cận hợp đồng, tiếp cận thương quyền; các quan chức cũng giàu lên nhanh chóng nhờ được doanh nghiệp lại quả và cung phụng.

Điều này quả thực đi ngược lại với những giá trị về bình đẳng và công bằng xã hội mà chúng ta đã đổ máu xương ra gìn giữ. Rủi ro lớn nhất ở đây là nếu tình hình không được cải thiện thì bất ổn xã hội sẽ xảy ra.
Thứ tư, chủ nghĩa tư bản thân hữu dẫn đến tham nhũng. Tham nhũng là gì nếu chẳng phải là việc lạm dụng quyền lực công vì lợi ích tư. Nhiều quan chức đã sử dụng quyền lực được nhân dân trao cho để ưu tiên, ưu đãi cho nhóm thân hữu và hưởng lợi từ sự lại quả của nhóm này. Chính vì vậy, chủ nghĩa tư bản thân hữu tràn lan cũng đang làm cho tham nhũng xảy ra tràn lan.

Chiến lược chống lại chủ nghĩa tư bản thân hữu

Để bảo đảm một sự phát triển công bằng, lành mạnh và an toàn cho đất nước, Chính phủ cần nhận thức rất rõ nguy cơ của chủ nghĩa tư bản thân hữu. Về bản chất, chủ nghĩa tư bản thân hữu đã gây ra cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1997 và đã làm cho chính quyền ở Indonesia sụp đổ, làm cho bất ổn chính trị-xã hội xảy ra ở nhiều nước. Điều gì xảy ra với thế giới cũng có thể xảy ra với Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ cần xây dựng và triển khai một chiến lược bài bản, công phu để chống lại chủ nghĩa tư bản thân hữu. Trước hết, mọi biểu hiện về mặt hành vi của chủ nghĩa tư bản thân hữu trong hoạt động kinh tế đều cần phải được nhận diện. Chế tài chống lại những hành vi này phải sớm được ban hành.

Ngoài ra, Luật Phòng chống tham nhũng cần được sửa đổi để bổ sung quy định về việc nghiêm cấm các quan chức có quan hệ cá nhân với các doanh nghiệp. Các quan chức có thể tiếp xúc với các doanh nghiệp để giải quyết công việc, nhưng không được xác lập quan hệ cá nhân, không được để doanh nghiệp chăm lo cho gia đình, người thân của mình. Các quan chức không đi ăn uống, tham quan theo lời mời của các doanh nghiệp, không được nhận bất cứ thứ quà cáp gì từ các doanh nghiệp.

Để minh bạch hóa và điều chỉnh hành vi vận động chính sách của các doanh nghiệp, Quốc hội cũng cần sớm ban hành đạo luật về vận động hành lang (lobby). Đạo luật này sẽ quy định chặt chẽ cách thức tiếp xúc giữa các quan chức với các doanh nghiệp; cách thức chuyển tải và tiếp nhận thông tin từ các doanh nghiệp; trách nhiệm giải trình khi một chính sách được ban hành theo yêu cầu của các doanh nghiệp...

Cuối cùng, hiện tượng các doanh nghiệp tài trợ cho chuyện mua quan, bán chức cần phải được nhìn nhận như một hiểm họa của đất nước. Đây là sự khởi nguồn rất phổ biến của chủ nghĩa tư bản thân hữu hiện nay. Chính vì vậy, trước mỗi kỳ đại hội Đảng, trước mỗi đợt kiện toàn tổ chức - bộ máy, những ứng cử viên cho các chức danh chủ chốt đều cần được giám sát chặt chẽ bởi các tổ chức Đảng, bởi các cơ quan báo chí, bởi truyền thông mạng và bởi mọi người dân.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/162449/de-kinh-te-tu-nhan-phat-trien-phai-khong-che-chu-nghia-tu-ban-than-huu.html/